Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nguy cơ "mất lãi" năm 2024 vì các sự cố sạt lở hầm đường sắt
Tháng 4/2024, ngành đường sắt xảy ra sự cố sạt lở hầm Bãi Gió, Khánh Hòa khiến Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Đến ngày 21/5, tiếp tục xảy ra sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh, Phú Yên. Các sự cố khách quan trên có thể "thổi bay" lãi mỏng của VNR trong năm 2024.
- 23-03-2024Một đại gia công bố bản quyền công nghệ làm đường sắt trên cao "hiện đại nhất" VN, chạy thử tàu dát vàng
- 16-01-2024VNPAY hợp tác Đường sắt Việt Nam triển khai bán vé tàu tự động tại Ga Hà Nội
- 07-01-2024Tổng Công ty Đường sắt dự kiến lãi bình quân 100 tỷ đồng mỗi năm
Trao đổi với Tạp chí Nhịp sống Thị trường (Markettimes), đại diện VNR cho biết, vào lúc 9h50 ngày 21/5, trong quá trình thi công gia cố hầm đường sắt Chí Thạnh đã xảy ra sự cố sạt lở, cách cửa hầm phía Bắc khoảng 160m.
Sự cố này làm đất, đá lấp kín bề ngang hầm, buộc phải phong tỏa đoạn đường sắt giữa hai ga La Hai, huyện Đồng Xuân và Ga Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Trước khi xảy ra sự cố, trong những ngày gần đây, khu vực trên thường xuyên có mưa lớn.
"Đến ngày 22/5 chúng tôi đang nỗ lực khắc phục sự cố trên và chưa thể khẳng định giao giờ có thể thông hầm đường sắt Bắc - Nam này", đại diện VNR cho biết.
Nói thêm về việc hỗ trợ hành khách, VNR thông tin, Tổng công ty đã phải chuyển tải hành khách đi tàu bằng ô tô giữa 2 ga La Hai, huyện Đồng Xuân và ga Tuy Hòa, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên để hành khách tiếp tục đi tàu. Dự kiến, sẽ trung chuyển gần 2.700 hành khách trên 6 đôi tàu Thống nhất và địa phương.
"Việc trung chuyển này cũng đã phát sinh thêm chi phí cho Tổng công ty, nhưng để phục vụ hành khách, VNR sẵn sàng làm hết khả năng của mình. Ngoài ra, trong thời gian chờ đợi chuyển tải, ngành đường sắt sẽ phục vụ miễn phí nước uống và suất ăn cho hành khách", VNR cho biết.
Trước đó, ngày 12/4, tại hầm đường sắt Bãi Gió, Khánh Hòa cũng đã xảy ra sạt lở hầm đường sắt nghiêm trọng. Khoảng 180 m3 đất đá khoảng sạt lở xuống đường ray khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam phải tạm dừng hoạt động. Đến ngày 21/4 hầm mới có thể thông tàu.
Trong 10 ngày sửa chữa hầm, ngành đường sắt đã tổ chức chuyển tải 30.100 hành khách bằng ôtô từ ga Giã (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) đến ga Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) và ngược lại, phục vụ ăn uống miễn phí cho khách bị ảnh hưởng. Khoảng 11.700 vé bị khách trả lại do sự cố sạt lở.
Chưa kể, nhiều chuyến tàu hàng phải ngừng chạy, hàng trăm nghìn tấn hàng phải chuyển tải bằng đường bộ. Nhiều hành khách và chủ hàng phải thay đổi vận chuyển bằng phương tiện khác, dẫn đến doanh thu vận tải sau khi sự cố bị giảm mạnh.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, trong 10 ngày xảy ra sự lở hầm Bãi Gió, đơn vị đã thiệt hại khoảng 50,4 tỷ đồng để khắc phục sự cố và chuyển tải hành khách bằng đường bộ; bao gồm, chi phí khắc phục sự cố là 3,6 tỷ đồng, thiệt hại trực tiếp 18,7 tỷ đồng và giảm doanh thu 28 tỷ đồng...
Đối với sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh, Phú Yên lần này, VNR chưa thể xác định bao giờ có thể thông hầm trở lại nên tạm thời chưa thống kê được mức thiệt hại. Hy vọng, trong 4-5 ngày tới, sự cố trên có thể được khắc phục.
Theo báo cáo kinh doanh của VNR, trong năm 2023 doanh thu toàn tổng công ty đạt 8.503,8 tỷ đồng đạt 101,7% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 94,8 tỷ đồng, đạt 115% kế hoạch.
Như vậy, chỉ riêng sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió, Khánh Hòa đã "thổi bay" trên 50 tỷ đồng, tiếp đến sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh, Phú Yên chưa rõ bao giờ thông tuyến (nên chưa thể thống kê mức thiệt hại cụ thể). Nhiều chuyên gia dự đoán, các sự cố sạt lở hầm đường sắt trên sẽ "thổi bay" lợi nhuận cả năm 2024 của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam.
Nhịp sống thị trường