Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước
Một trong những nội dung được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khoá XII chiều ngày 10 là vai trò của nền kinh tế tư nhân, làm thế nào để khu vực này trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
- 10-05-2017Trung ương bổ sung nhiều nội dung mới về kinh tế thị trường
- 09-05-2017Hội nghị Trung ương 5: Thủ tướng điều hành phiên họp về kinh tế tư nhân
- 09-05-2017Chủ tịch VCCI: Đã đến lúc thoái vốn, thoái sức Nhà nước, nhường nguồn lực phát triển kinh tế cho khu vực tư nhân
- 08-05-2017VCCI sẽ đề xuất 5 nhóm kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp tại hội nghị với Thủ tướng
Tổng Bí thư cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức của chúng ta về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có nhiều thay đổi.
Cụ thể, từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ đã thừa nhận đây “là một trong những động lực” và đến nay trở thành “một động lực quan trọng” của nền kinh tế.
Thực tế cho thấy kinh tế tư nhân đang ngày một phát triển, tỷ trọng của khu vực này đang chiếm từ 39 – 40% GDP cả nước. Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao, vươn tầm ra thế giới đã được hình thành.
Bên cạnh những hoan nghênh, đánh giá cao về thành tựu đã đạt được, Tổng Bí thư đã nêu ra những yêu cầu mới từ Trung ương đối với việc tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân.
“Thời gian tới, toàn hệ thống chính trị phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu phát huy những kết quả, thành tựu đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, triển khai thực hiện thật tốt các chủ trương, chính sách mới được khẳng định, kế thừa hoặc bổ sung, phát triển tại Hội nghị lần này”, Tổng Bí thư phát biểu.
Cụ thể, cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chăm lo phát triển kinh tế tư nhân nhanh, lành mạnh và đúng đắn hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng để giải phóng sức sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể làm nòng cốt để bảo đảm xây dựng thành công nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.
Tổng Bí thư cũng cho biết cần tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Theo đó, thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hoá, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan toả rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại.
Bên cạnh đó, cần phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phong trào khởi nghiệp. Tạo thuận lợi để các hộ và cá nhân tự nguyện liên kết hình thành doanh nghiệp hoặc các hình thức tổ chức hợp tác khác. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Mặt khác, cần chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần tự lực, tự cường, lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, gắn bó với lợi ích của đất nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của các chủ doanh nghiệp; phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, có ý thức chấp hành luật pháp, trách nhiệm với xã hội và kỹ năng quản lý, quản trị cao; chú trọng xây dựng, nâng cao văn hoá doanh nghiệp và đạo đức doanh nhân.
Về phía Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, Tổng Bí thư cho rằng cần phải có sự đột phá trong tư duy và hành động, kiên trì đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật tốt luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với quy luật thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế; xoá bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh cần phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch; ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, đặc biệt là phòng chống mọi biểu hiện của "chủ nghĩa tư bản thân hữu", quan hệ "lợi ích nhóm", "thao túng chính sách", cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.
Về phía các doanh nhân, doanh nghiệp, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần chủ động, tích cực hơn nữa trong đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như từng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cụ thể. Tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới, xây dựng thương hiệu và "chữ tín" trong kinh doanh…