Tóm tắt vụ "bóc phốt" người tuyển dụng ầm ĩ vì gửi thông báo trượt phỏng vấn bằng tin nhắn lúc 11h đêm
Liên tục nhắn tin ngoài giờ hành chính, đỉnh điểm là gửi tin nhắn từ chối ứng viên lúc 11h đêm. Khi ứng viên đăng đàn bức xúc, nhiều luồng ý kiến phân chia và tranh cãi nảy lửa.
- 02-07-2024Học sinh tiểu học chỉ dùng 6 từ mà "bóc phốt" cả mẹ lẫn dì: Đọc xong giận lắm mà không cãi lại nổi
- 23-06-2024Bài toán gây sóng gió: Con làm "38+2=40" bị gạch sai, cô giáo sửa lại đáp án ĐÚNG thành "40" khiến bố bức xúc đăng đàn bóc phốt
- 13-06-2024Salon bị “bóc phốt” liên quan đến việc từ thiện: Vẫn tiếp tục nhận tóc hiến như bình thường
- 05-06-2024Những lần nhóm phụ huynh gây sóng gió: Hết cô gửi nhầm clip chửi bới học sinh đến mẹ "bóc phốt" vì con phải nhìn các bạn ăn liên hoan
Tiếp tục một cuộc tranh cãi rộ lên trên Threads, quanh một vấn đề đã quen nhưng chưa bao giờ hết nóng sốt: Cách giao tiếp giữa HR và ứng viên. Câu chuyện lần này đang lôi kéo được sự chú ý không chỉ từ các "bảnh", mà còn được các bạn trẻ đến các "lão làng" HR thảo luận sôi nổi, đem lên cả nền tảng chuyên nghiệp là LinkedIn để "mổ xẻ".
Ai cũng muốn tìm câu trả lời cho tình huống oái oăm: Rốt cuộc là do ứng viên "mong manh dễ vỡ", hay do HR thực sự thiếu chuyên nghiệp? Muốn tìm đáp án để rút ra bài học kinh nghiệm, nhưng nhìn chung là khó vì luồng ý kiến đang chia năm xẻ bảy!
"Giọt nước tràn ly" khi nhận tin nhắn thông báo trượt phỏng vấn vào lúc 11 giờ đêm
Tranh cãi bắt đầu khi một người dùng đăng tải những tin nhắn trao đổi giữa mình và HR đến từ một tập đoàn lớn. Cô bạn trong vai trò ứng viên, bày tỏ sự thất vọng trước cách làm việc của đối phương: "Có ai thấy trượt phỏng vấn không buồn bằng bị HR đối xử thiếu tôn trọng và thiếu chuyên nghiệp không ạ?".
Tiếp tục là hàng loạt những "gạch đầu dòng" chỉ ra những điểm khiến người này bất mãn: HR thường nhắn tin vào lúc 11 giờ đêm hay rạng sáng 5, 6 giờ để trao đổi những thông tin quan trọng; vừa mới liên hệ được ứng viên, chưa kịp chào lại đã nhanh chóng hỏi ngay về thông tin nhạy cảm là lương thưởng; ghi nhận sai thông tin nhưng chất vấn ngược lại ứng viên.
Đỉnh điểm là gửi tin nhắn thông báo tin ứng viên trượt phỏng vấn vào lúc 22h47 tối, kèm dòng chú thích: "Chị tính gửi mail cho official (chính thức) và formal (trang trọng), nhưng phần sợ em miss (bỏ lỡ) mail, và chị nghĩ dù sao cũng đã discuss (trao đổi) qua Zalo cho thân thiện để mình còn có thể keep in touch (liên lạc) sau này."
Ứng viên cho biết, cô không hề ngại nhận tin nhắn công việc ngoài hành chính. Trong đoạn tin nhắn được đăng tải, có thể thấy người này sẵn sàng trả lời trao đổi từ HR vào độ tối muộn. Tuy nhiên, nhắn ngoài giờ quá thường xuyên, thêm cả chuyện từ chối ứng viên không có một email chính thức nào, có thể nói là giọt nước tràn ly khiến ứng viên bày tỏ câu chuyện lên mạng xã hội Threads.
Ngay khi bài đăng bùng nổ, hóa ra, cô bạn không phải là người duy nhất có trải nghiệm ứng tuyển không mấy trọn vẹn với HR của tập đoàn này. Nhiều người cùng chia sẻ trải nghiệm không hay khi HR trễ nải việc phản hồi, không minh bạch thông tin ngay từ đầu, hay thậm chí là "ghost" (ngó lơ) ứng viên:
- "Mình cũng có trải nghiệm không hay về HR ở đây. Vị trí thì bảo mở cho mọi cấp độ kinh nghiệm để đi thu nguồn CV. Lúc hỏi lương, mình nói mức lương của bậc đã có kinh nghiệm 3-5 năm thì mới thú nhận là chỉ tuyển mức kinh nghiệm 1-3 năm thôi."
- "Mình thì sau khi phỏng vấn xong, đã một tháng nay vẫn chưa biết kết quả. Nhắn tin hỏi mãi cũng thấy phiền mà còn không được trả lời."
Chuyện tương tự cũng xảy ra ở những tập đoàn khác, khiến ứng viên không hỏi thất vọng vì trong lòng họ luôn nghĩ rằng với những tổ chức có quy mô lớn, sự chuyên nghiệp đáng ra phải được ưu tiên hàng đầu:
- "Mình từng đi phỏng vấn ở một tập đoàn nọ, họ hẹn mình cuối tuần sẽ thông báo kết quả, nhưng mình đợi đến giữa tuần sau cũng không thấy, tưởng bị ghost rồi cơ. Mình cũng không hiểu sao người ta cứ để mình chờ mình như vậy dù vị trí của mình cũng không phải cái gì đao to búa lớn mà phải suy đi tính lại thế. Thà họ bảo mình chờ 10 ngày và thông báo kết quả rõ ràng mình trượt hay đỗ thì mình sẽ thấy được tôn trọng hơn là cứ dời và xoay mình suốt như thế. À mà từ lúc vượt qua vòng CV đến lúc mình từ chối là mình còn không nhận được cái mail nào luôn á."
Cạnh những bình luận cùng chia sẻ trải nghiệm, một cuộc "khẩu chiến" giữa các luồng ý kiến khác nhau lan tràn từ bài đăng gốc đến những bài đăng lại trên Facebook, LinkedIn. Mỗi bên đều có lý lẽ riêng, khiến câu chuyện thêm cao trào.
"Đã làm ngoài giờ rồi còn gặp ứng viên không biết thông cảm, động chút là bóc phốt"
"Một bên ráng làm ngoài giờ hành chính, có tâm nhắn báo. Một bên chờ việc cảm thấy thiếu tôn trọng do bên kia nhắn ngoài giờ hành chính dù người ta đã tăng ca vì mình"…là câu nói tóm gọn suy nghĩ của những luồng ý kiến ủng hộ HR, đang nhận được sự hưởng ứng của cư dân mạng.
Một bộ phận lắc đầu ngao ngán trước thái độ của ứng viên, cho rằng bạn đang "việc bé xé ra to" vì không vui trước kết quả, chỉ cần một nơi để trút giận nên đem lên MXH. Một số than trời: "Xin việc, chớ tưởng mình là vua chúa!".
Đa số ý kiến đều đồng lòng nếu ứng viên suy nghĩ chín chắn hơn và có khả năng đồng cảm, thông cảm với HR hơn - điều rất cần thiết khi đi làm sau này - thì bài đăng Threads đó sẽ không tồn tại.
Họ chỉ ra rằng, HR có lý do mới nhắn tin ngoài giờ, có thể là để đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ, vì ban ngày có quá nhiều công việc khác. Tuy liên hệ ngoài giờ hành chính đúng là điều không nên, nhưng người đó cũng không hề bắt buộc bạn phải trả lời ngay. Ngược lại, người nhân sự còn nhã nhặn giao tiếp và thông báo trước về lịch của các cuộc gọi để ứng viên tiện sắp xếp. Trong tin nhắn hỏi lương cũng vậy, HR đã ngỏ lời xin lỗi trước với ứng viên, giải thích rõ lý do muốn biết chứ không hề vòng vo, và tất cả đều dừng lại ở mức độ câu hỏi.
Kể cả với tin nhắn từ chối, dù đúng là gửi vào thời điểm nhạy cảm, nhưng HR đã rất "có tâm" khi soạn tin nhắn dài, chỉ rõ lý do từ chối. Một điều mang tính cá nhân hóa của tin nhắn mà những chiếc email thông báo kết quả chung chung sẽ không có được, vì thường gửi theo mẫu.
Nói chung, với mỗi lỗi sai của HR, đều có thể trám được bằng những lời lẽ nhã nhặn, lịch sự. Chính vì vậy mà cư dân mạng đang chia sẻ góc nhìn cảm thông với HR trước chuyện không may bị đem lên mổ xẻ trên mạng, đồng thời đóng góp thêm góc nhìn đa chiều hơn cho ứng viên:
- "Đi tìm việc mà gặp HR như này thì nên mừng. Trước và sau đều nói chuyện nhẹ nhàng lịch sự, quan trọng nhất là phỏng vấn trượt cũng có feedback rõ ràng. Còn chuyện giờ giấc thì hãy thử nghĩ ngược lại, nếu em đậu thì em có mong họ bất chấp giờ giấc mà nhắn cho em 1 tin để em mừng? HR cũng có KPI nên họ phải tranh thủ là bình thường, thấy người ta làm việc chăm chỉ lại lên bóc phốt."
- "Chị HR này có tâm đấy. Chị ấy cũng luôn xin lỗi trước khi nói điều gì đó biết là gây "nhạy cảm". Bạn không đậu cũng được chị ấy cho biết lý do vì sau không đậu. Thử nghĩ trường hợp từ đầu tới cuối HR chỉ gửi mail thông báo đi phỏng vấn và mail thông báo rớt thì có chớt quớt hơn không? Bạn ứng viên không nhìn thấy được những gì chị ấy đã dành thời gian cho bạn mà đáng ra chị ấy không cần phải làm như vậy. Nhưng bạn ấy lại cảm thấy không được tôn trọng chỉ vì gửi tin nhắn ngoài giờ hay nói chuyện xen lẫn vài từ tiếng anh. Rồi đăng lên MXH như thế này thì feedback của chị ấy vì sao bạn rớt nó càng đang đúng rồi đấy."
- "Việc liên hệ ngoài giờ hành chính thì tớ thấy miễn người ta không yêu cầu mình reply ngoài giờ hành chính, thì tớ thấy cũng bình thường á. Mỗi người có cách làm việc khác nhau, tôn trọng nhau để đạt được mục đích cuối cùng là được."
Họ cũng chỉ ra đã có những cách giải quyết rất khác, như chọn cách nói lại với HR về thời gian liên lạc mà bản thân thấy thuận tiện, từ chối tiết lộ những thông tin mà bạn thấy không muốn, thay vì chấp nhận rồi để đem lên "than thở" trên mạng xã hội với những người xa lạ về những điểm khiến mình phật ý.
- "Bạn nói tin nhắn đầu tiên là hỏi về lương và hỏi ứng viên xác nhận thời gian, địa điểm đi làm. Khảo sát nhiều khi cho thấy, ứng viên vẫn quan tâm tiền lương nhất khi đi làm nên việc hỏi về lương cũng không phải điều gì quá sai. Nhiều công ty cũng muốn lọc luôn, ví dụ như mình ở Hà Nội mà không sẵn sàng vào Sài Gòn thì thôi cũng không cần cân nhắc gì nữa. Hơn nữa, trong tin nhắn bạn chụp lại, chị HR cũng rất nhã nhặn khi đã xin lỗi hỏi lương ngay từ đầu." - Một người dùng LinkedIn bàn luận về vấn đề.
- "Bình thường thôi, mình không thích thì dặn người ta đừng liên hệ ngoài giờ. Chứ HR tập đoàn phải tuyển nhiều vị trí lắm và nhiều đầu việc. Nên tới tối mới có thời gian cho ứng viên. Tui cũng từng khó chịu giống bạn nhưng sau khi thấy họ 11h đêm vẫn liên tục trong hội nhóm chat công việc thì thấy cũng bình thường." - Một "tấm chiếu" từng trải đã thay đổi suy nghĩ, chia sẻ góc nhìn.
Phản bác lại: HR có tâm trong lời nói, nhưng hình như hơi vô tâm khi lựa chọn thời điểm?
Ở phía bên kia "chiến tuyến", cũng có không ít người nhìn nhận: Biết là chăm chỉ, biết là có tâm nhưng HR nên biết sắp xếp công việc, đặc biệt là những công việc cần phải giao tiếp với người khác, thì như vậy mới đảm bảo được trải nghiệm tốt cho ứng viên.
Nhất là khi đang chuẩn bị nhắm mắt đi ngủ, lại còn nhận được tin báo mình đã trượt công việc mơ ước, đặc biệt trong khi thị trường đang ảm đạm như thế này, có lẽ là HR đã hơi vô tâm rồi!
"Do đặc thù công việc hoặc bạn HR chưa biết cách sắp xếp công việc nên tăng ca cho đến khi hết việc, thành ra nhắn tin vào ban đêm làm bạn ứng viên cảm thấy phiền hà." - Một người dùng đưa ý kiến.
Có không ít người làm nhân sự cũng tham gia đóng góp ý kiến của họ, cho thấy việc nhắn tin vào buổi tối quá thường xuyên đang vô tình gây ảnh hưởng đến ấn tượng của ứng viên về môi trường làm việc:
- "Chị làm HR mà chị còn thấy rất kì luôn á. Mấy công ty mà xử lý như vậy thì bản thân chị làm HR chị cũng xin phép né nha. Em đừng buồn vì trượt, hãy vui vì không phải vào công ty như này, vì e hình dung, vào làm việc có thể OT làm khuya làm tối như bạn này không nha."
- "Tui cũng làm Nhân sự, chị quản lý toàn nhắc "Không có nhắn với ứng viên ngoài giờ hành chính" tại phiền người ta với không có chuyên nghiệp."
Nhiều người xem việc nhắn tin ngoài giờ hành chính chính là chiếc "cờ đỏ" báo hiệu nên chạy ngay đi, cho một tương lai ngập đầu trong công việc.
Tạm kết:
Sau những tranh cãi, có thể thấy rõ một điều: Không có ai đúng hay sai hoàn toàn!
Rất nhiều người cho rằng câu chuyện đã có thể được xử lý êm xuôi nếu ứng viên góp ý cho HR về thời gian giao tiếp ngay từ đầu. Suy cho cùng, ứng viên thay vì chọn góp ý đơn giản, lại lấy làm khó chịu và thể hiện sự thiếu chủ động, thiếu thấu cảm trong giao tiếp với người "dẫn đường" đến vị trí chính thức tại công ty.
Nhiều HR cho biết, hành động này trong mắt những người làm tuyển dụng được xem là một điểm trừ cực kỳ chí mạng vì đã gián tiếp làm ảnh hưởng đến hình ảnh công ty, ngay từ khi còn chưa là nhân sự. Chính ứng viên thừa nhận: "Tui tự buồn vậy tại suy nghĩ nhiều quá, với tui tưởng che như vậy là không ai biết công ty nào"
Nếu chỉ vì một chút cảm xúc bùng nổ nhất thời mà mang lại rủi ro cho những người khác, có lẽ cách tốt nhất vẫn là bình tĩnh, hạ hỏa và cân nhắc thật nghĩ, liệu việc này có đáng đem lên và bày tỏ trên MXH, nơi mà các thông tin được lan truyền với tốc độ chóng mặt và lưu trữ vĩnh viễn hay không.
Phụ nữ số