Tổng giám đốc Sabeco: 'Đề xuất tăng thuế liên tục lên đến 90% - 100% vào năm 2030 thực sự là cú sốc'
Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia liên tục trong những năm tiếp theo và dự kiến lên đến 90% - 100% vào năm 2030 khiến các doanh nghiệp ngành Đồ uống lo lắng về tốc độ phục hồi, ảnh hưởng an sinh xã hội và các ngành nghề liên quan, TGĐ Sabeco cho biết.
- 26-07-2024Những nguyên nhân giúp Sabeco lãi hơn 1.200 tỷ trong quý 2/2024, cao nhất 7 quý
- 25-07-2024Trong khi HVN, VGI, GVR, VEA đã giảm hàng chục phần trăm từ đỉnh, cổ phiếu Becamex IDC 'lầm lũi' tăng 37% sau 3 tháng, vốn hóa vượt Sabeco, Petrolimex...
- 19-07-2024Tập đoàn Thái Lan đang sở hữu Sabeco muốn cầm về 20% cổ phần Vinamilk trong thương vụ trị giá 1,6 tỷ USD
Ngày 8/8, trong buổi hội thảo "Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống", các Bộ, Ngành, các chuyên gia kinh tế, y tế, luật pháp, xã hội và các doanh nghiệp bia, rượu, nước giải khát đã cùng góp ý kiến về dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Dự thảo đề xuất điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình tăng liên tục hàng năm đến năm 2030 đối với mặt hàng rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Ban soạn thảo đề xuất 2 phương án tăng thuế suất TTĐB với mặt hàng rượu, bia.
Phương án 1: năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 5% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 10% so với năm 2025.
Phương án 2: năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 15% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 20% so với năm 2025.
Trong vòng 4 năm tới, trong cả hai phương án nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất tăng 5%/năm liên tiếp khiến giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước.
Đến năm 2030, thuế suất TTĐB với bia và rượu trên 20 độ tăng lên mức 90-100% (cao hơn hiện hành 25-35%) rượu dưới 20 độ lên mức 60 -70% (cao hơn hiện hành (25-35%).
Liên quan đến các đề xuất này, ông Nguyễn Hoàng Giang - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại SABECO cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế rất nhanh và trong thời gian ngắn khiến SABECO nói riêng và các doanh nghiệp trong ngành đồ uống nói chung rất lo lắng.
Sau COVID-19 với nhiều khó khăn, DN lại đối mặt với biến động của kinh tế thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sức mua suy giảm mạnh. Thêm vào đó, việc kiểm tra gắt gao nồng độ cồn thực hiện Nghị định 100 khiến tiêu dùng giảm mạnh, thậm chí thay đổi thói quen của người Việt về sử dụng đồ uống có cồn.
"Do đó, việc đề xuất tăng thuế liên tục trong những năm tiếp theo đến năm 2030 với mức thuế lên đến 90% -100% thực sự là cú sốc. DN không nhìn thấy triển vọng phục hồi sáng sủa trong những năm tới.
Việc tăng thuế khiến DN, đặc biệt là các DN nhỏ, có thể phải đóng cửa, gây tổn thất lớn đến việc làm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội", ông Giang nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng với tỷ lệ tăng quá cao và tiến độ tăng thuế liên tục hàng năm trong các phương án do Bộ Tài chính đề xuất hiện nay sẽ dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng nặng nề, hậu quả là Chính phủ sẽ thất thu thuế.
Do đó cần xem xét cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, đại diện Heineken, bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại cấp cao của công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken cho biết:
"Về mặt tổng thể, để đạt được mục tiêu về thuế, bảo vệ sức khoẻ người dùng và ổn định phát triển kinh tế, thì chúng tôi thấy rằng Việt Nam cần một bộ giải pháp tổng thể.
Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng các sản phẩm có cồn thông qua các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng thuế TTĐB với các sản phẩm có cồn phải theo một lộ trình và mức tăng vừa phải, giãn giảm để các doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng cao đặc biệt là chi phí logistics do các mâu thuẫn địa chính trị trên toàn cầu.
Việc thay đổi hành vi phải đúng hướng, dần dần, chứ không phải chuyển đổi sang tiêu thụ các sản phẩm không có nguồn gốc..."
Đại diện Heineken cho biết thêm, năm 2023, công ty này tạo ra 3.355 việc làm trực tiếp và hơn 172.000 việc làm gián tiếp trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Cứ 1 công việc trực tiếp tại Heineken thì tạo ra 51 công việc trong chuỗi cung ứng phụ trợ.
Năm 2023, Heineken Việt Nam đã đóng góp 0,5% vào GDP quốc gia và 2,1% vào tổng số thuế toàn quốc, tương đương 33 nghìn tỷ đồng tiền thuế trong toàn chuỗi giá trị. Riêng trong năm 2023, hoạt động kinh doanh sụt giảm 26% sản lượng, dẫn đến phần giá trị gia tăng đóng góp của Heineken trong toàn bộ chuỗi giá trị đã giảm 28% và số thuế đóng góp vào ngân sách nhà nước sụt giảm 37%.
Đời Sống Pháp Luật