Tổng lợi nhuận ngành chứng khoán hồi phục quý thứ 2 liên tiếp, cao gấp 3,5 lần so với giai đoạn cuối năm 2022
Sau khoảng thời gian trượt dài cùng thị trường, lợi nhuận của hầu hết các CTCK đã bắt đầu có xu hướng tăng trưởng rõ rệt trở lại từ đầu năm 2023. Hàng chục công ty báo lãi trăm tỷ trong quý vừa qua, nhiều cái tên bùng nổ với tốc độ tăng trưởng bằng lần, thậm chí bằng chục lần.
Thị trường chứng khoán đã hồi phục khá mạnh trong quý 2 năm nay cùng thanh khoản được cải thiện. Điều này đã giúp các công ty chứng khoán tiếp tục có một quý kinh doanh tăng trưởng tích cực.
Theo thống kê, tổng lợi nhuận trước thuế các công ty chứng khoán ước đạt gần 6.000 tỷ đồng trong quý 2/2023, tăng 64% so với quý liền trước và gấp khoảng 3,5 lần số lãi thấp kỷ lục của quý 4/2022. Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp lợi nhuận của các CTCK tăng trưởng so với quý liền trước.
Sau khoảng thời gian trượt dài cùng thị trường suốt giai đoạn cuối năm 2021 kéo dài sang tới cả năm 2022, lợi nhuận của hầu hết các CTCK đã bắt đầu có xu hướng tăng trưởng rõ rệt trở lại từ đầu năm nay khi thị trường ở giai đoạn hồi phục. Hàng chục công ty báo lãi trăm tỷ trong quý vừa qua, nhiều cái tên bùng nổ với tốc độ tăng trưởng bằng lần, thậm chí bằng chục lần.
Một loạt cái tên “đình đám” như VIX (+905%), SSI (+25%), VPBank Securities (+353%), FPTS (+50%), VCBS (+575%),... đều báo LNTT tăng mạnh. Ngược lại, số ít như VNDirect hay TCBS lại có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên nếu so với 2 quý liền trước đã tăng trưởng đáng kể.
Việc các CTCK báo lãi lớn là điều đã được dự báo từ trước do nhóm ngành này có độ nhạy cảm cao với thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index băng băng tiến lên các mốc mới cộng thêm dòng tiền dồi dào. Sự thăng hoa của thị trường cùng tâm lý tích cực của nhà đầu tư đã giúp cải thiện các mảng hoạt động của nhóm chứng khoán.
Thị trường giao dịch sôi động, nhu cầu vay margin của nhà đầu tư được thúc đẩy từ đó đem lại nguồn thu về lãi cho vay cũng như phí giao dịch tại các công ty chứng khoán. Chưa dừng lại, việc đánh giá lại các tài sản tự doanh, các cổ phiếu thuộc danh mục đầu tư giúp hàng loạt các công ty báo lãi tăng đột biến, chuyển từ lỗ sang lãi lớn. Đây cũng là nguyên nhân chính đưa tổng lợi nhuận toàn ngành bứt phá.
Đằng sau con số lợi nhuận khủng
Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý về độ nhạy cảm cực cao đồng nghĩa trong trường hợp thị trường trầm lắng, điều chỉnh mạnh sẽ khiến hoạt động kinh doanh của nhóm chứng khoán khó tránh khỏi ảnh hưởng. LNTT quý này có đóng góp lớn từ việc đánh giá lại giá trị tài sản, nhưng nghiệp vụ này không đủ nói lên việc các công ty chứng khoán có lợi nhuận thực sự bền vững hay không. Nhiều trường hợp, khoản lãi sẽ chỉ được ghi nhận tại mảng lợi nhuận chưa thực hiện trong cơ cấu lợi nhuận. Một nhịp chỉnh sâu hoàn toàn có thể khiến lợi nhuận trên "bốc hơi", sụt mạnh bởi khoản lỗ do đánh giá lại giá trị danh mục.
Đặc biệt, những mảng kinh doanh cốt lõi của các công ty chứng khoán như môi giới hay cho vay margin chưa hoàn toàn trở lại đúng phong độ trước kia. Dư nợ margin tăng 27.000 tỷ sau quý 2, lên mức 150.000 tỷ đồng, song lãi từ cho vay và phải thu toàn ngành chỉ tăng khoảng 400 tỷ, thấp hơn cả giai đoạn quý 3,4/2022.
Trong khi đó, môi giới ngày càng không đem lại nhiều hiệu quả về mặt lợi nhuận cho nhóm các công ty chứng khoán, biên lãi mảng này liên tục co trong nhiều quý gần đây, thậm chí nhiều công ty chấp nhận hy sinh lỗ mảng môi giới để mở rộng tệp khách hàng nhằm triển khai các hoạt động như cho vay.
Nhịp Sống Thị Trường