MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam: Khách đông nhưng chỉ là “em bé” so với láng giềng

12-01-2017 - 16:19 PM | Doanh nghiệp

So sánh doanh thu trong 12 tháng của ACV (đến cuối Q3/2016) chỉ bằng 40% và 60% con số của AOT (đơn vị quản lý các sân bay ở Thái Lan) và Malaysia Airports (quản lý các sân bay tại Malaysia).

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) là đơn vị đang độc quyền khai thác 22 sân bay nội địa và quốc tế tại Việt Nam.

Trong báo cáo phân tích có tựa đề Ngành “Cảng hàng không” Việt Nam đang phát triển như thế nào do CTCK Rồng Việt thực hiện, các chuyên gia đánh giá, KQKD của ACV chưa phát triển tương xứng với quy mô hành khách.

ACV đứng trong nhóm đầu về quy mô hành khách trong khu vực

Trong 9 tháng đầu năm 2016, số lượt hành khách tăng 30% so với cùng kỳ lên 60,5 triêu lượt, gồm có 17,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 25% so với cùng kỳ) và 43 triệu lượt hành khách nội địa (tăng 32% so với cùng kỳ). Ước đạt cả năm 2016, tổng lượng hành khách toàn hệ thống của ACV khoảng 81 triệu khách và đứng trong nhóm đầu về quy mô hành khách trong khu vực.

Trong giai đoạn sắp tới, (1) cơ cấu dân số trẻ với thu nhập gia tăng (tầng lớp trung lưu sẽ chiếm ½ dân số Việt Nam trong 5 năm tới), (2) chi phí bay ngày càng “vừa túi tiền” thu hút nhiều người sử dụng máy bay lần đầu và (3) thời gian di chuyển nhanh sẽ là động lực quan trọng tiếp tục thu hút hành khách đến với phương thức vận chuyển này.

Nhưng so về doanh thu, ACV vẫn là “em bé”

Tuy lượng hành khách thuộc top đầu nhưng doanh thu của ACV lại có vẻ “lép vế”. So sánh doanh thu trong 12 tháng của ACV (đến cuối Q3/2016) chỉ bằng 40% và 60% con số của AOT (đơn vị quản lý các sân bay ở Thái Lan) và Malaysia Airports (quản lý các sân bay tại Malaysia), trong khi quy mô hành khách đạt gần 68% và 60% sản lượng của hai đơn vị trên.

Điều này xuất phát một phần từ chênh lệch trong cơ cấu khách nội địa và khách quốc tế tại ACV. Tỷ lệ khách nội địa và quốc tế qua hệ thống ACV đang chiếm 70% - 30% trong khi giá cước khách dịch vụ của khách quốc tế cao gấp 3-6 lần giá khách nội địa. So sánh với “đàn anh” Airport of Thailand (đơn vị quản lý các sân bay ở Thái Lan) và Malaysia BHD (quản lý các sân bay tại Malaysia), tỷ lệ khách quốc tế đang là 58% và 48%. Điều này giải thích vì sao ACV lượng khách thì lớn nhưng doanh thu vẫn nhỏ bé.

Một nguyên nhân khác đến từ sự phát triển còn nhiều hạn chế các dịch vụ đi kèm (giá trị gia tăng cao) cho hành khách tại các nhà ga sân bay. Thực tế, doanh thu phi hàng không (bao gồm bán hàng) trên hành khách qua hệ thống ACV chỉ đạt 1 USD (so với mức trung bình Châu Á là 10-12USD hay Thái Lan và Malaysia là 4-5USD). Do đó, để gia tăng KQKD, các đơn vị quản lý sân bay trong khối ASEAN thường triển khai đầu tư dự án nhà ga sân bay tích hợp bao gồm một loạt các dịch vụ như khu mua sắm (shopping mall), lưu trú (accommodation) và dịch vụ ăn uống rất đa dạng. Hai yếu tố trên vừa là hạn chế vừa cho thấy vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển ngành hàng không ở Việt Nam nói chung và KQKD của ACV nói riêng.

Trong năm 2016, ACV đã có 2 đề xuất trình Bộ Giao thông Vận tải đề nghị tăng phí dịch vụ nội địa và tăng giá dịch vụ mặt đất. Tuy chưa được chấp thuận, nhưng động thái này thể hiện rõ nguyện vọng tăng giá bán của ACV.

Như vậy, rõ ràng là dư địa tăng trưởng và cơ hội cho ACV là khá tích cực. Vấn đề đặt ra đối với ACV là phải gia tăng hiệu quả hoạt động và triển khai nhanh các kế hoạch gia tăng công suất để nắm bắt cơ hội này. Hiện tại Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai kế hoạch thoái bớt vốn tại ACV, giảm tỷ lệ cổ phần Nhà nước từ 95,4% xuống 75%. Nhờ đó, quá trình cổ phần hóa ACV và các công ty con sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn khi được đặt dưới sự giám sát của nhiều cổ đông khác.

Tâm Phạm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên