MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng thống Biden tuyên bố "không bỏ rơi Ukraine", gửi thông điệp trực tiếp tới ông Putin

08-03-2024 - 18:20 PM | Tài chính quốc tế

Đây là cơ hội để ông Biden nêu bật những thành tựu trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, đồng thời cảnh báo về những điều mà ông coi là mối đe dọa đến sự tồn vong của nước Mỹ.

Ngày 7/3 (theo giờ Washington), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đọc Thông điệp Liên bang 2024. Trong đó ông đề cập tới nhiều vấn đề nội bộ của nước Mỹ, cũng như những thách thức mà Mỹ đối mặt ở nước ngoài và thành tựu của chính quyền ông trong nhiệm kỳ.

Bài phát biểu được cập nhật trực tiếp với các điểm đáng chú ý trong bài phát biểu. Mời quý độc giả kéo từ cuối trang để xem nội dung chính của thông điệp theo trật tự tuyến tính.

Tổng thống Biden kết thúc thông điệp liên bang: Vấn đề không nằm ở tuổi tác

Tổng thống Joe Biden dành phần cuối bài phát biểu của mình để giãi bày quan điểm của ông về những giá trị Mỹ mà ông chứng kiến trong suốt cuộc đời.

"Cuộc đời đã dạy cho tôi biết coi trọng tự do và dân chủ. Coi trọng tương lai dựa trên những giá trị cốt lõi đã định hình nước Mỹ. Sự trung thực. Lòng tốt. Phẩm giá. Sự bình đẳng. Để tôn trọng mọi người. Để tạo điều kiện cho mọi người một cơ hội công bằng. Để không cho hận thù một nơi trú ẩn an toàn".

Ông cho rằng, một số người cùng thế hệ với ông nhìn thấy một câu chuyện khác về nước Mỹ: Một nước Mỹ "oán giận, hận thù và trả đũa". Nhưng Biden nói bản thân ông không nhìn nhận như vậy.

"Trong sự nghiệp của mình, tôi lúc bị coi là quá trẻ, lúc lại bị coi là quá già. Nhưng dù trẻ hay già, tôi luôn biết điều gì tồn tại mãi mãi. Đó là Ngôi sao Bắc Đẩu của chúng ta. Đó là quan niệm về nước Mỹ mà tất cả chúng ta được tạo ra bình đẳng và xứng đáng được đối xử bình đẳng suốt cuộc đời".

Ông Biden cho rằng vấn đề của Mỹ không nằm tuổi tác: "Vấn đề mà đất nước chúng ta phải đối mặt không phải là ta đã bao nhiêu tuổi, mà là quan niệm của ta đã cũ kỹ tới mức nào". 

"Hận thù, giận dữ, báo thù, trả thù là những quan điểm xưa cũ nhất. Bạn không thể lãnh đạo nước Mỹ với những tư tưởng cũ kỹ chỉ đưa chúng ta trở lại quá khứ. Để lãnh đạo nước Mỹ, cần có tầm nhìn về tương lai mà nước Mỹ có thể và nên trở thành".

Cuối cùng, ông Biden khẳng định: "Tôi sẽ luôn là tổng thống cho tất cả người dân Mỹ, bởi vì tôi tin tưởng vào nước Mỹ, tôi tin tưởng vào các bạn, nhân dân Mỹ. Các bạn là lý do khiến tôi chưa bao giờ lạc quan hơn về tương lai của chúng ta. Vì vậy, hãy cùng nhau xây dựng tương lai đó. Hãy nhớ chúng ta là ai! Chúng ta là nước Mỹ. Không có gì là nằm ngoài khả năng của chúng ta khi chúng ta cùng nhau hành động".

Tổng thống Biden tuyên bố

Một thành viên Quốc hội Mỹ giơ 4 ngón tay khi ông Biden phát biểu, kêu gọi ông tiếp tục thêm nhiệm kỳ 4 năm. Ảnh: AP

Biden: Mỹ muốn cạnh tranh với Trung Quốc, chứ không muốn xung đột

Đề cập tới quan hệ Mỹ, Trung Quốc, ông Biden nhấn mạnh: "Chúng ta muốn cạnh tranh với Trung Quốc, chứ không muốn xung đột. Và chúng ta đang ở vị trí mạnh mẽ hơn để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh thế kỷ 21 với Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác".

"Trong nhiều năm, tất cả những gì tôi nghe từ bạn bè Đảng Cộng hòa của mình và nhiều người khác là Trung Quốc đang lên và Mỹ đang tụt hậu. Họ đã hiểu nhầm. Mỹ đang trỗi dậy", ông Biden nhận định.

"Chúng ta có nền kinh tế tốt nhất thế giới. Kể từ khi tôi nhậm chức, GDP của chúng ta đã tăng.Và thâm hụt thương mại của chúng ta với Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ".

Chúng ta đang đứng lên chống lại những hành vi kinh tế không công bằng của Trung Quốc. Và đứng lên vì hòa bình và ổn định khắp eo biển Đài Loan". 

"Tôi đã tái khởi động quan hệ đối tác và liên minh của chúng ta ở Thái Bình Dương. Tôi đã đảm bảo rằng những công nghệ tiên tiến nhất của Mỹ không thể được sử dụng trong vũ khí của Trung Quốc".

Tổng thống Biden tuyên bố

Tổng thống Biden cũng nhắc tới ông Trump: "Thành thật mà nói, với tất cả những lời nói mạnh mẽ về Trung Quốc, người tiền nhiệm của tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc đó".

Khủng hoảng Trung Đông: Giải pháp duy nhất thực sự là giải pháp hai nhà nước

Tổng thống Mỹ dành thời lượng phần sau của bài phát biểu cho những thách thức mà nước Mỹ đang phải đối phó ở nước ngoài. Và khu vực đầu tiên ông nhắc tới là Trung Đông. Ông đề cập tới cuộc khủng hoảng bùng phát từ sự kiện tấn công của Hamas hôm 7/10. 

Tổng thống Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực để giải cứu con tin đang bị Hamas bắt giữ.

"Tại đây trong phòng họp tối nay là các gia đình người Mỹ, những người thân yêu của họ vẫn đang bị Hamas giam giữ. Tôi cam kết với tất cả các gia đình rằng chúng ta sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi đưa người thân của họ trở về nhà", ông Biden nói.

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, "Israel có quyền truy đuổi Hamas"nhưng phải có trách nhiệm "bảo vệ dân thường vô tội ở Gaza".

Ông Biden cũng nói tới nỗ lực quốc tế để thiết lập lệnh ngừng bắn, hỗ trợ nhân đạo cho Gaza. Trong đó có vai trò của Mỹ.

"Chúng tôi đã làm việc không ngừng để thiết lập một lệnh ngừng bắn ngay lập tức có thể kéo dài ít nhất sáu tuần. Điều này sẽ đưa con tin về nhà, giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo khó chịu, và xây dựng hướng tới điều gì đó bền vững hơn". 

"Mỹ đã dẫn đầu nỗ lực quốc tế để đưa thêm hỗ trợ nhân đạo vào Gaza. Tối nay, tôi chỉ đạo quân đội Mỹ dẫn đầu một sứ mệnh khẩn cấp để thiết lập một cảng tạm thời trên bờ biển Địa Trung Hải của Gaza có thể tiếp nhận các tàu lớn chở thực phẩm, nước, thuốc men và nơi trú ẩn tạm thời".

Ông Biden cũng nhấn mạnh: "Không có quân đội Mỹ trên thực địa".

Ông Biden kêu gọi Israel cho phép nhiều hỗ trợ hơn vào Gaza và đảm bảo rằng các nhân viên nhân đạo không bị kẹt trong vòng hỏa lực. Ông gửi thông điệp tới lãnh đạo Israel như sau:

"Không thể coi hỗ trợ nhân đạo một việc cần xem xét sau cùng hoặc một quân bài đàm phán. Bảo vệ và cứu sống người vô tội phải là ưu tiên hàng đầu. Khi chúng ta nhìn về tương lai, giải pháp duy nhất thực sự là giải pháp hai nhà nước".

Tổng thống Biden tuyên bố

"Tôi nói điều này như một người ủng hộ Israel trọn đời và là Tổng thống Mỹ duy nhất ghé thăm Israel trong thời chiến. 

Không có con đường nào khác đảm bảo an ninh và dân chủ của Israel. 

Không có con đường nào khác đảm bảo người Palestine có thể sống trong hòa bình và phẩm giá. 

Không có con đường nào khác đảm bảo hòa bình giữa Israel và tất cả các quốc gia Ả Rập láng giềng, bao gồm cả Ả Rập Saudi".

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng nhắc tới điểm nóng ở Biển Đỏ. Ông cho rằng, tạo ổn định ở Trung Đông đồng nghĩ với kiểm soát mối đe dọa từ Iran.

"Đó là lý do tại sao tôi đã xây dựng liên minh hơn một chục quốc gia để bảo vệ hoạt động vận tải quốc tế và tự do hàng hải ở Biển Đỏ. Tôi đã ra lệnh không kích để làm suy yếu khả năng của Houthi và bảo vệ lực lượng Mỹ trong khu vực".

Đề xuất tăng thuế đối với tỷ phú 

Tổng thống Joe Biden đề xuất tăng thuế đối với những người giàu có nhất nước Mỹ, với lập luận rằng số tiền thu được có thể được sử dụng để tiếp tục cắt giảm thâm hụt ngân sách liên bang và tài trợ cho các sáng kiến liên bang.

Tổng thống đã chỉ trích phe Cộng hòa — nói rằng các chính sách của chính quyền trước đã mang lại lợi ích cho 1% người giàu nhất — và đề xuất tăng thuế đối với tỷ phú.

"Một bộ luật thuế công bằng là cách chúng ta đầu tư và khiến cho đất nước này vĩ đại. Chăm sóc sức khỏe, giáo dục, quốc phòng, và nhiều hơn nữa", Biden nói.

Tổng thống Biden tuyên bố

Biden nói rằng các tỷ phú bị đánh thuế “ít hơn nhiều” so với đa số người Mỹ. 

"Có 1.000 tỷ phú ở Mỹ. Bạn có biết mức thuế trung bình của các tỷ phú này trên thu nhập là bao nhiêu không? 8,2 phần trăm! Đó là mức thấp hơn rất nhiều so với phần lớn người Mỹ phải trả".

"Không có tỷ phú nào nên trả mức thuế liên bang thấp hơn một giáo viên, một nhân viên vệ sinh, hoặc một y tá. Chính vì lý do đó, tôi đã đề xuất mức thuế tối thiểu 25% đối với các tỷ phú. Chỉ 25%. Điều này sẽ tăng thu nhập 500 tỷ đô la trong 10 năm tới", ông nói nhận được tràng pháo tay từ đám đông.

Ông Biden cũng đưa ra giải pháp: "Đã đến lúc chúng ta nâng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu lên ít nhất 21% để mọi doanh nghiệp lớn phải trả phần đóng góp công bằng của họ. Tôi cũng muốn chấm dứt các khoản giảm thuế cho Big Pharma, Big Oil, máy bay riêng và tiền lương điều hành khổng lồ. Chấm dứt ngay bây giờ!"

"Nếu anh muốn kiếm cả triệu đô - tốt thôi! Cứ trả đủ phần thuế của anh một cách công bằng là được", ông Biden nói. 

Nước Mỹ cần có hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới

"Để tiếp tục duy trì vị thế là nền kinh tế mạnh nhất thế giới, chúng ta cần có hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới", ông Biden khẳng định khi đề cập tới lĩnh vực giáo dục.

Biden cho biết, ông muốn tạo điều kiện cho trẻ em 3-4 tuổi được tham gia giáo dục mầm non, mở rộng các chương trình gia sư chất lượng cao và thời gian học hè, và đảm bảo rằng mọi đứa trẻ đều biết đọc trước khi lên lớp ba.

Ông Biden bày tỏ mong muốn giảm chi phí theo học đại học cho sinh viên, đề xuất tăng cường học bổng, đầu tư vào các trường đại học cho người Mỹ gốc Phi. Ngoài ra, ông Biden cũng muốn tăng lương cho giáo viên dạy trường công. 

Ông Biden: Không thể bãi bỏ Obamacare

"Người Mỹ trả nhiều tiền hơn cho thuốc theo toa so với bất cứ nơi nào khác. Điều đó sai và tôi đang chấm dứt nó", ông Biden nhấn mạnh trong thông điệp liên bang, đồng thời chỉ trích Đảng cộng hòa vì không một đảng nào bỏ phiếu thông qua đạo luật liên quan mà ông đề xuất và ký kết. 

"Chúng tôi cuối cùng đã đánh bại Big Pharma! Thay vì trả 400 đô la một tháng cho insulin, người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường chỉ cần trả 35 đô la một tháng. Trong nhiều năm, mọi người đã nói về điều đó nhưng cuối cùng tôi đã thực hiện được và trao quyền cho Medicare để đàm phán giá thuốc kê đơn thấp hơn", ông Biden nói. 

Ông Biden cho rằng, chính phủ Mỹ nên có những bước tiến xa hơn và trao quyền cho Medicare để đàm phán hạ giá cho 500 loại thuốc trong thập kỷ tới. "Điều đó không chỉ cứu sống mạng người mà còn tiết kiệm cho người nộp thuế thêm 200 tỷ USD", ông Biden nói. 

Tổng thống Biden tuyên bố

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng đề cập tới một chính sách do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra và đấu tranh để thông qua trong nhiệm kỳ của mình. 

"Obamacare, còn được biết đến với cái tên Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá cả Phải chăng vẫn rất quan trọng", ông Biden cho biết, nhờ có Obamacare, hơn 100 triệu người Mỹ có tiền sử bệnh lý không bị từ chối bảo hiểm. 

Tuy nhiên, ông Biden cho biết, người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Trump và nhiều người có mặt trong khán phòng ngày hôm nay muốn bãi bỏ Obamacare và ông Biden khẳng định: "Tôi sẽ không để điều đó xảy ra!"

"Buy American" và "Đạo luật Chips và Khoa học"

Đề cập tới những thành tựu về kinh tế và an sinh xã hội trong nhiệm kỳ, Tổng thống Biden nhắc tới đạo luật "Buy American" từ những năm 1930 của nước Mỹ, đạo luật mà ông cho rằng các chính quyền trước đây bao gồm chính quyền Trump không thực hiện. Ông Biden nói rằng, trong nhiệm kỳ của mình, ông đã đề cao các dự án mang tinh thần ấy. 

"Dưới sự giám sát của tôi, các dự án liên bang như giúp xây dựng đường xá, cầu và cao tốc Mỹ sẽ được làm từ sản phẩm Mỹ, xây dựng bởi công nhân Mỹ, tạo ra những việc làm có mức lương cao ở Mỹ", ông Biden nói. 

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đề cập tới Đạo luật Chips và Khoa học mà chính quyền ông thông qua. Theo ông, nhờ có đạo luật này mà nước Mỹ đầu tư nhiều hơn bao giờ hết vào nghiên cứu và phát triển.

"Thay vì phải nhập khẩu chất bán dẫn, các công ty tư nhân giờ đây đang đầu tư hàng tỷ đô la để xây dựng những nhà máy chip mới ngay tại nước Mỹ, tạo ra hàng chục nghìn việc làm. Rất nhiều trong số đó có mức lương trên 100.000 đô la một năm và không đòi hỏi bằng đại học", ông Biden nói. 

Ông Biden cũng đề cập tới các chính sách mới giúp hiện đại hóa đường xá, cầu cảng, sân bay, hệ thống giao thông công cộng cũng như mạng lưới internet. 

Tổng thống Biden tuyên bố

Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc thông điệp liên bang ngày 7/3. Ảnh: CNN

Biden: Kinh tế Mỹ khiến cả thế giới phải ghen tị

Tổng thống Joe Biden tuyên bố, nền kinh tế của Mỹ là "niềm ghen tị của thế giới".

Theo Tổng thống Mỹ, nền kinh tế Mỹ đang phát triển nhanh hơn hầu hết các quốc gia lớn khác, phần lớn châu Âu bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi những cú sốc từ cuộc chiến tranh ở Ukraine so với Mỹ.

"Trong vòng chỉ ba năm, đã có 15 triệu việc làm mới được tạo ra—đó là một kỷ lục!", ông Biden nhấn mạnh.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng liệt kê những thành tựu trong nhiệm kỳ:

"Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 50 năm. 16 triệu người Mỹ bắt đầu kinh doanh các doanh nghiệp nhỏ và mỗi một hành động là một niềm hy vọng. 800.000 việc làm mới trong lĩnh vực sản xuất ở Mỹ và con số này vẫn đang tăng lên".

"Tiền lương tiếp tục tăng và lạm phát tiếp tục giảm! Lạm phát đã giảm từ 9% xuống còn 3%—thấp nhất thế giới! Và nó đang có xu hướng giảm tiếp".

"Và bây giờ thay vì nhập khẩu sản phẩm nước ngoài và chuyển việc làm của người Mỹ ra nước ngoài, chúng ta đang xuất khẩu sản phẩm của Mỹ và tạo ra việc làm cho người Mỹ—ngay tại đây ở nước Mỹ, nơi chúng thuộc về!", ông Biden nói. 

Đánh giá tích cực về nền kinh tế Mỹ của Biden phần nào đúng trong bối cảnh hiện tại. Nền kinh tế châu Âu vừa tránh được một cuộc suy thoái trong gang tấc vào năm ngoái, khi cuộc chiến chống lạm phát của ngân hàng trung ương đã khiến sản xuất trong khu vực này bị đình trệ.

Trong khi đó, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, đã trải qua một năm 2023 đáng thất vọng, bị tàn phá bởi các hạn chế thương mại, khủng hoảng bất động sản lớn và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.

Tổng thống Biden tuyên bố

"Hạ cánh sẽ và đang là êm ái," Biden đề cập tới "hạ cánh mềm" và hiện tượng lạm phát giảm, thị trường việc làm vẫn mạnh mẽ - tất cả mà không cần đến suy thoái. 

"Cho đến nay, đó dường như là những gì chúng ta đang có. Nhưng lạm phát vẫn chưa trở lại hoàn toàn bình thường", ông Biden nói.

Biden cũng ca ngợi những công việc trong lĩnh vực năng lượng sạch mà chính sách kinh tế của ông đang tạo ra. Nhiều công việc này nằm trong các khu vực do đảng Cộng hòa lãnh đạo. "Nếu có ai trong các bạn không muốn số tiền đó ở trong khu vực của mình, chỉ cần cho tôi biết", Biden nói.

"Thực tế, các chính sách của tôi đã thu hút được 650 tỷ đô la đầu tư từ khu vực tư nhân vào năng lượng sạch, sản xuất tiên tiến, tạo ra hàng chục nghìn việc làm tại Mỹ!", ông Biden nói.

Thông điệp ông Biden gửi ông Putin: Mỹ sẽ không cúi đầu

Nói về lập trường của mình đối với Ukraine, ông Biden kêu gọi nước Mỹ đứng lên chống lại Nga. Ông đề nghị Quốc hội Mỹ: "Hãy gửi cho tôi Dự luật An ninh Quốc gia Lưỡng đảng".

Tiếp tục lặp lại thông điệp "Lịch sử đang dõi theo", ông Biden nhấn mạnh:

"Nếu nước Mỹ bỏ đi bây giờ, điều đó sẽ đặt Ukraine vào nguy hiểm. Châu Âu sẽ rơi vào nguy hiểm. Thế giới tự do sẽ rơi vào nguy hiểm, khiến những kẻ muốn gây hại cho chúng ta thêm phần mạnh mẽ". 

Ông Biden cũng gửi thông điệp tới Tổng thống Nga. 

"Thông điệp của tôi đối với Tổng thống Putin rất đơn giản. Chúng tôi sẽ không bỏ đi. Chúng tôi sẽ không cúi đầu. Tôi sẽ không cúi đầu". 

Tổng thống Biden tuyên bố

Biden: Hôm nay, chúng ta đã làm cho NATO mạnh mẽ hơn bao giờ hết

Ông Biden đã gửi lời chúc mừng Thụy Điển gia nhập NATO, sự kiện chỉ vừa diễn ra vài giờ trước đó khi Thủ tướng Thụy Điển trao văn kiện gia nhập cho Bộ Ngoại giao Mỹ. 

"Mỹ là một trong những thành viên sáng lập của NATO, liên minh quân sự các quốc gia dân chủ được thành lập sau Thế chiến II nhằm ngăn chặn chiến tranh và duy trì hòa bình. Hôm nay, chúng ta đã làm cho NATO mạnh mẽ hơn bao giờ hết", ông Biden nói.

"Chúng tôi đã chào đón Phần Lan gia nhập Liên minh vào năm ngoái, và chỉ mới sáng nay, Thụy Điển chính thức gia nhập NATO, và Thủ tướng của họ cũng có mặt tại đây tối nay. Thưa ông Thủ tướng, chào mừng đến với NATO, liên minh quân sự mạnh mẽ nhất mà thế giới từng biết".

Tổng thống Biden tuyên bố

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nhận lời chúc mừng tại sự kiện. Ảnh: AP

Biden chỉ trích Trump

Tổng thống Joe Biden đã chỉ trích những bình luận trước đây của cựu Tổng thống Donald Trump, người đã khuyến khích Nga "làm bất cứ điều gì họ muốn" đối với bất kỳ quốc gia NATO nào không đáp ứng các hướng dẫn chi tiêu về quốc phòng.

"Tôi nghĩ đó là một hành động phản cảm, nguy hiểm và không thể chấp nhận được," Biden nói về những bình luận của Trump.

Ông cũng chỉ trích ông Trump và các thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội vì đã tìm cách "chôn vùi sự thật" về những gì đã xảy ra trong cuộc nổi loạn ngày 6/1/2021.

Biden không trực tiếp nhắc đến tên của Trump, gọi ông ấy là "người tiền nhiệm của tôi, một cựu tổng thống thuộc đảng Cộng hòa".

Tổng thống Biden tuyên bố

Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc thông điệp liên bang ngày 7/3. Ảnh: CNN

Biden khẳng định không có lính Mỹ ở Ukraine, sẽ không đưa quân tới

Biden nhấn mạnh rằng mục đích của bài phát biểu là để “thức tỉnh Quốc hội và cảnh báo nhân dân Mỹ” rằng nền dân chủ đang bị đe dọa.

Song song với lời kêu gọi hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Tổng thống Mỹ khẳng định hiện tại không có binh sĩ Mỹ tham gia vào xung đột ở Ukraine. 

"Đó [viện trợ quân sự] là tất cả những gì Ukraine yêu cầu. Họ không đòi Mỹ đưa quân tới. Trên thực tế, không hề có binh lính Mỹ hiện diện trong chiến tranh Ukraine và tôi kiên quyết giữ vững điều đó", ông Biden nói.

Tổng thống Biden tuyên bố

Biden: "Cần phải hỗ trợ Ukraine. Lịch sử đang nhìn vào chúng ta"

Mở đầu Thông điệp Liên bang 2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố nước Mỹ đang đối mặt với "một thời điểm chưa từng có".

Ông Biden đã đề cập đến bài phát biểu trước Quốc hội năm 1941 của cựu Tổng thống Franklin D. Roosevelt khi Adolf Hitler tiến hành chiến tranh khắp châu Âu. Roosevelt nói với Quốc hội rằng quốc gia đang ở "một thời điểm chưa từng có trong lịch sử".

"Điều làm cho khoảnh khắc của chúng ta trở nên hiếm có là tự do và dân chủ đang bị tấn công cả ở trong nước và ở nước ngoài", ông Biden nói.

Ngay từ những phút đầu của Thông điệp Liên bang 2024, Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ cho Ukraine.

Ông tuyên bố, Ukraine sẽ có thể giành chiến thắng nếu như Mỹ sát cánh cùng Ukraine và cung cấp cho họ vũ khí mà họ cần. Biden đã kêu gọi Quốc hội thông qua thêm viện trợ quân sự để hỗ trợ nỗ lực chiến đấu của Ukraine chống lại Nga. Ông nhấn mạnh nhiều lần: "Lịch sử đang dõi theo".

Ông mạnh mẽ đề xuất tiếp tục hỗ trợ Ukraine, tuyên bố sẽ không từ bỏ việc hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine.

Tháng trước, Thượng viện đã thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95,3 tỷ USD, trong đó bao gồm 60 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine. Mặc dù dự luật đã được thông qua với sự ủng hộ của cả hai đảng tại Thượng viện, nhưng Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã nói rằng ông không có kế hoạch đưa dự luật ra sàn.

Theo thông tin từ Nhà Trắng, 21h ngày 7/3 theo giờ địa phương (tức 9h ngày 8/3 theo giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội và người dân Mỹ mà CNN đánh giá là "quan trọng nhất" trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Đây là cơ hội để ông Biden nêu bật những thành tựu trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, đồng thời cảnh báo về những điều mà ông coi là mối đe dọa đến sự tồn vong của nước Mỹ.

Theo truyền thông Mỹ, thông điệp liên bang 2024 của ông Biden sẽ xoay quanh nhiều vấn đề như tình hình nền kinh tế Mỹ, thỏa thuận biên giới, vai trò của nước Mỹ ở nước ngoài...

Mặc dù thông điệp Liên bang thường là nơi để các tổng thống thể hiện bản thân với tư thái lãnh đạo và khơi gợi sự đoàn kết nhưng sự kiện năm nay diễn ra ở một thời điểm đặc biệt, chỉ vài ngày sau một dấu mốc quan trọng trong cuộc bầu cử Mỹ. Điều đó đã mang lại màu sắc chính trị cho bài diễn văn 2024.

Mặc dù chưa rõ ông Biden có đề cập tới tên cựu Tổng thống Donald Trump hay không - và nếu có thì bao nhiêu lần - nhưng CNN cho rằng, dù như thế nào, chiến dịch tổng tuyển cử năm 2024 của ông cũng sẽ được khởi động với bài phát biểu này.

Theo Ban Quốc tế

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên