Tổng thống Macron đối diện khó khăn
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể đã thở phào sau khi tái đắc cử hồi tháng 4 nhưng nhiệm kỳ 2 của ông vừa trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
- 07-05-2022Tổng thống Pháp Macron chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2
- 25-04-2022Tổng thống Macron tái đắc cử, giới lãnh đạo châu Âu thở phào
- 24-04-2022VÒNG 2 BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP: Ông Emmanuel Macron chiếm ưu thế
Trong cuộc bầu cử lập pháp ngày 19-6, Đảng Liên minh "Chung sức" của ông chủ Điện Élysée dù giành được nhiều ghế nhất (245 ghế) nhưng vẫn không đủ để duy trì quyền kiểm soát quốc hội (cần 289 ghế).
Điều này đồng nghĩa Tổng thống Macron đã mất thế đa số tại quốc hội - một bước lùi lớn có thể đẩy nước Pháp vào tình trạng tê liệt chính trị nếu ông không thể đàm phán liên minh với các đảng khác, theo Reuters.
Chính trường Pháp trong những ngày tới sẽ xoay quanh các cuộc đàm phán, nhất là khi Thủ tướng Elisabeth Borne tuyên bố ngắn gọn sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố rằng nỗ lực thành lập liên minh sẽ bắt đầu ngay trong sáng 20-6 (giờ địa phương).
Với 65 ghế giành được, Đảng Cộng hòa Pháp trung hữu có thể là chìa khóa để Đảng Liên minh "Chung sức" trung dung lấy lại quyền kiểm soát quốc hội. Tuy nhiên, một thỏa thuận liên minh với phe cánh hữu (nếu có) sẽ gia tăng sức ép lên Thủ tướng Borne, người vốn bị nhiều chính trị gia cánh hữu mô tả là quá thiên tả.
Tổng thống Emmanuel Macron tiếp xúc cử tri tại khu vực Le Touquet-Paris-Plage của Pháp ngày 19-6 Ảnh: REUTERS
Trong trường hợp không thể liên minh để thành lập thế đa số, chính quyền Tổng thống Macron cần dựa vào sự ủng hộ của các đảng phái đối lập để thông qua từng dự luật.
Điều này sẽ đòi hỏi các cuộc đàm phán dài hơi trước khi mỗi dự luật được đem ra bỏ phiếu. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Macron còn đối diện rủi ro "quay xe" phút chót khiến chương trình nghị sự không được thông qua.
"Nếu không lập được thế đa số, Tổng thống Macron sẽ gặp khó khăn hơn trong nỗ lực theo đuổi các chương trình cải cách, bao gồm tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 hoặc 65 tuổi" - chuyên gia Holger Schmieding của Ngân hàng Berengberg nhận định với đài CNBC.
Nếu muốn, Tổng thống Macron có thể giải tán quốc hội và kêu gọi tiến hành các cuộc bỏ phiếu mới. Tuy nhiên, kết quả của hành động này là rất khó lường, đặc biệt khi cử tri Pháp đang giận dữ với tình trạng lạm phát gia tăng giữa lúc phe đối lập, bao gồm Đảng Nước Pháp bất khuất của nghị sĩ Jean-Luc Mélenchon và Đảng Mặt trận Quốc gia của thủ lĩnh cực hữu Marine Le Pen ngày càng được ủng hộ.
Người Lao động