MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng giám đốc TVSI: "Người không có chí hướng như thuyền không lái, như ngựa không cương, một đội ngũ không có đạo đức thì không thể phát triển bền vững"

Nhiều năm qua, có một số CTCK đứng trong Top 5, Top 10 đã biến mất vì nhiều nguyên nhân nhưng một trong số đó là phải trả giá cho sự tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro khi quá dựa vào cho vay đòn bẩy khi thị trường không thuận lợi.

Ông Nguyễn Tiến Thành - Tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI) đã có những chia sẻ cởi mở ngày đầu xuân.

Top 5, top 10 thị phần môi giới của các công ty chứng khoán nhiều năm qua vẫn quanh quẩn những cái tên cũ. Các công ty chứng khoán ngoài top dường như không thể bứt phá trong cuộc cạnh tranh thị phần. Ông nhận xét gì về điều này?

Nhận định trên có phần đúng nhưng không hoàn toàn. Nhiều năm qua, có một số CTCK đứng trong Top 5, Top 10 đã biến mất vì nhiều nguyên nhân nhưng một trong số đó là phải trả giá cho sự tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro khi quá dựa vào cho vay đòn bẩy khi thị trường không thuận lợi.

Kể từ năm 2009 đã từng có 19 công ty lọt vào Top 10 HSX, trong số này chỉ có 6 cái tên có thể duy trì liên tục 4 năm gần đây trong TOP 10, còn lại bị thay đổi liên tục.

Xu hướng "cá lớn đớp cá bé" khi đề cập đến việc cạnh tranh thị phần là có thật nhưng cơ hội theo tôi vẫn luôn mở rộng cho các công ty ngoài top nếu có định hướng tốt, chiến lược sáng tạo và kiên định.

Thống kê của chúng tôi cho thấy mức độ tập trung thị phần vào các công ty Chứng khoán lớn ngày càng cao. Nếu như năm 2009 chỉ cần 2,59% thị phần là có thể lọp Top 10 thì hiện tại đã là 3,2%, thị phần dẫn đầu HSX tăng từ 9,13% năm 2009 đã tăng lên đến 16,3% năm 2017.

Công ty chứng khoán cũng là một thực thể kinh doanh, như vậy việc bảo vệ Nhà đầu tư, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, chất lượng tài sản, trách nhiệm với CBNV, quyền lợi cho cổ đông là những yếu tố cốt lõi. Tôi cho rằng thị phần là điểm cạnh tranh mạnh nhưng với thị trường hơn 80% giao dịch đến từ NĐT cá nhân thì ở bất kỳ thời điểm nào của thị trường cũng đều tiềm ẩn rủi ro nếu nóng vội.

Theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến sự phân hóa mạnh giữa các công ty chứng khoán là gì?

Tiềm lực tài chính, đội ngũ, công nghệ và quản trị doanh nghiệp.

Với các tổ chức tài chính trung gian như công ty chứng khoán, tiềm lực tài chính là yếu tố cốt lõi để xây dựng đa dạng sản phẩm cho khách hàng, đầu tư cho công nghệ và phát triển đội ngũ. Tiềm lực tài chính cho phép các công ty triển khai các sản phẩm mới như Phái sinh, chứng quyền đồng thời đáp ứng nhu cầu vay margin ngày càng cao trên thị trường. Thống kê của chúng tôi cho thấy kể từ năm 2014 tới nay tốc độ tăng trưởng Margin của Top 10 là 39%/năm (từ 9.700 tỷ lên 26.100 tỷ), đặc biệt năm 2017 nhu cầu tăng tới 58% so với năm 2016.

Như vậy, với chiến lược quản trị doanh nghiệp đúng hướng thì các nguồn lực trên sẽ phát huy mạnh mẽ xung lực của mình tạo ra sự khác biệt lớn giữa các công ty chứng khoán.

Làm thế nào để các công ty chứng khoán cỡ nhỏ và vừa có thể bứt phá lên?

Thị trường chứng khoán, tài sản tài chính sẽ ngày càng phát triển theo đà tiến lên của nền kinh tế đất nước, vì vậy dư địa của thị trường là rất lớn. Mỗi công ty đều có những sở trường, sở đoản của vì vậy chọn cho mình một chiến lược riêng, phù hợp để phát huy thế mạnh của mình và kiên trì thực hiện chắc chắn sẽ thành công.

Một số CTCK như TechcomSc đã chọn con đường riêng để phát triển và rất thành công. Tại sao Tân Việt không chọn một mảng thị trường riêng mà vẫn đi theo con đường như các CTCK khác?

TVSI hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu, tiềm lực và vị thế của mình. TechcomSc phát triển theo định hướng và thế mạnh của họ, TVSI muốn bắt chước cũng không được.

Thị trường chứng khoán Việt Nam còn tương đối sơ khai, các sản phẩm trên thị trường có tính đồng nhất cao nhưng không vì thế mà không có sự khác biệt. Chúng tôi cũng đã và đang xây dựng con đường riêng của mình rõ nét hơn nhưng không nằm ngoài xu thế phát triển của TTCK.

Hy vọng đến 2020, nếu có cuộc trao đổi như này, có thể bạn sẽ đặt câu hỏi ngược lại.

Ông có thể chia sẻ chiến lược của công ty trong năm tới?

Năm 2018, về chiến lược TVSI tiếp tục kiên định trong việc phát triển đội ngũ – con người, nâng cao năng lực tài chính, đa dạng hóa các sản phẩm, công cụ dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến và tư duy quản trị khoa học. Tư duy quản trị khoa học được hỗ trợ bởi công nghệ giúp chúng tôi nâng cao chất lượng dịch vụ, minh bạch hóa các hoạt động.

Cụ thể, TVSI tiếp tục tuyển dụng đội ngũ nhân sự cho nhiều mảng công việc và thực hiện kế hoạch tăng Vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng vào quý 2 năm nay, lựa chọn thời điểm thích hợp niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán.

Chúng tôi cũng sẽ ứng dụng hệ thống quản trị khách hàng (CRM) thông minh mà TVSI dày công xây dựng sẽ mang lại những lợi ích vượt trội cho Khách hàng tại Tân Việt.

Tân Việt có "vũ khí" gì để thực hiện chiến lược đó?

Đội ngũ.

Học giả Trung hoa Vương Dương Minh có câu nói: "Người không có chí hướng như thuyền không lái, như ngựa không cương". Một đội ngũ không có đạo đức thì không thể phát triển bền vững. Đội ngũ không có kỷ luật chỉ là những cá nhân đơn lẻ bên nhau không có sức mạnh tập thể. Đội tuyển U23 Việt Nam vừa qua là ví dụ điển hình và rõ nét. TVSI có định hướng rõ ràng cho việc xây dựng đội ngũ bằng Văn hóa doanh nghiệp đặc trưng của mình.

Theo ông, chính sách về margin có phải là công cụ mạnh nhất để các CTCK cạnh tranh với nhau trong việc thu hút khách hàng?

Trong giai đoạn hiện nay, phải thừa nhận chính sách Margin là một công cụ cạnh tranh mạnh. Margin tại TVSI được các NĐT đánh giá rất cao vì tính linh hoạt của các gói dịch vụ phù hợp với nhiều khẩu vị của NĐT từ đầu tư cơ bản, tăng trưởng đến giao dịch cường độ cao.

Còn với chúng tôi, công cụ cạnh tranh mạnh nhất chính là Đội ngũ tinh nhuệ.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên