Tổng bí thư yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề lý luận lớn
Tổng bí thư nhấn mạnh một số vấn đề về định hướng lý luận cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trong thời gian tới...
- 21-12-2017Bí thư Đà Nẵng: Tổng Bí thư yêu cầu Bộ Công an điều tra và trả lời về Vũ “nhôm"!
- 14-12-2017Tổng Bí thư sẽ dự họp Chính phủ tháng 12
- 29-11-2017Tổng Bí thư: "Lò nóng lên thì tất cả phải vào cuộc"
Chần chừ, chậm trễ sẽ bỏ lỡ thời cơ, sẽ ngày càng tụt hậu, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý trong phát biểu tại kỳ họp thứ tư Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021, sáng 23/12.
Đây là kỳ họp bàn chuyên sâu về chủ đề "Công tác lý luận: thực trạng, vấn đề và giải pháp" và tổng kết công tác năm 2017, xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của Hội đồng.
"Thực tiễn công cuộc đổi mới đang đặt ra và đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy lý luận, về công tác lý luận", Tổng bí thư nói.
Tổng bí thư cũng nhấn mạnh thêm một số vấn đề về định hướng lý luận cần đươc tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trong thời gian tới.
Theo đó, trước hết, cần tập trung nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, phục vụ tốt hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ nay đến cuối nhiệm kỳ.
Theo Tổng bí thư, trong các nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4, thứ 5, thứ 6, Trung ương đã nêu ra một số vấn đề còn có những ý kiến khác nhau cần được tổ chức nghiên cứu, thí điểm, tổng kết để kết luận rõ.
Ví dụ: vấn đề nhận thức và giải quyết đúng quan hệ giữa nhà nước - thị trường - xã hội; vấn đề chế độ sở hữu tài sản; vấn đề tích tụ, tập trung đất đai phục vụ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; vấn đề huy động, phân bố, sử dụng hiệu quả nguồn lực nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững; vấn đề mô hình tổng thể của hệ thống chính trị nước ta phù hợp với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế; vấn đề kiểm soát quyền lực...
Hội đồng Lý luận Trung ương cần làm đầu mối tập hợp trí tuệ đội ngũ cán bộ lý luận, tích cực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, góp phần làm rõ những vấn đề này, Tổng bí thư yêu cầu.
Tổng bí thư cho biết, trong năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương sẽ tổng kết việc thực hiện chiến lược công tác cán bộ thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chiến lược Biển, để tiếp tục hoàn hiện các chủ trương, chính sách lớn.
"Đây là vấn đề rất hệ trọng, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thật sự khoa học. Hoạt động lý luận phải tham gia tích cực vào quá trình chuẩn bị này, tư vấn giúp Trung ương có những căn cứ lý luận, thực tiễn vững chắc để có những quyết sách đúng đắn, đáp ứng yêu cầu mới, rất cao của thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc", Tổng bí thư nhấn mạnh.
Người lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng nêu yêu cầu cần khởi động chuẩn bị cho việc xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ 13 của Đảng.
"Các văn kiện Đại hội yêu cầu phải có tính tổng kết, tính dự báo, tính định hướng rất cao, với tầm bao quát rất rộng. Cần nghiên cứu, tổng kết toàn diện các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Đảng. Bao trùm, xuyên suốt các nội dung, lĩnh vực cần nghiên cứu, tổng kết chính là xác định cho được con đường, lộ trình thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước giàu mạnh về mọi mặt và trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ thứ 21", Tổng bí thư phát biểu.
Nhấn mạnh yêu cầu cần chủ động chớp thời cơ để đưa đất nước phát triển nhanh hơn, khắc phục bằng được nguy cơ bị tụt hậu, Tổng bí thư cũng lưu ý những người làm công tác nghiên cứu lý luận cần nhạy bén, năng động tiếp cận, tiếp thu sáng tạo những vấn đề lý luận mới, phân tích, chắt lọc, lựa chọn những giá trị tinh hoa có thể vận dụng phù hợp với điều kiện nước ta; đề xuất các luận cứ khoa học để hoàn thiện các chủ trương, quyết sách của Đảng trước những yêu cầu mới.
"Chần chừ, chậm trễ sẽ bỏ lỡ thời cơ, sẽ ngày càng tụt hậu, song nóng vội, sao chép giản đơn kinh nghiệm nước ngoài, triển khai ồ ạt theo kiểu phong trào mà không tính đến đầy đủ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước cũng sẽ dẫn đến thất bại", Tổng bí thư lưu ý.
Trong phát biểu, Tổng bí thư cũng nêu những định hướng cốt lõi ở tầm chiến lược đối với công tác nghiên cứu lý luận của Việt Nam.
Đó là tiếp tục xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập với thế giới ngày càng hoàn thiện, nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối, hiện đại; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trọng tâm là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa liêm chính, phát triển. Là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trí tuệ; xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng dân tộc thông thái, con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng và phát huy giá trị nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Xây dựng nền quốc phòng, an ninh, ngoại giao hiện đại, nhân văn; huy động, nuôi dưỡng, bảo vệ, phân bổ hợp lý, sử dụng tối ưu mọi nguồn lực, tạo động lực phát triển đất nước nhanh, bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa...cũng là định hướng cốt lõi được Tổng bí thư đề cập.
"Chưa bao giờ thực tiễn phong phú, mới mẻ của thế giới và đất nước lại mở ra chân trời sáng tạo rộng lớn và đầy sức hấp dẫn đối với đội ngũ những người làm công tác lý luận như bây giờ", Tổng bí thư phát biểu.
Vneconomy