MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng giám đốc ABBank: “Thật nguy hiểm nếu không biết đâu là sự thật mà đã cổ xúy cho 1 dự án khởi nghiệp”

20-12-2019 - 09:08 AM | Doanh nghiệp

“Trong một lần ngồi ghế giám khảo chương trình khởi nghiệp, sau khi nghe xong một ý tưởng tôi đã mời các thành viên ban giám khảo đứng dậy và nói ‘quá tuyệt vời, quá xuất sắc, em làm luôn đi’. Và thế là bạn ấy về bán hết nhà cửa, vay mượn để khởi nghiệp. Vài năm sau gia cảnh tan tành, bạn ấy gặp tôi và nói ‘Anh Hiếu ơi! ngày đó anh đã cổ vũ em khởi nghiệp’. Lúc đó tôi nhận ra mình đã sai”, CEO ABBank kể lại.

Là diễn giả đặc biệt trong chương trình Thân Tâm Trí - Workshop 3 chủ đề "Doanh nhân hạnh phúc - Khởi nguồn mọi con đường" do Hội Doanh Nhân Trẻ TP.HCM (YBA) tổ chức mới đây tại Tp.HCM, ông Phạm Duy Hiếu, Tổng Giám đốc ngân hàng ABBank đã nói về chủ đề giá trị của sự thật có tác động ra sao đến hành vi và cuộc sống của một con người. Đặc biệt là đối với lớp trẻ, những nhà khởi nghiệp thì "tuệ giác" lại càng quan trọng để giúp một người định hướng được tương lai, biết nhận ra đâu là sự thật, tìm ra con đường đúng đắn.

Tổng giám đốc ABBank: “Thật nguy hiểm nếu không biết đâu là sự thật mà đã cổ xúy cho 1 dự án khởi nghiệp” - Ảnh 1.

Nhận định của những người nổi tiếng, đâu là sự thật?

Mở đầu bài chia sẻ, ông Phạm Duy Hiếu đã dẫn chứng về hai câu nói nổi tiếng nhưng lại đối lập nhau của Shark Hưng và Shark Việt trong chương trình Shark Tank.

"Shark Hưng nói rằng khởi nghiệp thì không được nghĩ đến thất bại. Shark Việt lại nói rằng đã khởi nghiệp thì phải nghĩ đến thất bại. Tôi cho rằng cả hai đều nói đúng, Shark Hưng thì nói với người mở miệng ra là nói thất bại ‘Tôi không làm được đâu’. Cho nên Shark Hưng nói như vậy để động viên tinh thần rằng đã khởi nghiệp thì không được nghĩ đến thất bại.

Shark Việt thì nói với người trong đầu toàn màu hồng, những người mở miệng ra là nói ‘Tôi chắc chắn sẽ thành công’. Thế nên ý kiến của Shark Việt là muốn startup trước khi khởi nghiệp phải nghĩ đến sẽ có lúc mình thất bại. Cả hai câu nói này nếu đặt vào 2 đối tượng khác nhau thì đúng. Nhưng nếu mang 2 người này ra mà áp dụng cho toàn thể startup thì đều sai. Trong khi đó, loài người thì cứ thích áp đặt mọi thứ theo quan điểm của riêng mình. Sau khi 2 Shark phát biểu xong, họ đặt 2 câu của 2 ông để cạnh nhau rồi chỉ trích, bởi kiểu gì một trong hai ông này cũng nói không chuẩn.

Sau đó, một nhóm cư dân mạng khác lại đặt 2 câu nói này bên cạnh một người thứ 3. Người này nói ‘Đã khởi nghiệp thì không nên nghe bất kỳ ai’. Tất nhiên câu trên cũng đúng, đúng là khi bạn theo đuổi ước mơ, bạn đừng nghe người ta cản trở làm mất ý chí. Tuy nhiên cũng sẽ có lúc sai, bạn phải nghe người khác, nghe đồng đội, khách hàng… nghe ngước khác góp ý thì mới học hỏi được. Còn bạn không nghe luôn thì coi như danh hiệu của bạn sẽ sụp đổ.

Tôi lại lấy một ví dụ khác, chúa Giê-Su nói ‘Hãy đi tìm đi, tìm rồi sẽ thấy’. Đức Phật lại nói ‘Đừng đi tìm nữa, cửa vẫn mở đấy’. Cả hai đều nói đúng…Chúa Giê-Su nói với những người không chịu đi tìm, Đức Phật lại nói với những người dành cả đời để đi tìm mà quên mất đi tìm chính mình. Nếu khái quát hóa, đặt 2 câu này lại gần nhau thì sẽ không hợp lý nhưng đặt vào những trường hợp cụ thể đều đúng. Sự thật là nếu chúng ta vác 2 câu nói của 2 con người vĩ đại nhất mà áp dụng cho toàn thể thì đều sai.

Trong một lần khác, tôi nói với 2 nhân viên là hãy nghỉ ngơi đi vì các em đều mệt cả rồi. Sau đó, tôi lại bảo 2 nhân viên khác đi làm vào thứ 7 và chủ nhật. Lập tức có người nói tôi ‘Anh Hiếu là 1 nhà lãnh đạo thiên vị, anh vừa cho người khác nghỉ thứ 7 chủ nhật lại bắt 2 người này phải làm thứ 7 và chủ nhật’.

Tôi đã trả lời rằng ‘Hai người được nghỉ là vì họ đã thức 2 tuần liên tiếp nữa, mất ngủ 2 tuần liên tiếp rồi. Nếu làm tiếp nữa sẽ stress và dẫn đến trầm cảm. Còn 2 bạn này tuần trước họ được nghỉ ngơi mà còn làm việc cẩu thả. Tôi kêu họ đi làm tiếp để phá vỡ giới hạn cho 2 bạn ấy. Do đó, lời khuyên cho 2 trường hợp này là khác nhau", CEO ABBank phân tích.

Doanh nhân hay người bình thường nếu không biết mình sai ở đâu thì cực kỳ nguy hiểm

Từ những câu chuyện trên, ông Phạm Duy Hiếu rút ra trong tất cả mọi vấn đề xảy ra đều phải nhìn về 2 mặt của một vấn đề, đặt vào trong từng trường hợp cụ thể chứ không thể nói suông theo góc độ chủ quan. Bởi nó sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

Đó là trong một lần ông làm ban giám khảo trong một chương trình khởi nghiệp. Nhiều năm sau ông nhận ra mình đã đã sai khi cổ vũ cho một bạn trẻ phát triển dự án riêng.

"Khi nghe xong ý tưởng tôi thấy quá hay liền mời mọi người trong ban giám khảo đứng lên ‘Em ơi tuyệt vời, xuất sắc quá rồi, duyệt đi’. Thế là bạn ấy về bán nhà bán cửa, vay mượn để làm…rồi tan tành sự nghiệp. Sau này bạn ấy gặp lại tôi và nói, anh Hiếu ơi, ngày đó anh đã cổ vũ em khởi nghiệp. Tại sao anh lại làm như vậy?’ Khi đó tôi mới nhận ra mình đã sai.

Trong một lần khác, tôi thấy có 1 bạn đưa ý tưởng mà rất nhiều người khác đã làm rồi. Tôi nghĩ rằng nếu cứ đi lại lối mòn đó thì chắc chắn sẽ thất bại. Thế nên tôi đã khuyên: ‘Em đừng khởi nghiệp ý tưởng này, sẽ thất bại thôi’. Các bạn biết rồi, Cốc Cốc là 1 trình duyệt tìm kiếm khởi nghiệp. Lúc đó mọi người đều nói cậu ấy đừng khởi nghiệp nữa bởi vì Google quá lớn nên không thể nào đấu lại được và khuyên ‘Em phải dừng lại ngay đi’. Rất may bạn ấy không nghe lời, sau đó đi gọi vốn hơn 40 quỹ đầu tư Châu Âu và được rót vốn 14 triệu đô, trở thành công ty Digital Marketing thành công", ông Hiếu kể.

Theo CEO của ABBank, con người thường bị vướng những thứ trong quá khứ, lấy những thứ đã được giáo dục để áp dụng vào hiện tại và mong muốn thay đổi tương lai. Những tư duy máy móc, cổ hủ đôi khi sẽ giết chết tương lai của một người giỏi.

"Tôi dẫn dụ về câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh. Tôi có quen một đôi vợ chồng, học nghiên cứu sinh ở Anh. Họ sinh được 1 câu con trai, đến khi học lớp 6 cậu bé về Việt Nam nhưng chỉ biết tiếng Anh chứ không biết tiếng Việt. Bố mẹ cậu bé nhờ một cô giáo người Việt giúp đỡ. Cô giáo ra bài tập rằng ‘Em hãy nêu cảm nhận về câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh’.

Câu bé nêu quan điểm rằng ‘Em thích Thủy Tinh vì năm nào Thủy Tinh đánh Sơn Tinh cũng thua nhưng rất có ý chí. Rõ ràng đây là cuộc chiến không cân xứng, Sơn Tinh thì có voi gà, chắc chắn thắng cá, tôm nên Sơn Tinh là đại diện cho nhóm lợi ích. Em thích Thủy Tinh vì Thủy Tinh là nước, là sự chuyển động. Còn Sơn Tinh chỉ là tường, là đá vô hồn. Do đó, nếu là con gái của Vua Hùng em sẽ chọn Thủy Tinh làm chồng’.

Cô giáo dạy tiếng Việt phê như sau ‘Con thích Thủy Tinh là sai, hãy thích Sơn Tinh vì … Bộ giáo dục quy định như vậy rồi’. Bản thân chúng ta sinh ra trong nền giáo dục như thế, không có trải nghiệm của riêng mình… Khi những hiểu biết này chúng ta luôn coi là đúng thì làm sao có thể khởi nghiệp thành công. Nếu chúng ta luôn luôn nghĩ rằng chúng ta đúng thì không bao giờ biết chúng ta sai để sửa.

Quay trở lại năm 2018, khi tôi quay về vị trí Tổng Giám đốc ngân hàng An Bình, trong một cuộc họp với phòng kinh doanh, 1 người Phó tổng giám đốc nói rằng ‘Báo cáo sếp hệ thống của ngân hàng An Bình…thật tồi tệ’. Tôi đã hỏi bạn ấy rằng ‘Tôi được biết, bạn có 160 người Giám đốc bên dưới thì bạn hài lòng bao nhiêu phần trăm?. Người này nói ‘Thưa Sếp tôi hài lòng 20%, và không hài lòng 80%’.

Tôi lại hỏi ‘Anh nghĩ hệ thống tồi đến từ 80% hay 20%". Câu hỏi làm cho người đó chết sững. Hóa ra câu nói mà hệ thống tồi tệ chỉ là ý kiến của riêng anh này, 80% họ không nói gì, 20 % mà người đó hài lòng cũng không nói gì. Tôi thắc mắc thế thì đâu là sự thật? Sau đó người này xin Sếp thời gian để xác minh lại. Vậy nếu tôi không hỏi lại câu đó mà đi thay toàn bộ hệ thống thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Từ đó có thể thấy, nếu như chúng ta không biết đâu là sự thật mà đã áp đặt phải thay đổi thì nguy hiểm vô cùng. Nếu không biết đâu là sự thật thì có bao nhiêu tiền cũng không giải quyết được. Tôi nhận thấy công ty nào cũng đi tái cấu trúc, cứ gặp vấn đề là đi tái cấu trúc nhưng thực chất không biết vấn đề nằm ở đâu. Do đó, tuệ giác là vô cùng quan trọng để giúp chúng ta biết đâu là sự thật và đi đúng đường hơn", TGĐ ABBank kết lại.

Tường Vy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên