MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì cuộc họp Ban Bí thư

18-12-2018 - 16:46 PM | Xã hội

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Ban Bí thư ngày 18-12 đã nêu rõ cần tránh khuynh hướng cầu toàn hay nóng vội trong thực hiện Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Ngày 18-12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp, cho ý kiến về kết quả 5 đoàn của Ban Bí thư kiểm tra việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Kết luận số 64 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp.

Thực hiện chương trình kiểm tra năm 2018, Ban Bí thư đã cử 5 đoàn kiểm tra tại 15 cấp ủy và tổ chức Đảng về việc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 18 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19 về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với Kết luận số 64 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì cuộc họp Ban Bí thư - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của 5 đoàn cho thấy, các cấp ủy, tổ chức Đảng hoan nghênh Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương, cho rằng việc ban hành 2 nghị quyết này là đúng đắn, kịp thời và đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện gắn với Kết luận số 64, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Sau một năm thực hiện, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã thí điểm thực hiện một số mô hình tổ chức bộ máy, cán bộ kiêm nhiệm chức danh; sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và đầu mối bên trong hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập, giảm được nhiều đơn vị trung gian, bước đầu khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý… Các cấp ủy, tổ chức Đảng đã quyết liệt vào cuộc triển khai thực hiện nghị quyết và đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc giảm biên chế, giảm đầu mối tổ chức.

Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập cơ bản đã được quy hoạch, hướng tới tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập và chủ trương xã hội hóa cung ứng dịch vụ công đã có tác dụng tích cực…

Tuy vậy, việc quán triệt, thực hiện nghị quyết ở một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa quyết liệt; một số bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện, chậm rà soát bổ sung, hoàn thiện một số quy định liên quan đến tổ chức bộ máy.

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, việc kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều hạn chế. Kết quả tinh giản biên chế về tổng thể chưa đạt chỉ tiêu, yêu cầu đề ra, việc giảm số lượng cấp phó triển khai còn chậm. Tại các đơn vị sự nghiệp công lập, việc sắp xếp, bố trí viên chức theo vị trí chuyên môn, nghiệp vụ ở nhiều đơn vị chưa đạt tỉ lệ đề ra; việc giảm đầu mối còn chậm, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ.

Nguyên nhân do một số cấp ủy, người đứng đầu chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát; một số cơ quan chưa chủ động tham mưu đề xuất giải pháp, lộ trình thực hiện; còn tâm lý ngại va chạm, nể nang, có tư tưởng chờ cấp trên chỉ đạo mới làm… Ngược lại, cũng có nơi làm quá mạnh, nóng vội, nếu không tính toán cẩn thận có thể dẫn đến nhập vào rồi lại tách ra.

Về giải pháp sắp tới, các ý kiến cho rằng, cần tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ; sắp xếp lại đầu mối bên trong, tinh gọn đầu mối, nhất là khối văn phòng, phục vụ; không để các đơn vị trung gian; không có phòng trong cục; giảm cấp phó; đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin; tinh giản biên chế đi đôi với cơ cấu lại; xây dựng vị trí việc làm. Tuy vậy, không thể làm đồng đều ở tất cả các địa phương, lĩnh vực, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, ở thành phố khác miền núi (đường sá xa xôi đi lại khó khăn mà sáp nhập trường học, các cháu sẽ bỏ học…).

Kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Tinh gọn bộ máy, biên chế là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, nên phải có thời gian để thực hiện. Việc kiểm tra bước đầu có tính chất thúc đẩy công việc, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động khẩn trương, quyết liệt, cho một số kết quả cụ thể, qua đó phát hiện một số vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ, uốn nắn để làm tốt hơn.

Qua kiểm tra ở 15 cấp ủy, tổ chức Đảng cho thấy có những việc còn đúng trong thực tế, có những việc cần điều chỉnh uốn nắn. Việc quán triệt nghị quyết, nâng cao nhận thức cần tiếp tục làm tốt hơn, ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể, cần thiết, tháo gỡ vướng mắc… Thực tế đã bộc lộ hai khuynh hướng: cầu toàn và nóng vội; cần tránh hai khuynh hướng này trong quá trình chỉ đạo thực hiện, phải làm chắc chắn, bài bản, hiệu quả cụ thể, không để xảy ra lộn xộn. Cần tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị, giảm trung gian, giảm biên chế, giảm cấp phó…; đồng thời tính toán giải quyết, cán bộ dôi dư thì đi đâu? sáp nhập thì cơ sở vật chất thế nào? Tinh thần là cái gì đã chín, đã rõ thì làm, cái gì khó khăn, vướng mắc thì tiếp tục tháo gỡ, giải quyết.

Ban Bí thư đã thống nhất ra thông báo kết luận về kết quả kiểm tra ở 15 cấp ủy, tổ chức Đảng, trong đó nêu rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề nổi cộm cần giải quyết, từ đó rút kinh nghiệm chung, lưu ý cảnh báo cho các địa phương khác. Ban Bí thư giao Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục làm đầu mối, chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng, theo dõi, đôn đốc, tham mưu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết.


Theo Nguyễn Sự

TTXVN/Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên