Tổng giám đốc FPT nhận lương "khủng" trong năm 2022
Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc FPT
3 người được nhận ESOP của FPT cao nhất năm qua đó là Tổng giám đốc và 2 Phó Tổng giám đốc.
- 02-03-2023Cuộc đua ngầm trên MXH của các ông lớn bán lẻ: FPT Shop bỏ xa Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động; Yody phổ biến hơn cả Elise, Shein
- 01-03-2023"Cựu tướng" FPT dẫn dắt một doanh nghiệp chinh phục đất Mỹ, mục tiêu trở thành hãng công nghệ trị giá tỷ USD
- 26-02-2023FPT: Cạnh tranh trên thị trường Mỹ bằng lợi thế giá thấp, đặt kế hoạch doanh thu mảng Xuất khẩu Phần mềm toàn cầu tăng 25%
CTCP FPT (mã: FPT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2022 hé lộ mức lương của dàn lãnh đạo tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam.
Theo đó, Chủ tịch Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Bùi Quang Ngọc và ủy viên HĐQT Đỗ Cao Bảo tiếp tục một năm nữa nhận thù lao 0 đồng. Ủy viên HĐQT - ông Jean Charles Belliol nhận thù lao 870 triệu đồng/năm, tương đương 72,5 triệu đồng/tháng, tăng 45% so với năm ngoái.
Trong 3 ủy viên HĐQT mới được bầu trong Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra ngày 7/4/2022, bà Trần Thị Hồng Lĩnh nhận thù lao 270 triệu đồng, khoảng 30 triệu đồng/tháng còn ông Hampapur Rangadore Binod và ông Hiroshi Yokotsuka nhận thù lao gần 1,8 tỷ đồng, khoảng 195 triệu đồng/tháng - mức lương cao nhất trong các ủy viên HĐQT.
Thù lao thành viên Ban kiểm soát của FPT, trưởng ban Nguyễn Việt Thắng nhận mức bằng năm ngoái 614,4 triệu đồng/năm, tương đương 51,2 triệu đồng/tháng. Tương tự, thành viên BKS là ông Nguyễn Khải Hoàn cũng nhận thù lao bằng năm ngoái là 316,8 triệu đồng/năm, tương đương 26,4 triệu đồng/tháng. Còn thành viên BKS mới là bà Dương Thùy Dương nhận thù lao 237,6 triệu đồng trong năm qua, tương đương 26,4 triệu đồng/tháng.
Với ban điều hành, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa nhận lương 4,16 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2021, tương đương 346,7 triệu đồng/tháng.
Phó TGĐ Nguyễn Thế Phương nhận lương 3,25 tỷ đồng/năm, tương đương gần 271 triệu đồng/tháng, Phó TGĐ Hoàng Việt Anh nhận lương 2,6 tỷ đồng/năm tương đương 216,7 triệu đồng/tháng.
Kế toán trưởng Hoàng Hữu Chiến nhận lương 1,82 tỷ đồng/năm tương đương 151,7 triệu đồng/tháng. Bà Mai Thị Lan Anh được ủy quyền phụ trách Quản trị và Công bố thông tin từ ngày 18/4 nhận lương 572 triệu đồng trong năm qua.
Tuy nhiên thu nhập của lãnh đạo FPT không chỉ đến từ lương và thưởng, mỗi năm kể từ 2015 đến nay FPT đều phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ công nhân viên.
Trong năm 2022, FPT đã phát hành 2 đợt ESOP, 1 đợt phát hành 2.107.000 cổ phiếu phân phối cho 3 lãnh đạo cấp cao, đợt còn lại phát hành 4.537.265 cổ phiếu phân phối cho 171 nhân viên. Số cổ phiếu phát hành cho lãnh đạo cấp cao bị hạn chế chuyển nhượng trong 10 năm kể từ ngày phát hành còn số cổ phiếu phát hành cho cán bộ nhân viên bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm kể từ ngày phát hành.
Theo báo cáo quản trị năm 2022, 3 người được nhận ESOP cao nhất năm qua đó là Tổng giám đốc và 2 Phó Tổng giám đốc.
Trong đó, ông Nguyễn Văn Khoa được nhận 937.174 cổ phiếu, ông Hoàng Việt Anh được nhận 620.030 cổ phiếu và ông Nguyễn Thế Phương được nhận 833.602 cổ phiếu. Với giá phát hành là 10.000 đồng/cp trong khi thị giá hiện tại của FPT là 80.600 đồng/cp, ước tính thu nhập từ ESOP của ông Khoa đang hơn 66 tỷ đồng, gấp gần 16 lần tiền lương. Thu nhập từ ESOP của ông Hoàng Việt Anh và Nguyễn Thế Phương lần lượt là 43,8 tỷ đồng và 58,9 tỷ đồng.
Theo báo cáo kiểm toán của FPT, tổng số nhân viên của tập đoàn tại ngày 31/12/2022 là 42.408 người, tăng 14% so với cuối năm 2021. Chi phí nhân viên trong năm 2022 của FPT đạt 18.798 tỷ đồng, như vậy mỗi nhân viên FPT bình quân thu nhập mỗi tháng gần 37 triệu đồng.
Kết thúc năm 2022, FPT ghi nhận doanh thu thuần 44.010 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.662 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,4% và 20,9% so với năm 2021.
Nhịp sống thị trường