MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tồn kho ngành đồ uống tăng gần 30%

08-07-2024 - 09:23 AM | Doanh nghiệp

Tính đến 30/6/2024, trong khi chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm trước, thì chỉ số tồn kho của ngành đồ uống (rượu, bia, nước giải khát) tăng gần 30%.

Công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2024 tăng 7,6% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm trước. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2024 là 76,9% (bình quân 6 tháng đầu năm 2023 là 83,1%).

Mặc dù tỷ số tồn kho bình quân toàn ngành có xu hướng giảm nhưng chỉ số tồn kho của ngành đồ uống lại đang có xu hướng tăng và là mặt hàng có tỷ lệ tồn kho cao nhất hiện nay. Cụ thể, tính tại thời điểm 30/6/2024. chỉ số tồn kho ngành đồ uống đã đạt 128,9% so với cùng thời điểm năm trước, tăng gần 28,9%.

Trong khi đó, ngành sản xuất thực phẩm chỉ tăng 13,6%. Các ngành khác (sản xuất thuốc lá, dệt, sản xuất trang phục…) chỉ số tồn kho đều giảm so với cùng thời điểm năm trước (ngành thuốc lá giảm 0,6% , dệt giảm 23,3%, trang phục giảm 4,4%…)

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lợi nhuận thuần của toàn ngành sản xuất và kinh doanh đồ uống chỉ sau 01 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 đã giảm tới 67%.

Một báo cáo mới đây của Hiệp hội rượu bia, nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, năm 2023 ghi nhận sự “tụt dốc” doanh số của các công ty sản xuất, phân phối mặt hàng đồ uống có cồn, đặc biệt là các DN bia.

Theo đó, HEINEKEN Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, thị trường của hãng tại Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm hai con số trong năm 2023;

SABECO có 26 nhà máy ở 20 tỉnh thành từ năm 2021 tới nay tăng trưởng của DN tăng trưởng âm so với năm 2019 cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận từ một tới hai con số. Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ bởi giá đầu vào tăng 20 - 40%, trong khi giá bán không thể tăng. Kéo theo hàng loạt hệ thống dịch vụ nhà khách sạn với hàng triệu lao động đi kèm;

HABECO phản ánh, năm 2023 sản lượng tiêu thụ giảm khoảng 30% so với năm 2019, ngân sách giảm 10% và phải cắt giảm 25% lao động;

HALICO liên tục thua lỗ từ nhiều năm nay, nên đến cuối năm 2023, Halico đã ghi nhận lỗ quý thứ 27 liên tiếp, luỹ kế lên đến 457,7 tỷ đồng.

Một số DN đã ghi nhận kết quả kinh doanh âm từ Sabibeco và AB Inbev khi lỗ lần lượt 17 tỷ đồng và 170 tỷ đồng.

Tổng doanh thu thuần của nhóm rượu bia niêm yết trên sàn chứng khoán giảm còn hơn 45.000 tỷ đồng từ mức hơn 55.000 tỷ đồng năm 2022 (trong đó Sabeco chỉ đạt 30,7 nghìn tỷ đồng từ mức gần 35 nghìn tỷ năm 2022, Habeco 7.757 tỷ đồng từ mức 8.398 tỷ đồng năm 2022).

Trước những khó khăn này, trong Công văn số 28/CV-VBA góp ý đối với Hồ sơ dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi), VBA đề nghị khi Bộ Tài chính thực hiện đánh giá tác động xây dựng dự án Luật ưu tiên những nghiên cứu đánh giá đặt vào bối cảnh thực tế, dựa trên các cơ sở khoa học, các báo cáo đánh giá tác động đầy đủ và toàn diện…

VBA cũng đề nghị thời điểm hiệu lực của Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) từ năm 2027. Đối với sản phẩm rượu, bia xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây “sốc”, ổn định thị trường, tạo điều kiện để DN thích nghi với việc tăng thuế trong trong thời gian tới…

Theo Thanh Thanh

Báo Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên