MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng Giám đốc SHS: Nếu nhắm mắt đầu tư thì vẫn có thể thành công, nhưng không biết mình sẽ đi về đâu

Tổng Giám đốc SHS: Nếu nhắm mắt đầu tư thì vẫn có thể thành công, nhưng không biết mình sẽ đi về đâu

Theo ông Tiến, chứng khoán có rất nhiều yếu tố tạo sức hấp dẫn, không ai đoán được hết giá trị của doanh nghiệp, của cổ phiếu đấy là sự thật. Một doanh nghiệp, cổ phiếu phụ thuộc vào ông chủ doanh nghiệp, rất quan trọng.

Thị trường chứng khoán (TTCK) những phiên gần đây ghi nhận thanh khoản tăng kỷ lục, thậm chí cơn say của nhà đầu tư được ví như không cần biết tên công ty, chỉ cần biết ba chữ cái… Nhận định về vấn đề này, tại Toạ đàm "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp, kênh đầu tư sinh lời và tích sản" do Báo Đầu tư phối hợp với UBCKNN tổ chức ngày 18/11, ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc SHS cho biết dù có cảm giác men say, có cảm giác dao động, nhưng làm gì cũng phải có kiến thức. Nhà đầu tư theo đó nên hiểu nền tảng doanh nghiệp có thể cộng trừ 3% với thị trường để có sự tính toán trong đầu tư.

Chứng khoán có rất nhiều yếu tố tạo sức hấp dẫn

Theo ông Tiến, chứng khoán có rất nhiều yếu tố tạo sức hấp dẫn, không ai đoán được hết giá trị của doanh nghiệp, của cổ phiếu đấy là sự thật. Một doanh nghiệp, cổ phiếu phụ thuộc vào ông chủ doanh nghiệp, rất quan trọng. Thứ hai là ngành nghề của họ, thứ ba là cơ hội của thị trường. Từ ba chỉ số đó cộng lại, nhà đầu tư có sự lựa chọn cho mình. Khi đã đầu tư chứng khoán không thể không tìm hiểu thông tin.

"Trên thị trường, tuyệt đối không được bỏ qua uy tín cá nhân lãnh đạo. Nhà đầu tư cần tăng cường kiến thức, nếu nhắm mắt đầu tư thì vẫn có thể thành công, nhưng sẽ không biết mình sẽ đi về đâu. Đầu tư có cái hay ở điểm là trong nguy cơ, khủng hoảng, sẽ tạo ra một nhóm cổ phiếu tốt. Do đó, việc của nhà đầu tư cần sàng lọc để tìm ra", vị này nhấn mạnh.

Do đó, quan điểm đầu tư của SHS và tư vấn cho khách hàng đầu tiên phải có kiến thức. Có như vậy thì mới có thể định giá, có thể cộng hay trừ bao nhiêu phần trăm theo mức độ quan tâm thị trường. "Nếu không có gốc, ta không biết cộng cái gì cả".

Trong một quá trình khủng hoảng sẽ tạo ra được nhóm cổ phiếu tốt

Trong một quá trình khủng hoảng sẽ tạo ra được nhóm cổ phiếu tốt, thời kỳ Covid-19 cũng vậy, nền kinh tế bị ảnh hưởng nhưng không phải tất cả đều xấu, công ty chứng khoán là đối tượng hưởng lợi, không phải do hưởng lợi từ Covid-19 mà các công ty chứng khoán đã khổ ải bao năm rồi đến thời trở về với giá trị thực tiễn của nó. Nhưng trong bất kỳ ngọt ngào nào đều có giá.

Giai đoạn TTCK 2008-2011 có những doanh nghiệp rất tốt nhưng cổ phiếu rơi xuống mệnh giá 10.000 đồng, VCB về 25.000 đồng, rất rẻ. Sau khủng hoảng ấy, đơn vị nào tái cấu trúc đầu tiên sẽ có tăng trưởng đầu tiên, như trong vòng 3 năm REE tăng gấp 3 lần.

Đợt khủng hoảng thứ hai là khi Covid-19 đến vào đầu năm 2020, cổ phiếu SSI về 11.000 - 12.000, HPG về 17.000 đồng… nhắc đến dấu mốc này để thấy những doanh nghiệp lớn có sự chống chọi rất quan trọng. Khủng hoảng tạo ra những cơ hội vô cùng lớn. Đây cũng là cơ hội định giá cổ phiếu, quay lại trạng thái bình thường.

Nói về diễn biến TTCK 2 năm qua, ông Tiến đánh giá là tốt, nhưng để nói sâu hơn, TTCK Việt Nam theo đại diện SHS đang phát triển sang một giai đoạn mới, thời kỳ mới, bền vững và phù hợp với sự phát triển của kinh tế.

"Rõ ràng, phát triển TTCK Việt Nam trong 2 năm qua dù đại dịch thì đều có những chỉ số lạc quan, về quy mô TTCK nay đã 133% GDP, quy mô giao dịch thị trường từ mười mấy ngàn tỷ/phiên năm 2020, nay 20.000 - 30.000 tỷ đồng/phiên. Nhà đầu tư tham gia trước chỉ lèo tèo 1 triệu nay 3,5 triệu tài khoản và sẽ cao hơn nữa.

Đó là tín hiệu từ TTCK. Còn chúng tôi, nhìn thấy rằng, phát triển TTCK nhờ hội tụ nhiều yếu tố, trước tiên là sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCK Nhà nước có kiên định về phát triển thị trường, không phải vì câu chuyện thị trường phát triển nhanh tăng nóng mà bỏ qua quản lý, giám sát, mà tạo ra TTCK minh bạch, hàng hoá chất lượng, quá trình thúc đẩy hàng hoá trên thị trường cũng được thực hiện hiện quyết liệt", ông nói.

Nhờ vậy, TTCK Việt Nam 2 năm qua là điểm nhấn, TTCK sẽ phải như vậy và rõ ràng, với sự phát triển phù hợp với xu hướng chung. Nếu TTCK phát triển kém, quá thấp so với GDP sẽ cho thấy còn tồn tại nhiều vấn đề. TTCK có lúc chỉ 24% GDP, rất nhỏ, nay hơn 100%, còn phát triển tốt nữa phải 200% GDP. Khi thị trường phát triển đạt về chất và lượng nhất định thì sẽ phát triển bền vững.

Tri Túc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên