Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam: Chiến lược và nền tảng đúng đắn sẽ định hướng doanh nghiệp vượt qua thử thách
Dù đối mặt với nhiều thách thức, HSBC Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, ghi nhận kết quả ấn tượng trong năm 2023 nhờ chiến lược đúng đắn và sức mạnh đội ngũ con người. Với tầm nhìn rộng mở, HSBC sẽ tiếp tục là cầu nối, hỗ trợ Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển doanh nghiệp trong tương lai.
Năm 2023 đi qua với nhiều thách thức cho cả nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu nhưng Việt Nam vẫn đang vững vàng tiến về phía trước. Trong "khó" có "khôn", khó khăn lại là thời điểm để xây dựng và củng cố nền tảng, chiến lược để có thể nắm bắt thời cơ mà Việt Nam luôn đem lại cho những đối tác và nhà đầu tư kiên định. Nhân dịp chào đón một năm 2024 với nhiều hy vọng và cơ hội hơn, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện đầu năm cùng ông Tim Evans – Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, một trong các ngân hàng có những hoạt động ấn tượng trong năm vừa qua.
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, báo cáo tài chính giữa kỳ năm 2023 cho thấy một gam màu tươi sáng trong kết quả hoạt động của HSBC. Ông đánh giá thế nào về hoạt động kinh doanh của HSBC năm vừa qua?
Lợi nhuận trước thuế của HSBC Việt Nam nửa đầu năm 2023 đạt mức 3,3 nghìn tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả kinh doanh cả năm 2023 của chúng tôi sẽ được công bố vào tháng 3/2024 nên hiện tại tôi chưa thể nói gì thêm. Song kết quả nửa đầu năm cũng đủ khiến tôi vô cùng tự hào về đội ngũ của mình. Một điều cần lưu ý là chúng tôi có chiến lược tốt và đúng định hướng, tuy nhiên, chỉ bản thân chiến lược thôi chưa đủ, bạn cần một đội ngũ có thể triển khai được chiến lược đó. Đó mới chính là điều tạo nên sự khác biệt.
Tôi may mắn có một đội ngũ như thế. Họ không chỉ có thể triển khai chiến lược, mà còn có thể thực hiện điều đó trong bối cảnh thị trường phức tạp và biến đổi nhanh chóng và thường phải đối diện với những thách thức. Điều này một lần nữa khẳng định rằng với người Việt Nam, không gì là không thể.
Không cần phải nhắc lại những thách thức mà tất cả chúng ta phải đối mặt trong năm 2023, bất ổn địa chính trị, lạm phát, lãi suất cao, chính sách diều hâu của Fed, thương mại toàn cầu suy giảm,… Với Việt Nam, một quốc gia dựa vào xuất khẩu, tình trạng suy yếu tại những thị trường xuất khẩu chính của chúng ta ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế. Tình trạng thiếu đơn hàng tác động đến việc làm và thu nhập hộ gia đình. Sau hoạt động thương mại trì trệ vào đầu năm, tháng 12/2023 đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp Việt Nam chứng kiến tăng trưởng xuất khẩu so với cùng kỳ, nhờ các hoạt động xuất khẩu điện tử và máy móc liên quan. Bước vào năm 2024, xuất khẩu Việt Nam tăng vọt 42% so với cùng kỳ, minh chứng bằng kim ngạch thương mại ổn định. Dẫu vậy, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vẫn cho rằng cần cẩn trọng trong giai đoạn phục hồi thương mại sơ khởi này.
Điều đó có nghĩa là chúng tôi cần đảm bảo rằng hoạt động kinh doanh của mình có thể thích ứng với ngoại cảnh và linh hoạt chiến lược để nắm bắt cơ hội nhưng cũng giảm thiểu rủi ro. Điều này trở nên dễ dàng hơn khi có một đội ngũ làm việc chăm chỉ, tự tin vào bản thân, bền bỉ, tận tâm và kiên trì. Thành tựu của chúng tôi là minh chứng cho những nỗ lực tập thể, sự cam kết không ngừng nghỉ và tinh thần đồng đội tuyệt vời.
Ông đề cập đến một chiến lược tốt mang lại kết quả ấn tượng cho ngân hàng, ông có thể chia sẻ thêm về điều này không?
Chiến lược của HSBC tại Việt Nam được xây dựng phù hợp với 5 yếu tố chính là động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Thứ nhất, FDI là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam: Việt Nam là một câu chuyện FDI thành công, một trong những nước nhận FDI lớn nhất trong ASEAN nhờ các yếu tố cơ bản vững mạnh, chính trị và tiền tệ ổn định,... Với mạng lưới rộng lớn bao phủ hơn 60 thị trường và là một trong những ngân hàng quốc tế hàng đầu thế giới, HSBC có đầy đủ năng lực giúp tạo điều kiện thuận lợi cho dòng đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục sứ mệnh kết nối Việt Nam với thế giới, thu hút đầu tư nước ngoài và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn ra quốc tế.
Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh: cùng với nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp tại đây. Khi ngày càng lớn mạnh hơn, các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn có các sản phẩm ngân hàng phức tạp hơn, và chúng tôi, cùng với đội ngũ ngân hàng đầu tư ở cả Hong Kong và Singapore, có khả năng mang đến những sản phẩm và giải pháp cấu trúc mới nhất cho thị trường. Chúng tôi cũng duy trì chiến lược hỗ trợ nhóm doanh nghiệp tầm trung, những doanh nghiệp này đang nhanh chóng tăng trưởng và sẽ sớm trở thành doanh nghiệp lớn trong tương lai. Với những doanh nghiệp này, hoạt động vay vốn và những sản phẩm ngân hàng giao dịch rất quan trọng đối với sự thành công của chính họ, từ đó giúp phát triển kinh tế Việt Nam.
Thứ ba, tầng lớp trung lưu tăng trưởng: tầng lớp trung lưu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh và Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh. Khi người dân giàu có hơn, nhu cầu tài chính của họ sẽ ngày càng lớn hơn và phức tạp hơn. HSBC sẽ tiếp tục phục vụ thị trường đang phát triển này thông qua hoạt động quản lý tài sản và tài chính cá nhân của chúng tôi. Với các sản phẩm đa dạng, chúng tôi đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong suốt cuộc đời, từ tiết kiệm, sở hữu nhà, tận hưởng cuộc sống đến quản lý tài sản và đầu tư.
Thứ tư, nâng cấp từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi: HSBC đang hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam và các cơ quan chính phủ khác trong hành trình đưa Việt Nam từ Thị trường cận biên lên Thị trường mới nổi. Xếp hạng mới này sẽ mang lại dòng đầu tư và lợi ích lớn cho đất nước và cho thị trường.
Thứ năm, hướng đến cân bằng phát thải: Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ tại COP26 là hướng đến cân bằng phát thải vào năm 2050. Tham vọng này sẽ đòi hỏi đầu tư đáng kể và sự hợp tác giữa khu vực công và tư. Với tư cách là ngân hàng quốc tế hàng đầu có lịch sử thành lập hơn 150 năm tại Việt Nam, chúng tôi có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được tham vọng này.
Chiến lược của HSBC tập trung nhiều vào doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn và tầm trung trong nước. Liệu rằng hợp tác với doanh nghiệp luôn là mối quan hệ dựa trên lợi nhuận?
Với HSBC, hoạt động ngân hàng là mối quan hệ lâu dài. Trong hơn 150 năm, HSBC đã đồng hành cùng các nền kinh tế và quốc gia trên thế giới vượt qua mọi thăng trầm. Mục đích của chúng tôi – Mở ra một thế giới tràn đầy cơ hội – chính là lý do chúng tôi tồn tại. Chúng tôi ở đây để sử dụng chuyên môn, năng lực, mạng lưới của mình để mở ra những cơ hội mới cho khách hàng. Chúng tôi gắn kết mọi người lại với nhau, mang đến những ý tưởng và nguồn lực nhằm nuôi dưỡng sự phát triển và tăng trưởng, giúp tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn – cho khách hàng, người dân, nhà đầu tư, cộng đồng của chúng tôi và hành tinh mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ.
Khách hàng của chúng tôi có thể là những người đến gửi tiết kiệm và nhà đầu tư cá nhân hoặc là các công ty, chính phủ và các tổ chức quốc tế lớn trên thế giới. Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều người trong số họ trở nên giàu có, mở rộng kinh doanh và cuối cùng là đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Đồng hành cùng với họ là HSBC, chúng tôi phát triển cùng với khách hàng của mình. Đây chính là phần thưởng của chúng tôi.
Ví dụ, HSBC đã đồng hành cùng Thiên Long – một doanh nghiệp trong nước nổi tiếng về văn phòng phẩm, là một phần tuổi thơ của bao người Việt Nam – trong suốt 20 năm và đã hỗ trợ họ trong hành trình số hóa gần đây. Hoặc, Phong Phú Quốc Tế (Tập đoàn PPJ Group) đã đi cùng chúng tôi trong 16 năm, từ lúc công ty có doanh thu 156 tỷ đồng lên đến 10.000 tỷ đồng hàng năm như hiện nay.
Vậy như ông nói, chiến lược đúng đắn là chìa khóa thành công?
Chiến lược đúng đắn là một yếu tố quan trọng, nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Trong 30 năm làm việc trong ngành ngân hàng và với HSBC, tôi nhận ra thành công của một ngân hàng là sự tổng hòa nhiều yếu tố: chiến lược phù hợp, văn hóa phù hợp và đặc biệt là con người phù hợp.
Với một ngân hàng như HSBC, có một văn hóa quản trị rủi ro phù hợp là rất quan trọng. Văn hóa quản trị rủi ro vững chắc rất quan trọng trong việc giúp đội ngũ nhân viên ngân hàng phát hiện những bất ổn, đưa ra những quyết định sáng suốt và thành công trong môi trường kinh doanh và kinh tế phức tạp ngày nay.
Tại HSBC Việt Nam, chúng tôi luôn yêu cầu nhau cùng xây dựng một môi trường nơi mọi thành viên đều được khuyến khích để báo cáo những rủi ro tiềm tàng, thông qua đó chúng tôi có thể hạn chế rủi ro một cách hiệu quả trước khi chúng leo thang thành khủng hoảng. Xây dựng văn hóa này giúp chúng tôi bảo vệ được danh tiếng, ổn định tài chính và phát triển bền vững lâu dài.
Văn hóa quản trị rủi ro không chỉ dừng lại ở các chính sách và quy trình quản lý rủi ro. Văn hóa này phải thâm nhập vào mọi khía cạnh hoạt động kinh doanh và giúp đưa ra những hướng dẫn để có thể chấp nhận rủi ro một cách có trách nhiệm. Chỉ khi tất cả chúng ta cùng xây đắp một nền văn hóa quản trị rủi ro hiệu quả thì mới có thể thúc đẩy việc quản lý rủi ro tích cực, hành vi đạo đức, tuân thủ các quy định và khả năng hoạt động bền bỉ, đảm bảo rằng chúng ta xây dựng được nền tảng bền vững cho thành công lâu dài của mình.
Yếu tố thứ ba dẫn đến thành công của chúng tôi chính là con người. Ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu suy yếu đáng kể, khối lượng thương mại giảm và niềm tin của người tiêu dùng giảm sút, HSBC Việt Nam vẫn cho thấy sự cống hiến, tính chuyên nghiệp và sự bền bỉ cao, thể hiện thông qua kết quả hoạt động của chúng tôi cho đến nay. Tôi rất may mắn khi được làm việc trong một môi trường hỗ trợ và nuôi dưỡng con người, và hợp tác với một đội ngũ có sự đoàn kết, văn hóa, tinh thần sẵn sàng đương đầu mà ai cũng mong được làm việc cùng.
Về khía cạnh con người, đâu là điều quan trọng nhất trong việc xây dựng tài sản con người tại HSBC?
Đây là năm thứ 3 chúng tôi đạt được danh hiệu "Nơi làm việc lý tưởng" do tổ chức Great Place to Work® trao tặng. Điều tôi thích ở giải thưởng này là kết quả do chính các nhân viên của chúng tôi bình chọn. Điều đó cũng được xem như ngân hàng được đánh giá thông qua lăng kính của các nhân viên của mình.
Yếu tố giữ chân nhân viên với một tổ chức không chỉ là tiền lương mà còn là môi trường lành mạnh và văn hóa doanh nghiệp đề cao những điều đúng đắn. Và trong thế giới đang phát triển nhanh chóng này, chúng ta phải đón nhận những xu hướng mới, văn hóa mới, thế hệ mới cùng với những gì họ nghĩ và coi trọng. Tại HSBC, nguyên tắc đơn giản là xây dựng một môi trường nơi nhân viên có thể phát huy hết khả năng của mình.
Đầu tiên là sự đa dạng và hòa nhập. Mỗi tổ chức là một nơi tập hợp đa dạng những người có cách nhìn thế giới khác nhau. Tại HSBC Việt Nam, nhân viên của chúng tôi đến từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những ý tưởng và quan điểm khác nhau giúp chúng tôi đổi mới, quản lý rủi ro và phát triển doanh nghiệp một cách bền vững. Đó là lý do tại sao ban lãnh đạo cam kết nỗ lực tạo ra một môi trường làm việc mà mọi người đều cảm thấy được trân trọng.
Môi trường làm việc là yếu tố hàng đầu tạo động lực và giữ chân nhân viên ở lại làm việc với công ty, đồng thời đây cũng là khía cạnh mà hầu hết nhân viên (60,2%) mong muốn thấy sự thay đổi, cải thiện trong năm 2023. Chúng tôi lắng nghe nguyện vọng của nhân viên và nhận ra rằng trong thế giới hậu Covid, mô hình kết hợp giữa làm việc từ xa và làm việc tại văn phòng đã trở thành một chuẩn mực mới đối với họ. Đáng chú ý là hầu hết GenZ (69,8%) cũng ủng hộ mô hình này. Nó cho phép họ có nhiều lựa chọn hơn về cách thức, thời gian và địa điểm làm việc, giúp họ cân bằng tốt nhất giữa công việc và cuộc sống. Trong năm 2023, 65% nhân viên HSBC Việt Nam làm việc theo mô hình kết hợp này, tăng từ tỷ lệ 59% của năm 2022, phản ánh nhu cầu làm việc linh hoạt ngày càng tăng.
Một yếu tố khác mà tôi muốn nhấn mạnh là cơ hội phát triển và nghề nghiệp, dù điều này có vẻ không mới. Theo nghiên cứu của LinkedIn, cơ hội học hỏi, phát triển kỹ năng mới và phát triển nghề nghiệp là một trong năm yếu tố hàng đầu mà nhân sự cân nhắc khi theo đuổi công việc mới. Bên cạnh đó, thăng tiến là một trong bốn lý do hàng đầu mà nhân viên cân nhắc khi thay đổi công việc. Để tạo điều kiện học tập và phát triển hiệu quả, ngoài các khóa học, cần có các giải pháp khác như học từ công việc hàng ngày, huấn luyện (coaching) đến cố vấn (mentoring),... Tại HSBC, nhân viên của chúng tôi có quyền truy cập vào nhiều nền tảng giúp họ nâng cao kỹ năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm các nội dung liên quan đến biến đổi kinh tế và xã hội, như ESG và các kỹ năng bền vững hoặc kỹ năng tương lai để chuẩn bị cho các công việc của tương lai. Được trang bị những kỹ năng như vậy, nhân viên có thể phát triển và sẵn sàng cho các cơ hội nghề nghiệp trong tương lai, không chỉ thăng tiến trong công việc hiện tại mà còn trong các lĩnh vực mới.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024?
Sau năm 2023 đầy thử thách, HSBC tin rằng triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ tươi sáng hơn. Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay sẽ là 6%, và có thể tạo đà để trong tương lai gần, Việt Nam sẽ quay trở lại mức tăng trưởng trước Covid nhờ động lực phục hồi mạnh mẽ.
Đặc biệt, về FDI, tôi tin rằng Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực. Việt Nam sở hữu một số hiệp định thương mại tự do với các khối thương mại khác nhau như CPTPP, RCEP…, giúp Việt Nam trở thành một lựa chọn quan trọng trong chính sách Trung Quốc+1. Bên cạnh đó là làn sóng mới của các gã khổng lồ công nghệ đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ, điều sẽ thu hút sự chú ý và khuyến khích nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hơn. Với các yếu tố cơ bản vững chắc như lực lượng lao động trẻ và năng động, chính trị ổn định, vị trí địa lý chiến lược, chính phủ ủng hộ tăng trưởng, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư trong những năm tới.
Vậy còn HSBC Việt Nam thì sao?
Chúng tôi đang có một chiến lược đúng đắn, một thương hiệu mạnh, một đội ngũ tuyệt vời và chúng tôi có văn hóa doanh nghiệp tích cực khuyến khích nhân viên của mình nêu ý kiến, hợp tác, phấn đấu để ngày mai tốt hơn hôm nay.
Nền kinh tế thế giới sẽ luôn có những thăng trầm và đội ngũ có thể đi lên trong những hoàn cảnh này phải là những người thích nghi nhanh nhất. Chúng tôi tin rằng năm 2024 sẽ là một năm tốt đẹp hơn, áp lực lạm phát trên thế giới sẽ giảm bớt, thương mại sẽ dần phục hồi và du lịch sẽ là động lực chính cho nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh mà mình có lợi thế cạnh tranh, phục vụ khách hàng và truyền cảm hứng cho nhân viên của mình.
Xin cảm ơn ông về buổi trao đổi và chúc HSBC gặt hái thêm nhiều thành công trong năm 2024!
Nhịp sống thị trường