Tôn mạ NK bị áp thuế 38,34% nếu không xuất trình được C/O
Trường hợp thương nhân không xuất trình được C/O phù hợp để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, mức thuế chống bán phá giá áp dụng với mặt hàng tôn mạ nhập khẩu sẽ là mức thuế cao nhất 38,34%.
- 09-08-2016“Chạy” thuế, doanh nghiệp ồ ạt nhập tôn mạ các loại
- 19-04-2016Giá nguyên liệu sản xuất tôn tăng mạnh
- 12-03-2016Sẽ khởi kiện tôn mạ màu nhập khẩu bán phá giá
Ngày 1-9, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 3584/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm thép mạ (còn gọi là tôn mạ) có xuất xứ từ Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) và Hàn Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.
Trong thời gian qua, Cục Quản lý cạnh tranh nhận được thắc mắc của một số doanh nghiệp nhập khẩu liên quan đến thủ tục nộp thuế. Do vậy, để đảm bảo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, Cục Quản lý cạnh tranh đã có hướng dẫn chung về việc nộp thuế chống bán phá giá theo Quyết định 3584.
Cụ thể, trường hợp thương nhân không xuất trình được C/O phù hợp để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, mức thuế chống bán phá giá áp dụng sẽ là mức thuế cao nhất theo Quyết định 3584 (38,34%).
Trường hợp C/O thể hiện hàng hóa được sản xuất tại một quốc gia/vùng lãnh thổ cụ thể không phải là Trung Quốc, Hồng Kông và Hàn Quốc thì không áp dụng thuế chống bán phá giá.
Trường hợp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) thể hiện hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, Hồng Kông và Hàn Quốc, nếu tên nhà xuất khẩu (dựa trên hợp đồng mua bán hàng hóa) trùng với tên một trong các nhà sản xuất/xuất khẩu hoặc công ty thương mại (theo bảng) thì yêu cầu thương nhân nhập khẩu xuất trình Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc các giấy tờ tương tự chứng minh tên nhà sản xuất như sau:
Nếu Giấy chứng nhận nhà sản xuất thể hiện tên nhà sản xuất trùng với tên một trong các công ty nêu tại cột 2 thì mức thuế chống bán phá giá áp dụng sẽ là mức thuế dành cho các nhà sản xuất/xuất khẩu tương ứng tại cột 4.
Nếu Giấy chứng nhận nhà sản xuất không thể hiện nhà sản xuất là một trong các công ty nêu tại cột 2 ở trên thì mức thuế chống bán phá giá áp dụng sẽ là mức thuế dành cho các nhà sản xuất/xuất khẩu khác của Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) và Hàn Quốc. Cụ thể, mức thuế dành cho các nhà sản xuất/xuất khẩu khác của Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) là 38,34%. Mức thuế dành cho các nhà sản xuất/xuất khẩu khác của Hàn Quốc là 19%.
Cục Quản lý cạnh tranh cũng hướng dẫn đối với những trường hợp bổ sung/thay đổi tên các công ty thương mại. Theo đó, nếu hàng hóa được sản xuất bởi các nhà sản xuất có tên ở cột 2 nhưng nhà xuất khẩu lại chưa có tên trong danh sách các công ty thương mại ở cột 3:
Để được hưởng mức thuế chống bán phá giá dành cho các nhà sản xuất tương ứng theo các mức thuế tại Cột 4, nhà nhập khẩu cần yêu cầu nhà sản xuất của Trung Quốc gửi công văn cho Cục Quản lý cạnh tranh để bổ sung và xác nhận tên công ty thương mại này. Trên cơ sở công văn của nhà sản xuất, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ gửi công văn thông báo tới Tổng cục Hải quan.
Trong trường hợp không có công văn của Cục Quản lý cạnh tranh về bổ sung/thay đổi tên của các công ty thương mại tại Cột 3 thì mức thuế chống bán phá giá áp dụng sẽ là mức thuế dành cho các nhà sản xuất/xuất khẩu khác của Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) và Hàn Quốc.
Cụ thể, mức thuế dành cho các nhà sản xuất/xuất khẩu khác của Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) là 38,34%. Mức thuế dành cho các nhà sản xuất/xuất khẩu khác của Hàn Quốc là 19%.
Báo hải quan