MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tồn kho bất động sản gần như không có, dự án ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy

09-05-2022 - 13:19 PM | Bất động sản

Tồn kho bất động sản gần như không có, dự án ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy

Nguồn cung hiện nay đang thiếu nghiêm trọng ở tất cả các phân khúc. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhà đầu tư vẫn coi bất động sản vẫn là nơi trú ẩn an toàn sau đó mới đến vàng, chứng khoán.

Tại tọa đàm chuyên đề về “Nhận diện chân thực vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, từ quý IV/2021, khi các địa phương gỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế chống dịch đồng thời kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới, hoạt động đầu tư, kinh doanh và thị trường bất động sản đã có nhiều khởi sắc.

Đáng chú ý, tồn kho bất động sản gần như không có, dự án ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Theo tổng hợp số liệu từ các địa phương có báo cáo, lượng giao dịch bất động sản tăng mạnh so với quý III/2021. Giá bình quân các loại căn hộ chung cư (bao gồm căn hộ bình dân, trung cấp, cao cấp) trong quý IV/2021 tăng nhẹ 3-5% so với quý trước. Cá biệt có những vùng tăng 100%, 70% đặc biệt là đất nền, khu vực giáp ranh thành phố lớn giá tăng 15-20%. Ngược lại, bất động sản du lịch so với cùng kỳ quý 1/2021 thì cơ bản giảm, so với quý IV/2021 gần như đi ngang.

Ông Khởi cho biết, trong thời gian qua từ năm 2020, Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ ngành ban hành nhiều chính sách, nhiều Luật ra đời, tháo gỡ tương đối nhiều khó khăn với bất động sản như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, hàng loạt Nghị định của Chính phủ nhưng lại đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 nên tác động của Luật chưa đến thực tiễn nên vẫn khó khăn. 

"Tác động của Luật với bất động sản luôn có độ trễ từ 6 tháng đến một năm bởi sau khi có Luật lại chờ nghị định, thông tư hướng dẫn. Mỗi quy trình kinh doanh bất động sản lại có Luật khác nhau, luật này chờ luật kia, tới đây phải nhanh chóng tháo gỡ thủ tục pháp lý, dù đã cố gắng nhưng phải tiếp tục", ông Khởi nói.

Nguồn cung hiện nay đang thiếu nghiêm trọng ở tất cả các phân khúc. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhà đầu tư vẫn coi bất động sản vẫn là nơi trú ẩn an toàn sau đó mới đến vàng, chứng khoán. Do đó, cần có giải pháp kích cầu nguồn cung, tháo gỡ thủ tục pháp lý cho dự án, đặc biệt dự án nhà ở xã hội. Chỉ trong từ 25-19/4, TP. HCM một lúc khởi công 5-6 dự án nhà ở xã hội, nhiều tình cũng khởi công, hầu hết là các dự án vướng mắc từ 2020-2021 giờ mới triển khai.

Nói về nguồn vốn, ông Khởi cho rằng, đây là một trong những yếu tố không thể xem thường trong hoạt động kinh doanh bất động sản. Thị trường vốn gắn chặt với bất động sản. Bên cạnh những doanh nghiệp bất động sản có nguồn lực lớn thì nhiều doanh nghiệp vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng nhưng gần đây đã có một số quy định siết tín dụng vào bất động sản.

"Siết thị trường vốn thì thị trường bất động sản không phát triển được. Bộ Xây dựng cũng đang đề xuất sửa Nghị định 153 theo nguyên tắc không phải doanh nghiệp bất động sản nào ta cũng cấp vốn như nhau mà nên ưu tiên vốn cho dự án nào hạn chế dự án nào", ông Khởi nói.

Siết nguồn vốn, thị trường bất động sản ra sao? - Ảnh 1.

Tại các địa phương cũng phải kiểm soát chặt chia lô bán nền và đấu giá đất, bởi đây là 2 vấn đề có tác động ghê gớm đến thị trường, chỉ cần một dự án tăng giá hàng loạt dự án tăng giá theo. Đó là cái hạn chế địa phương cần tăng cường quản lý hạn chế méo mó thị trường.

Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết thêm, vừa rồi có tình trạng câu kết liên kết làm giá giữa sàn và chủ đầu tư, giữa các sàn với nhau, giữa các sàn với môi giới hay chủ đầu tư không đem hàng ra bán liên kết với sàn nâng giá làm nhiễu loạn thông tin.

Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ, Chính phủ đồng ý sẽ trình Quốc hội sửa một số luật, trong đó có 3 luật nếu sửa được như Luật Đất Đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ khơi thông thị trường phát triển. Quốc hội cũng thống nhất đưa Luật Đấu thầu để sửa tiếp.

"Cần nhiều giải pháp tổng hợp không chỉ ở góc độ Bộ Xây dựng mà Chính phủ, các bộ ngành cùng tham gia. Tôi tin rằng, muốn thị trường bất động sản phát triển ta phải thực hiện nhiều giải pháp như trên", ông Khởi nhấn mạnh.

https://cafef.vn/ton-kho-bat-dong-san-gan-nhu-khong-co-du-an-ra-den-dau-tieu-thu-het-den-day-20220509111927325.chn

Minh Tâm

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên