Nỗi lo lớn nhất của Putin
Ngày 24/12/2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc gặp gỡ với công nhân tại ga đường sắt Taman, gần Anapa, Nga sau khi những công nhân này lái tàu qua cây cầu nối giữa Nga và Bán đảo Crimea. (Ảnh: Mikhail Svetlov | Getty Images News | Getty Images)
Hôm 14/10, Tổng thống Vladimir Putin trả lời CNBC rằng cải thiện mức sống của công dân Nga là mối quan tâm lớn nhất lúc này của ông. Cuộc phỏng vấn đã đem đến một cái nhìn sâu sắc hiếm có về mối bận tâm của một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới.
- 14-10-2021Tổng thống Putin khẳng định giá dầu có thể tăng lên mức 100 USD/thùng
- 11-10-2021Một công ty được Tổng thống Putin "chúc phúc" sẽ giúp Nga gia tăng ảnh hưởng với châu Âu nhờ dòng khí đốt từ Bắc Cực
- 10-10-2021Đại chiến mùa đông: Khí đốt đội giá 800%, châu Âu náo loạn - Cờ về tay Nga, Putin "hô mưa gọi gió"
"Trở ngại chính, vấn đề chính và mục tiêu chính của chúng tôi là nâng cao mức thu nhập cho công dân Nga," ông nói với phóng viên Hadley Gamble của CNBC. Câu trả lời được đưa ra sau khi ông được hỏi về mối quan tâm lớn nhất của ông hiện nay là gì, có phải là vấn đề về lạm phát, tình trạng giảm phát đi kèm với suy thoái, cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu hay là tình trạng căng thẳng ở Biển Đông.
Ông cho biết: "Đây là thách thức chính của chúng tôi ... Chúng tôi cần phải đảm bảo tăng trưởng và nâng cao chất lượng nền kinh tế. Đây là những nhiệm vụ trong dài hạn của chúng tôi."
Ông Putin còn cho biết thêm rằng chính phủ sẽ "cải thiện tình hình xã hội để tăng mức thu nhập của công dân và giải quyết nhiệm vụ thứ hai cũng hết sức quan trọng, đó là tình hình nhân khẩu học. Điều này cũng liên quan đến những vấn đề về xã hội, y tế, giáo dục, hỗ trợ những gia đình có trẻ em ".
"Vì vậy, với hai vấn đề rất quan trọng này – một là vấn đề về nhân khẩu học và hai là việc tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của công dân Nga... nên được giải quyết dựa trên cơ sở tăng trưởng kinh tế. Đó là những gì chúng tôi sẽ thực hiện trong tương lai gần", ông nói.
Phát biểu của ông được đưa ra khi GDP bình quân đầu người của Nga vẫn đang ở mức thấp hơn so với các nước thành viên khác trong khối OECD và EU. GDP là một chỉ số cốt lõi về sự phát triển kinh tế và thường được sử dụng rộng rãi để đo lường mức sống trung bình hoặc phúc lợi kinh tế.
Vào tháng 9, Chris Weafer, giám đốc điều hành của công ty tư vấn chiến lược Macro-Advisory có trụ sở tại Moscow, nói với CNBC rằng: "vấn đề thực sự khiến Điện Kremlin lo sợ là sự thay đổi trong nhân khẩu học", vì sau khời kỳ Xô Viết, số lượng người Nga sinh ra ngày càng tăng lên đi kèm với sự đòi hỏi về tiêu chuẩn sống ngày một tốt hơn.
"Người dân muốn cải thiện những vấn đề về lối sống, thu nhập, hỗ trợ xã hội và mong muốn có một tương lai tốt hơn cho bản thân và gia đình họ," Weafer nói. "Thỏa mãn những kỳ vọng đó của người dân trong khi vẫn nắm giữ được trong tay quyền lực là thách thức lớn đối với Tổng thống Putin cũng như những người được gọi là‘ giới tinh hoa" của Nga . Thất bại của nhiệm kỳ trước sẽ càng gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả của nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo - cho dù tổng thống đó có là ai đi nữa ".
Sự thịnh vượng dưới thời Putin
Suốt hai thập kỷ cầm quyền, Putin chắc chắn đã đưa Nga bước vào một thời kỳ phát triển kinh tế hưng thịnh, đồng thời giúp Nga đứng vững trong cục diện địa - chính trị toàn cầu.
Tuy nhiên, giống như bất kỳ nền kinh tế nào khác, Nga không thể tránh khỏi những vấn đề (cả nội địa và toàn cầu) xảy ra cả trong và ngoài tầm kiểm soát của nước mình. Những vấn đề này đã làm phá vỡ đi thế tăng trưởng của nền kinh tế và gây ra khó khăn về tài chính cho người dân.
Điều này được thể hiện rõ nhất vào năm 2014, khi Nga sát nhập bán đảo Crimea từ nước láng giềng Ukraine kết hợp với việc giá dầu trên toàn cầu giảm. Nguồn thu từ dầu xuất khẩu giảm xuống kết hợp với việc bị áp đặt thêm những lệnh trừng phạt quốc tế đã ra gây áp lực rất lớn đối với nền kinh tế và xã hội nước này. Giá đồng rúp sụt giảm mạnh gây ra tình trạng lạm phát, giá cả những sản phẩm cơ bản tăng vọt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng.
Gần đây nhất, trong đại dịch Covid-19, mặc dù vẫn ổn thỏa hơn so với một số nước phát triển khác, nền kinh tế Nga cũng đã phải hứng chịu những ảnh hưởng hết sức nặng nề. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, vào năm 2020, GDP của Nga đã giảm 3%, trong khi đó mức giảm GDP trung bình trên toàn cầu là 3,8% và mức giảm này của các nền kinh tế tiên tiến là 5,4%.
Trong một báo cáo vào tháng Năm, Ngân hàng Thế giới cho biết: "Một số yếu tố đã giúp cho nền kinh tế Nga phát triển tương đối ổn hơn so với các nước khác trong đại dịch: trong những năm gần đây, Nga đã thực hiện những nỗ lực ổn định tài khóa vĩ mô đáng kể, dẫn đến tình trạng cân đối thu chi ngân sách chính phủ được cải thiện.
Một đợt thanh lọc toàn diện khu vực ngân hàng đã được thực hiện cùng với việc cải thiện các quy định và giám sát, các bộ đệm vốn và thanh khoản được củng cố ".
Tuy nhiên, đại dịch vẫn gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng ở Nga khi số lượng ca mắc bệnh còn cao và việc tiêm chủng còn diễn ra chậm chạp. Vào thứ Tư vừa rồi, Nga công bố số người chết cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch, phá vỡ kỷ lục của ngày trước đó.
Những người đi bộ qua Quảng trường Đỏ trong một ngày mùa thu đầy nắng ở Moscow ngày 9/10/2021. (Ảnh: DIMITAR DILKOFF | AFP | Getty Images)
Tuần trước, các nhà kinh tế học tại Ngân hàng Thế giới dự báo rằng GDP của Nga sẽ tăng 4,3% vào năm 2021, rồi sau đó sẽ giảm một chút với mức tăng là 2,8% vào năm 2022, và 1,8% vào năm 2023 khi lỗ hổng sản lượng (khoảng chênh lệch giữa GDP thực tế và GDP tiềm năng) thu hẹp. Ngân hàng lưu ý rằng "sự phục hồi kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn ra, giá dầu tương đối cao và tình hình Covid được cải thiện được cho là sẽ củng cố hơn nữa sự phục hồi mới chớm trong nhu cầu nội địa của Nga."
Nga là đất nước có tầm ảnh hưởng lớn ở cả châu Âu và châu Á với vị thế là nhà xuất khẩu dầu và khí đốt toàn cầu. Dù vậy, trong những năm gần đây, ông Putin đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải đa dạng hóa nền kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào việc xuất khẩu năng lượng. Đây là mục tiêu được ưu tiên của Nga sau sự sụp đổ của giá dầu toàn cầu năm 2014.
Theo CNBC