MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng giám đốc Saigon Co.op: "Không ai muốn liên kết với ai nếu như họ không tối đa hoá được lợi ích"

Hạn chế về năng lực, tài chính, kinh nghiệm quản lý, nhà bán lẻ Việt đang trong một cuộc chiến không cân sức mà để hoá giải nó là cả một câu chuyện dài.

Trong buổi hội thảo “Nâng cao sức cạnh tranh thị trường bán lẻ Việt Nam” diễn ra sáng nay, các chuyên gia đã chỉ ra tiềm năng của thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam là rất lớn. Theo dự báo, đến năm 2020, thị phần này sẽ tăng lên đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, với xu hướng mở cửa tất yếu, sự tham gia của khối ngoại trong kênh bán lẻ này, các nhà bán lẻ Việt Nam đã và đang rơi vào một cuộc đối đầu được nhận định là không cân sức.

Trên thị trường chỉ còn lại một số ít nhà bán lẻ Việt có quy mô lớn như Coopmart, Vingroup..; còn lại, đa số các thương hiệu nội hoặc bán bớt cổ phần, hoặc hợp tác kinh doanh, hay co mình lại.

Các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp ngoại ngoài việc có kinh nghiệm, thương hiệu thì tài chính cũng là một điểm rất mạnh của họ. Họ có thể chịu lỗ vài năm để tiếp tục đầu tư, trong khi đó, doanh nghiệp Việt với số vốn ít, không thể đọ được sức bền.

Khi nói về cuộc cạnh tranh này, ông Nguyễn Thành Nhân, TGĐ Saigon Co.op cho biết, mặc dù áp lực là vậy, nhưng đấy cũng là động lực để doanh nghiệp Việt có thể nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy không mạnh về tài chính, kinh nghiệm, doanh nghiệp Việt lại có lợi thế là am hiểu thị trường trong nước hơn bất cứ nhà phân phối ngoại nào “Người Việt hiểu người Việt” – ông nhấn mạnh.

Dù nói thế, mối lo ngại về vấn đề năng lực tài chính, nhân sự vẫn được các chuyên gia trăn trở trong suốt buổi hội thảo. Bài toán liên kết lại một lần nữa được đặt ra. Bởi chỉ liên kết lại với nhau thì doanh nghiệp Việt mới tạo thành khối sức mạnh để có thể đối trọng với doanh nghiệp ngoại.

Tuy nhiên, tính liên kết của người Việt trong kinh doanh xưa nay được nhắc đến là yếu, không bền vững và dễ bị phá vỡ, đây là vấn đề vẫn khó lòng khắc phục. “Mạnh ai người đó thu mua hàng hóa để tổ chức bán ra, sự phối hợp điều chỉnh hỗ trợ trong khâu thu mua và khâu bán hàng của các doanh nghiệp nội chưa rõ nét” – ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị TP Hà Nội nhận xét trong một buổi hội thảo trước đó. Do đó, khối nội không có cách nào tạo được sức mạnh tổng hợp.

Đấy là một trong những nguyên nhân khiến cho Liên doanh VDA (giữa 4 nhà phân phối bán lẻ lớn nhất Việt Nam gồm Hapro, Satra, Phú Thái và Saigon Co.op) vốn được kỳ vọng sẽ tạo sức bật lớn trong lĩnh vực phân phối bán lẻ đã không thành công như mong đợi.

Hay như một ví dụ điển hình khác ngay tại Hà Nội, trên một tuyến đường Thái Thịnh, chưa đầy 1km đã có tới 3 siêu thị hoạt động khiến siêu thị Hapro phải đóng cửa, ngừng hoạt động, gây nên sự bức xúc giữa các nhà phân phối nội với nhau.

Liên kết là biện pháp tối ưu, tận dụng tối đa lợi thế của các bên, từ đó tạo điểm chung, nhân lên sức mạnh, để có thể hỗ trợ, hợp lực với nhau. Tuy nhiên, phải có chiến lược và phải đạt được hiệu quả cho sự liên kết đó, cho dù là liên kết dọc hay liên kết ngang.

Về vấn đề này, ông Nhân đưa ra 3 lưu ý. Thứ nhất, phải có chất keo để gắn bó các nhà kinh doanh lại với nhau, ở đây là lợi ích và hiệu quả. Không ai muốn liên kết với ai nếu như họ không tối đa hoá được lợi ích, ông nhấn mạnh.

Thứ hai, là phải có người “mai mối”, tức là vai trò của hiệp hội – sẽ là bên trung gian, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối với nhau. Cuối cùng là chính sách tạo điều kiện của Nhà nước.

Lợi ích hài hoà giữa các bên là tiêu chí hàng đầu trong việc liên kết. “Ai cũng muốn liên kết, nhưng không có hiệu quả, không có lợi cho cả hai bên, thì ai làm?”, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam nói khi nhắc lại câu chuyện đổ lỗi tại nhà bán lẻ mà hàng Việt không có chỗ đứng.

Bà Loan cho biết, hàng hoá không đáp ứng được chất lượng, tiêu chuẩn đề ra cũng như cung ứng nhưng cứ đòi hỏi vào siêu thị, đây là điều không thể được. Do đó, các nhà cung ứng sản phẩm cũng nên xem lại, không thể quy kết, trách móc nhau như cách làm hiện nay.

Ngoài ra, về phía Bộ Công thương, ông Võ Văn Quyền Vụ trưởng Vụ Công thương cho biết, Bộ đang tiến hành nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nhưng ngược lại, doanh nghiệp cũng phải tự chủ động, nhận thức và nỗ lực trong cuộc chiến của mình.

Đình Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên