MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng giám đốc FLC: Yếu tố “quy trình” đang ảnh hưởng lớn đến cải cách hành chính

05-05-2019 - 17:00 PM | Doanh nghiệp

Nhiều đại diện doanh nghiệp và các Bộ ban ngành tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 cho rằng môi trường kinh doanh cần được cải thiện một cách quyết liệt và triệt để...

Để doanh nghiệp tư nhân thực sự bứt phá và trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, nhiều đại diện doanh nghiệp và các Bộ ban ngành tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 cho rằng môi trường kinh doanh cần được cải thiện một cách quyết liệt và triệt để.  

Kinh tế tư nhân đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của kinh tế tư nhân trong nước phải đạt mức 60% GDP của kinh tế Việt Nam.

Muốn hiện thực con số này, theo ý kiến chung của cộng đồng doanh nghiệp, môi trường kinh doanh có tác động đặc biệt quan trọng, cụ thể là thủ tục hành chính; thủ tục tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn tài chính cũng như các quy định liên quan đến hỗ trợ, ưu đãi đầu tư...

Cắt giảm điều kiện kinh doanh cần thực chất

Báo cáo từ Bộ Tài chính mới đây cho biết đến tháng 4/2019, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Cho rằng môi trường kinh doanh đã có sự chuyển dịch rõ nét trong thời gian qua, nhưng ông Trương Gia Bình, Trưởng ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân ban IV thừa nhận vẫn còn tình trạng "trên trải thảm, dưới rải đinh".

Dẫn chứng từ việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng phát triển.

"Nhưng con số 50% này cần được hiểu không chỉ là cắt giảm về số lượng  thủ tục mà còn phải là cắt giảm tối thiểu 50% về mặt thời gian triển khai thủ tục. Vì đối với doanh nghiệp, thời gian cũng đồng nghĩa với tài sản và cơ hội", bà Dung nói.

Trên thực tế, theo bà Dung, nhiều nơi chỉ cắt giảm số lượng về mặt hình thức nhưng thời gian xử lý thủ tục sau khi đã cắt giảm thì không thay đổi hoặc thậm chí có những trường hợp còn kéo dài hơn.

Nguyên nhân lớn nhất chính là do quy trình phối hợp, xử lý giữa các cơ quan nhà nước (giữa các Bộ, ngành; giữa các cơ quan chuyên môn của UBND; giữa địa phương và trung ương) quá lâu và quá phức tạp, Tổng giám đốc FLC nhận định.

Việc doanh nghiệp phải chờ đợi vài ba tháng mới có được một văn bản trả lời từ một Bộ, ngành là điều không hiếm. Thậm chí, không ít trường hợp phải chờ cả năm mới có đủ ý kiến phản hồi của các cơ quan nhà nước. Rào cản này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ trương cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính của Chính phủ, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Nhưng điều đáng nói ở đây là không có chế tài nào với các cơ quan nhà nước khi chậm trả lời doanh nghiệp, bà Dung chia sẻ.

Cùng chung quan điểm, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết: "Vẫn có hiện tượng điều kiện kinh doanh hóa thân vào các quy chuẩn kỹ thuật và khổ nạn cấp phép, xin cho vẫn còn nguyên, thậm chí còn nặng nề hơn. Thủ tục và chi phí kiểm tra chuyên ngành cho xuất nhập khẩu mà người ta thường gọi nôm na là "thủ tục chào hỏi", qua biên giới, các thủ tục ở tuyến đầu của hội nhập, ở nước ta vẫn gấp 2-3 lần so với các nước ASEAN 4 là điều không thể chấp nhận".

Không chỉ với những Tập đoàn lớn trong nước như FLC, chính sách và thủ tục hành chính cũng là những vấn đề được khối doanh nghiệp FDI đặc biệt quan tâm.

Theo ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, thủ tục hành chính còn rườm rà, khó có thể dự kiến được lịch làm việc. Đồng thời, tính dự báo của chính sách pháp luật Việt Nam còn thấp, khiến phía doanh nghiệp nhiều khi không thể ứng phó kịp thời, dẫn đến tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ.

"Chúng tôi mong chính phủ Việt Nam đẩy nhanh tốc độ ra quyết định thông qua việc phân cấp quyền hạn và làm rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh.

Thiếu "bệ đỡ chính sách" để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn  

Nhận định về việc thu hút đầu tư trong các ngành mũi nhọn có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, theo Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, Chính phủ cần có những giải pháp cụ thể để tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp có chiến lược đầu tư lớn và dài hạn trong các lĩnh vực này.

Lấy ví dụ từ ngành du lịch, bà Dung nhận xét: Đảng và Nhà nước đã định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đất nước. Tuy nhiên, đến nay Luật Đầu tư vẫn chưa có quy định nào về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, thủ tục tiếp cận đất đai, cũng như tiếp cận nguồn tài chính để đầu tư các dự án phát triển hạ tầng du lịch hiện đang rất khó khăn, Tổng giám đốc FLC cho biết.

Hàng loạt "điểm nghẽn" khác trong lĩnh vực du lịch cũng được các đại biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân chỉ ra, bao gồm: visa, đào tạo nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch, chiến lược quảng bá....

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Vietravel cho rằng, nhiều đơn vị đã đề xuất bỏ visa cho một số nước, vùng lãnh thổ từ năm 2016 song vẫn chưa được. Do đó, ông Kỳ đề xuất áp dụng chính sách visa linh hoạt, có thể cấp theo thị trường khách đông - vắng theo mùa, hoặc theo các sự kiện lớn của Việt Nam...

Hạ tầng hàng không cũng đang là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng du lịch khi vẫn còn nhiều bất cập cả về chất lượng hạ tầng cũng như công suất khai thác tại nhiều sân bay.

Trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng Chính phủ cần có cơ chế phù hợp để tạo cơ hội cho tư nhân đầu tư vào hạ tầng hàng không, như Thủ tướng từng khẳng định "những gì tư nhân có thể làm tốt thì Nhà nước tạo điều kiện cho tư nhân làm".

Theo Thanh Châu

Vneconomy

Trở lên trên