Tổng Bí thư: Đừng "nhìn gà hoá cuốc", đừng "thấy đỏ tưởng là chín"
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc bố trí người có đức, có tài, thật sự vì dân, vì nước. Đừng "nhìn gà hoá cuốc", đừng "thấy đỏ tưởng là chín", đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ...
Sáng nay 11-8, tại phiên họp trực tuyến toàn quốc đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết của Quốc hội hội khóa XV về phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm giai đoạn 2021-2025, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên họp. Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương và địa phương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên họp - Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu tại phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phiên họp diễn ra vào thời điểm có nhiều sự kiện lớn của đất nước, thể hiện sự phối hợp rất nhịp nhàng, ăn khớp của cả hệ thống chính trị ở nước ta, sự đoàn kết nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; một phương thức, cách làm rất bài bản, khoa học, hiệu quả của chúng ta: "Trên dưới đồng lòng", "tiền hô hậu ủng", "nhất hô bá ứng" và "dọc ngang thông suốt".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định những thành tựu đạt được của Chính phủ trong 75 năm qua bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta - nhân tố quyết định để Chính phủ hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương 3 của Đảng và Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV đã đề ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ cần tập trung ưu tiên thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, xử lý dứt điểm những "điểm nghẽn", vướng mắc, tồn tại để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.
Cùng với đó, phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân; từng bước xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân; chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp - Ảnh: TTXVN
Phân tích về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng đây chính là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn quan tâm giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 cần tiếp tục kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh theo đúng phương châm "phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt lưu ý Chính phủ nhiệm kỳ mới cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", gắn với việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thực chất theo Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, nhất là việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, thật sự "cần, kiệm, liêm, chính", "chí công vô tư", thật sự tâm huyết vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy chính phủ và chính quyền các cấp.
""Đừng "nhìn gà hóa cuốc", "đừng thấy đỏ tưởng là chín", đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn"- Tổng Bí thư nêu rõ.
Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ta cũng yêu cầu sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ những tổ chức và cá nhân dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Bên cạnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, phải kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
"Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại, những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm! Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất"- Tổng bí thư nhấn mạnh.
Lãnh đạo cao nhất của Đảng ta cũng cảnh báo tham nhũng chỉ đơn thuần mất tiền, mà tiền mất có thể lấy lại được, nhưng để suy thoái tư tưởng về đạo đức, lối sống làm hư hỏng con người sẽ dẫn đến mất người, mất cán bộ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp
Phòng chống dịch là nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Đây là những định hướng, chỉ đạo có tính khái quát, tổng thể, toàn diện, xuyên suốt, sâu sắc cho Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 và cả giai đoạn tiếp theo; đồng thời tiếp thêm sức mạnh để quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.
Thủ tướng đề nghị tập thể Chính phủ và từng thành viên Chính phủ nghiêm túc tiếp thu, quán triệt đầy đủ chỉ đạo của Tổng Bí thư, cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch hành động và thực hiện có hiệu quả, lan tỏa tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm để "trên dưới một lòng", nỗ lực phấn đấu đưa đất nước sớm vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân.
"Trước mắt, Chính phủ xác định phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất hiện nay với tinh thần chống dịch như chống giặc, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết trong nhiệm kỳ 5 năm tới, Chính phủ sẽ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược, 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ vướng mắc về thể chế…
Thủ tướng cũng nhấn mạnh kiên quyết không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; gắn kết hài hoà, hợp lý, hiệu quả giữa phát triển kinh tế với văn hóa; trong kinh tế có văn hóa, trong văn hóa có kinh tế; xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa để thực sự là động lực, là đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp phân quyền; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, quan liêu, xa dân.
Củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Quán triệt phải kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm quý báu của Chính phủ qua các thời kỳ, Thủ tướng yêu cầu từng thành viên Chính phủ, từng cán bộ, công chức, viên chức ở tất cả các cấp, ngành, địa phương phải đoàn kết, chung sức, đồng lòng; nỗ lực phấn đấu bằng những hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Người lao động