MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng Cty Đường sắt: Tham bán đất vàng, cho thuê sai mục đích

07-09-2016 - 08:16 AM | Bất động sản

Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) nắm trong tay hàng chục km2 đất, trong đó có những khu đất diện tích lớn, đắc địa. Thay vì sử dụng cho phát triển ngành, lãnh đạo ĐSVN cho thuê sai mục đích, thậm chí định chuyển nhượng đất vàng với giá rẻ...

Định bán rẻ đất vàng dưới "chiêu" thoái vốn

Như chúng tôi thông tin, thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra toàn diện ĐSVN. Trong đó, chuyện nhượng hụt hai lô đất vàng liền kề gần 1.000 m2 tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được đánh giá nặng nề: "Tổng Cty ĐSVN đã xem thường lợi ích Nhà nước, của doanh nghiệp, lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản không qua đấu giá, đấu thầu".

Theo các tài liệu mà PV Tiền Phong có được, quá trình chuyển nhượng lô đất này trải qua quá trình lắt léo. Thời điểm bắt đầu thương vụ này có thể tính từ tháng 7/2013 khi Cty Khách sạn Thương mại Sài Gòn do ĐSVN và Công ty Hà Thành góp vốn thành lập để khai thác khách sạn 5 tầng tại hai lô đất này. Doanh nghiệp này có số vốn điều lệ 60 tỷ đồng, ĐSVN giữ 50% vốn điều lệ bằng việc góp trị tài sản trên đất, trang thiết bị và quyền sử dụng hai lô đất này.

Dù ở vị trí sôi động tại nội thành Hà Nội nhưng không hiểu sao hoạt động kinh doanh khách sạn này thua lỗ nặng. Trước đó, đơn vị khác khai thác vẫn có lãi, nhưng liên doanh này lỗ ngay 3 tỷ đồng sau 1,5 năm hoạt động, báo hiệu một lộ trình bi đát cho hai khu đất này.

Bước ngoặt xảy ra ngày 7/5/2015 khi ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên ĐSVN ký tờ trình đề nghị Bộ GTVT cho phép nhượng toàn bộ vốn tại liên danh này. Điều này có thể hiểu ĐSVN chuyển nhượng quyền sử dụng hai lô đất này cho Công ty Hà Thành.

Việc định giá trị giá vốn góp của ĐSVN tại liên danh này bằng nhiều con số nhảy múa. Công ty Kiểm toán và định giá Việt Nam (VAE, do ĐSVN thuê) định giá vốn góp của ĐSVN là 67 tỷ đồng (trong đó, lợi thế về đất được tính hơn 48 tỷ đồng, tức khoảng 48 triệu đồng/m2). Sau đó, Công ty Hà Thành thuê Cty Thẩm định giá và giám định Việt Nam (VAI) xác định lại, trị giá vốn của ĐSVN chỉ được xác định hơn 30 tỷ đồng (lợi thế đất thuê được xác định chỉ 14 tỷ đồng, tức 14 triệu đồng/m2).

Cuối cùng, hai bên thương lượng chốt số vốn góp của ĐSVN là 47 tỷ đồng, trong đó, giá trị lợi thế về đất (quyền thuê đất trong 50 năm) là 28 tỷ đồng, tức trị giá đất được định giá 28 triệu đồng/m2. Trong khi, giá đất cùng vị trí đang được rao bán 1 tỷ đồng/m2. Chia 28 triệu đồng/m2 cho 50 năm, giá chuyển nhượng chỉ là 560 nghìn đồng/m2/năm. Với mức giá này, nếu chỉ dùng làm bãi gửi xe, người được nhận chuyển nhượng cũng sẽ lãi lớn.

Rất may, Bộ GTVT kịp "phanh" thương vụ lạ lùng này và Thanh tra Chính phủ kịp chỉ ra những sai lầm của ĐSVN. Trước khi có kết luận thanh tra, Chủ tịch HĐTV ĐSVN Trần Ngọc Thành có báo cáo gửi Bộ GTVT khẳng định không có sai sót trong thương vụ này.

Cho thuê sai mục đích

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, hiện toàn Tổng Cty ĐSVN quản lý sử dụng lên đến 63 km2 đất trên toàn quốc (gồm cả hành lang đường sắt, nhà ga và các trụ sở, nhà xưởng). Tuy nhiên, các sai phạm về đất đai diễn ra phổ biến, trong đó nổi cộm là việc đầu tư bất động sản, đi ngược chủ trương không được phép đầu tư ra ngoài ngành của Chính phủ.

Ở lĩnh vực bất động sản, ngoài sự việc liên quan 2 lô đất vàng trên, ĐSVN đang thực hiện hàng loạt dự án khác với diện tích lớn như: Dự án 12.000 m2 tại số 2 Yersin, TP Nha Trang; Dự án hơn 10.000 m2 tại 31 Láng Hạ, Hà Nội; Dự án hơn 2.700m2 tại 136 Hàm Nghi, TPHCM.

Đặc biệt, ĐSVN và các công ty con đã thực hiện cho thuê đất trái với mục đích sử dụng lên đến hơn 200.000 m2 đất. Điển hình nhất là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, một địa điểm rộng đến hơn 20 ha. Nhà máy này cho 52 tổ chức cá nhân thuê hơn 55.000 m2 đất trái mục đích. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều công ty lớn thuê làm kho, nhà xưởng sản xuất vẫn hoạt động tấp nập tại đây. Nhiều nhà xưởng vẫn được xây mới để cho thuê. Phóng viên Tiền Phong liên lạc với lãnh đạo các đơn vị tại đây để hỏi về hiệu quả cho thuê, giá thuê ghi trong hợp đồng thuê có đúng theo giá thị trường hay không nhưng đều bị từ chối.

Ngoài ra, ngành đường sắt được xác định đã buông lỏng quản lý để đất đai bị lấn chiếm, cấp đất ở cho hàng trăm cán bộ công nhân viên sai quy định. Không những thế, ĐSVN còn không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đất. Cụ thể, Cty Đường sắt Hà Thái nợ 3,6 tỷ đồng tiền thuế đất, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội nợ hơn 28 tỷ đồng tiền thuế đất.

Lãnh đạo Cục Đường sắt cho biết, đang trực tiếp xây dựng dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi, trong đó dự thảo đã đưa ra phương án không để ĐSVN quản lý đất mà giao về cho Bộ GTVT quản lý. Dự thảo Nghị định Chính phủ về Quản lý sử dụng và kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt cũng đã được soạn thảo theo hướng này.

Liên quan việc thực hiện xem xét trách nhiệm HĐTV và Ban Tổng giám đốc ĐSVN về những vi phạm nêu trong kết luận thanh tra, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc ĐSVN cho biết, vẫn đang trong quá trình lên phương án. Bộ GTVT cũng chưa công bố các biện pháp xử lý. Cách đây không lâu, Bộ GTVT cũng lên tiếng sẽ kỷ luật Chủ tịch ĐSVN Trần Ngọc Thành liên quan đến dự định mua hàng trăm toa xe hàng cũ của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau nhiều tháng, lãnh đạo Bộ GTVT cũng không có quyết định gì về việc này.

Theo Sỹ Lực

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên