MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng thống Trump kế thừa một nền kinh tế như thế nào?

04-02-2017 - 20:06 PM | Tài chính quốc tế

Nền kinh tế Mỹ trong tháng Một vừa qua đã có thêm khoảng 227.000 việc làm với tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 4,8%.

Mức tăng trưởng việc làm mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên của tháng Một cho thấy tân Tổng thống Donald Trump tiếp quản một thị trường lao động ổn định và có triển vọng lạc quan sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới nhờ những chính sách thúc đẩy kinh tế mà ông đã cam kết.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng rất nhẹ trở lại nhưng thực tế là do có nhiều người đang tìm kiếm những cơ hội việc làm mới tốt hơn. Ảnh: Reuters.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng rất nhẹ trở lại nhưng thực tế là do có nhiều người đang tìm kiếm những cơ hội việc làm mới tốt hơn. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Trump tiếp quản một thị trường việc làm tốt hơn nhiều so với người tiền nhiệm Obama

Khi ông Obama nhậm chức tháng 1/2009, số người mất việc ở Mỹ chỉ riêng trong tháng đó đã là 791.000 với tỷ lệ thất nghiệp lên đến 7,8% và tiếp tục đà tăng này cho đến mùa thu năm 2009 thì đạt đỉnh mức điểm của 26 năm là 10%.

Sau đó, thị trường việc làm ở Mỹ tăng trưởng trở lại với tỷ lệ thất nghiệp giảm dù tốc độ khá chậm trong 8 năm qua. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi khẳng định rằng sau 8 năm, Tổng thống Obama đã trao lại cho người kế nhiệm một nền kinh tế với mức lương tăng ổn định và tạo thêm hàng trăm nghìn việc làm.

Quả thực, các nhà kinh tế cũng nhận định những số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 3/2 đều ở mức xuất sắc.

Cụ thể, nền kinh tế Mỹ đã có thêm 227.000 việc làm mới trong tháng 1/2017, mức nhiều nhất kể từ tháng 9/2016. Và dù tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tháng 1/2017 tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm lên 4,8%, đó lại không phải là một tin xấu mà nguyên nhân phần lớn là vì điều chỉnh số liệu dân số thường niên của Mỹ nên có thêm khoảng 584.000 người tìm việc làm. Trong khi đó, tỷ lệ người Mỹ trong độ tuổi lao động tăng lên 62,9% trong tháng 1/2017 và đây là mức tốt nhất kể từ tháng 9/2016.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Tập đoàn dịch vụ tài chính PNC Stuart Hoffman ví nền kinh tế Mỹ như động cơ đã được nạp đầy nhiên liệu và nổ máy, việc của ông Trump bây giờ chỉ là làm thế nào để vận hành trơn tru cỗ máy đó. Ông khẳng định: “Tổng thống Trump kế thừa một thị trường lao động và một nền kinh tế rất khỏe mạnh. Tất nhiên một bộ phận những người bỏ phiếu cho ông ấy không cảm thấy như vậy nhưng nhìn chung không thể phủ nhận tỷ lệ thất nghiệp dưới 5% và việc làm tăng trưởng suốt 7 năm qua”.

Nhà phân tích kinh tế của trang chuyên thông tin về tài chính Bankrate.com, ông Mark Hamrick cũng cho rằng Tổng thống Trump “thừa kế một thị trường việc làm nhìn chung khỏe mạnh dù vẫn còn vài vết sẹo từ cuộc suy thoái và khủng hoảng tài chính”. Theo ông Hamrick, “sẽ phải có một cuộc kiểm tra sức khỏe để xem xét những vết sẹo đó nhưng rõ ràng là phần nào nhờ có chúng mà ông ấy mới được bầu vào Nhà Trắng.”

Điều gì là động lực tăng trưởng việc làm cho Mỹ?

Trung bình mỗi tháng trong năm 2016 vừa qua, nền kinh tế Mỹ tạo thêm được 187.000 việc làm.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết, tăng trưởng việc làm mạnh mẽ được thúc đẩy bởi những dự án xây dựng với việc đóng góp khoảng 36.000 việc làm cho thị trường chỉ trong tháng 1/2017 so với mức tăng 2.000 việc làm trong thán 12/2016. Có thể nói tháng Một vừa qua là tháng tăng trưởng việc làm tốt nhất của ngành xây dựng Mỹ trong vòng gần 1 năm qua.

Ngành bán lẻ của Mỹ trong tháng 1/2017 cũng tạo thêm được 45.900 việc làm, tăng so với 33.500 việc làm trong tháng 12/2016.

Chính quyền các bang và liên bang cũng thuê thêm tổng cộng khoảng 14.000 nhân viên trong khi tăng trưởng việc làm ở lĩnh vực sản xuất giảm còn 5.000 so với 11.000 trong tháng 12/2016.

Không chỉ thừa kế của ông Obama, Tổng thống Trump cũng đã tự tạo ra những tín hiệu lạc quan

Báo cáo việc làm tháng 1/2017 của Mỹ là báo cáo cuối cùng dưới thời Tổng thống Obama nhưng nhà phân tích của Bankrate.com, ông Mark Hamrick cho rằng tăng trưởng việc làm cũng có thể được tác động từ lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng sau khi ông Trump đắc cử.

Theo ông Hamrick, một mặt các doanh nghiệp thường không sẵn lòng thuê thêm nhân công chừng nào thực sự cần, mặt khác tự họ có thể đưa ra quyết định chiến lược này nếu dự đoán được nhu cầu tăng trong tương lai. Và trong trường hợp hiện nay thì triển vọng của kinh tế Mỹ đang khiến nhiều doanh nghiệp lạc quan để thuê thêm nhân sự.

Trước một cuộc gặp ở Nhà Trắng với lãnh đạo các doanh nghiệp, Tổng thống Trump cho biết ông “rất vui” vì tăng trưởng việc làm của nền kinh tế, đồng thời khẳng định chính phủ sẽ “mang việc làm trở lại, giảm thuế, lược bỏ những quy định” để tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy tạo công ăn việc làm nhiều hơn nữa.

Ông Trump còn rất nhiều việc phải làm để phục hồi nền kinh tế số Một thế giới sau cơn đại suy thoái

Theo báo cáo do Bộ Lao động Mỹ vừa công bố, mức lương tăng trưởng chậm và khó cải thiện vẫn là một thách thức đối với sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và sẽ khiến Ngân hàng Dự trữ Liên bang tiếp tục phải cảnh giác khi xem xét sức khỏe của nền kinh tế để quyết định tăng lãi suất.

Tháng 12/2016, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lần đầu lãi suất ngắn hạn trong vòng một năm qua nhưng chỉ ở mức nhẹ và giới quan sát nhận định ngân hàng này rất có thể sẽ đưa ra 3 lần tăng lãi suất nhẹ như vậy trong năm 2017.

Lindsey M. Piegza, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty Stifel Nicolaus & Co. cũng chỉ ra rằng mấu chốt ông Trump cần phải lưu ý không chỉ nằm ở số lượng việc làm mà còn ở chất lượng việc làm mà ở đó mức lương tăng lên sẽ có thể thúc đẩy tiêu dùng và dòng vốn tái đầu tư vào nền kinh tế.

Theo Diệu Hương

VOV.vn

Trở lên trên