MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng 7,47%

Trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ.

Tình hình đầu tư trong nước đạt được những kết quả khả quan, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã bắt đầu ổn định và có hiệu quả hơn.

Đây là những thông tin được nêu ra tại buổi họp về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, thu ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra chiều 20/6.

Tiếp tục tăng trưởng cao

Bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ, các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp đã đạt kết quả đáng kể; lĩnh vực dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và kim ngạch xuất khẩu đều tăng cao hơn cùng kỳ, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của thành phố.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 476.900 tỷ đồng, tăng 7,47% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó dịch vụ tăng 7,7%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,5%, khu vực nông nghiệp tăng 5,6%.

Về cơ cấu ngành trong GRDP, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 53,9%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 29,3%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,6%. Tương tự, sản xuất công nghiệp tăng cao, xuất phát các giải pháp được triển khai hiệu quả, khó khăn về vốn của doanh nghiệp trên địa bàn được giải quyết kịp thời, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tính chung 6 tháng qua, chỉ số phát triển công nghiệp ước tăng 6,9% so với cùng kỳ. Trong đó một số ngành tăng cao như sản xuất đồ uống, sản phẩm từ khoáng phi kim loại, máy móc thiết bị... Riêng bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất-cao su-nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) chủ động mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Dù tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ, nhưng Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, cần phải tìm thêm các giải pháp cụ thể, có hiệu quả hơn nữa để làm sao đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% trong năm nay. Hiện một số ngành, lĩnh vực đang có khá nhiều tiềm năng để phát triển. Do đó, các ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với nhau để đạt mục tiêu đề ra.

Doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình đầu tư trong nước tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt được những kết quả khả quan, số vốn đăng ký thành lập mới tăng hơn 50% so với cùng kỳ, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã bắt đầu ổn định và có hiệu quả hơn.

Theo Sở Kế hoạch-Đầu tư, có 16.322 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 144.586 tỷ đồng (tăng 18,2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 54,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó, có 23.718 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 74.093 tỷ đồng (tăng 31,2%). Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 218.679 tỷ đồng, tăng 45,9% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Bình Minh cho rằng, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tồn tại một số hạn chế; trong đó, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn sử dụng nguồn chuyên gia tư vấn phục vụ nhu cầu đổi mới công nghệ, khảo sát đánh giá trình độ công nghệ của doanh nghiệp.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng cũng như tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức do phần lớn các doanh nghiệp đều tập trung chủ yếu vào các giải pháp như sáp nhập, hợp nhất, chuyển giao doanh nghiệp...

Theo ông Nguyễn Thành Phong, thời gian tới, các sở ngành cần tiếp tục lắng nghe doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển. Muốn vậy, phải có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cụ thể cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Trong đó, trọng tâm là phải rà soát, hoàn thiện, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ…

Về tình trạng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn hạn chế, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Khoa học Công nghệ cần năng động hơn, bám sát cơ sở, nhất là lắng nghe doanh nghiệp để có những đề tài đổi mới công nghệ sản xuất cho phù hợp, tăng năng lực cạnh tranh.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi vốn đầu tư trong nước tăng cao, vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố lại sụt giảm đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm, có 353 dự án được cấp mới, với tổng vốn đầu tư đạt 607,4 triệu USD, so cùng kỳ tăng 43% về số dự án và giảm 23,6% về vốn.

Ngoài ra, có 58 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đầu tư là 172,7 triệu USD, giảm 27,5% về số dự án và giảm 57,6% về vốn điều chỉnh. Tính chung tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 780 triệu USD, giảm 35,1% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, Thành phố đang nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Nguồn nội lực là rất quan trọng, nhưng trong phát triển chung của thành phố đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, cần phải chú trọng thu hút nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố đang bị sụt giảm./.

Theo Vũ Tiến Lực

Vietnam+

Trở lên trên