MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Chính phủ với địa phương

28-12-2020 - 09:53 AM | Xã hội

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: VGP

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: VGP

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng 28/12 với sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Sáng 28/12, Hội nghị Chính phủ với các địa phương chính thức khai mạc với quy mô toàn quốc dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo MTTQ Việt Nam, các Ban, Bộ, ngành tham dự.

Được tổ chức thường niên vào dịp cuối năm, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương lần này có ý nghĩa đặc biệt hơn, khi diễn ra vào cuối nhiệm kỳ và chuẩn bị bước vào năm đầu của giai đoạn mới khi mà kinh tế đất nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sự kiện không chỉ tổng kết năm 2020 mà còn nhìn lại cả 4 năm trước đó.

Riêng năm 2021, Thủ tướng cho biết, các chỉ tiêu cho năm 2021 đã được cân đối, tính toán trên nhiều yếu tố. Tình hình có nhiều thách thức, song Chính phủ quyết tâm điều hành để nâng tăng trưởng GDP thêm 0,5 điểm phần trăm trong năm 2021.

Nhớ lại 5 năm trước, khi Chính phủ bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước.

Sau 5 năm nhìn lại, đất nước ta thực sự tốt đẹp hơn bao giờ hết, tăng trưởng cao, mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, niềm tin được củng cố… Việt Nam đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trên trường quốc tế và khu vực, tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng.

Riêng năm 2020, dưới tác động của COVID-19, nhiều nước rơi vào suy thoái, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương, dịch bệnh được kiểm soát, bảo đảm an sinh xã hội.

Đến thời điểm này, Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép trong phòng chống COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng cũng được đẩy mạnh.

"Mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì đã đạt được mà bởi cả những trở ngại chúng ta đã vượt qua", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, năm 2020 phải được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Chính phủ với địa phương - Ảnh 1.

Thủ tướng phát biểu khai mạc.

Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với tương lai đất nước không ngừng được củng cố và nâng cao.

Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất, theo Thủ tướng là dịp để mỗi chúng ta thể hiện tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu"; tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.

Tạp chí The Economist tháng 8 năm 2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.

Thủ tướng nhấn mạnh, tăng trưởng bao trùm hơn rất nhiều và tăng trưởng kinh tế cả nước có sự đóng góp từ tăng trưởng ấn tượng của nhiều địa phương mới nổi, đây là nhân tố truyền cảm hứng khác cho nhiều địa phương khác vượt lên chính mình.

Việt Nam không chỉ thành công về kinh tế mà còn đạt nhiều tiến bộ nhanh chóng về xã hội. Việt Nam đã tạo ra hơn 8 triệu việc làm, thu nhập và mức sống người dân ngày càng tăng lên...

Bất luận trong hoàn cảnh nào, Chính phủ đều nhận diện những hạn chế, khó khăn, như tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được bảo đảm, mặt bằng thu nhập còn thấp, khu vực doanh nghiệp nhìn chung còn khó khăn, sức cạnh tranh thấp, những nút thắt về hạ tầng, nguồn nhân lực…

Việt Nam có thể đi đầu trong một số lĩnh vực

Nhắc tới những thay đổi trong bối cảnh thế giới và thời đại, trong phần phát biểu khai mạc Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam chưa thể trong nhóm đứng đầu thế giới về thu nhập, nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong một số lĩnh vực.

Thủ tướng tin tưởng, những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc sẽ giúp làm nên thành công, như cha ông ta đã đứng vững trước mọi thiên tai, đẩy lùi mọi cuộc xâm lược, giúp đạt được những thắng lợi trong 35 năm đổi mới.

"Hơn lúc nào, đây là thời điểm củng cố niềm tin, nền kinh tế, đất nước ta đang tiến nhanh về phía trước và chắc chắn dân tộc ta sẽ tiến nhanh hơn nữa về phía trước. Chúng ta không được chủ quan và còn có thể làm tốt hơn nữa", Thủ tướng nêu rõ.

Theo chương trình, sau khi nghe các báo cáo của lãnh đạo Chính phủ và ý kiến phát biểu của lãnh đạo một số địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Theo Hoàng Đan

Doanh Nghiệp và Tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên