Tổng Thư ký Quốc hội: "Không biết ai" trong danh sách 9 người đi nhờ chuyên cơ bỏ trốn
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, trong thời gian tới dứt khoát không cho các đoàn đi nhơ chuyên cơ để tránh việc hiểu sai, "mang tiếng đi cùng chuyên cơ".
- 27-09-2019Vì sao Bộ KH&ĐT không công bố danh tính 9 người bỏ trốn tại Hàn Quốc
- 26-09-2019Bộ Kế hoạch-Đầu tư khẳng định "không bao che" trong vụ 9 người bỏ trốn ở Hàn Quốc
- 25-09-2019Tổng thư ký Quốc hội: 9 người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc không thuộc đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội
Sẽ không cho các đoàn đi nhờ chuyên cơ
Tại cuộc họp báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14, phóng viên đã đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin thêm về vụ việc liên quan 9 người bỏ trốn khi "đi nhờ" đoàn của Chủ tịch Quốc hội tới Hàn Quốc.
"Theo thông cáo, 9 người này thuộc danh sách của đoàn mà Bộ KH-ĐT đưa sang, tuy nhiên, nói thế nào họ cũng đi cùng đoàn của Quốc hội và điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài này.
Tổng Thư ký và Văn phòng Quốc hội đã có những biện pháp quán triệt, rút kinh nghiệm như thế nào để tránh trường hợp tương tự có thể xảy ra?", phóng viên hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, báo chí đã nêu nhiều về vấn đề này và bản thân ông cũng đã trả lời báo chí.
Ông cho rằng, đây không phải là "đi cùng" đoàn của Quốc hội mà đi theo diện đoàn kinh tế, thương mại riêng. Diễn đàn này, do Bộ KH-ĐT phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại VN, Phòng Thương mại công nghiệp Hàn Quốc tổ chức.
"Đoàn riêng nên tôi không cùng đi cùng mà cùng đi nhờ chuyên cơ. Đây không phải là lần đầu tiên mà các đoàn trước đây đều như vậy. Trong quá trình lập danh sách đoàn này, Bộ KH-ĐT chọn, lập và gửi danh sách cho Bộ Công an để thẩm tra thân nhân từng người một.
Sau đó, đề nghị Văn phòng Quốc hội cho đi nhờ chuyên cơ. Ngay sau khi nhận được thông tin từ Hàn Quốc, chúng tôi đã cương quyết gửi văn bản đề nghị Bộ KH-ĐT, Bộ Công an khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng của Hàn Quốc để trục xuất các đối tượng còn lại về.
Bên phía Hàn Quốc phối hợp rất tốt việc này", ông Phúc nói.
Ông nêu rõ, nhà nước luôn luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp xúc, đi ra nước ngoài để tìm cơ hội làm ăn, hợp tác nhưng sang như thế này thì "không tốt tý nào cả".
"Về giải pháp nào thì dứt khoát lần sau không cho đi nhờ nữa và diễn đàn đó họ phải tự tổ chức đi để đảm bảo khỏi hiểu sai cũng như khỏi mang tiếng đi cùng chuyên cơ", ông Phúc nhấn mạnh.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng nhắc lại thông tin, visa của đoàn doanh nghiệp này không phải visa ngoại giao mà do Bộ KH-ĐT kết hợp với công ty du lịch để làm, cho đối tượng sang.
Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, về việc tại sao không công khai danh sách 9 người bỏ trốn?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, về danh sách các thành viên trong đoàn bỏ trốn "tôi không biết ai và cho đến giờ, tôi không biết tên, danh sách nào cả".
Bởi, theo ông, danh sách này do Bộ Kế hoạch - Đầu tư quản lý và hiện nay, Bộ này cầm 9 hộ chiếu.
Ông nói thêm, vừa qua, tại cuộc họp báo Chính phủ, phóng viên đã đặt câu hỏi với Bộ KH-ĐT, Bộ Công an về vấn đề này nên ông không nhắc lại.
Có thể ông Hồ Văn Năm suy nghĩ nhiều, sức khỏe yếu nên xin thôi ĐBQH
Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi về một số trường hợp đại biểu Quốc hội sau bị kỷ luật Đảng, xử lý chính quyền đều được Ủy ban TVQH cho thôi nhiệm vụ Quốc hội như trường hợp ông Hồ Văn Năm, cựu Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.
"Việc xử lý như vậy có ý kiến cho rằng đây không phải hình thức bất tín nhiệm và việc xử lý như vậy không tương xứng với xử lý Đảng, Chính quyền đã thực hiện. Xin hỏi, đến khi nào người dân mới được thực hiện quyền trực tiếp bãi nhiệm quyền ĐBQH đã được luật quy định?", phóng viên hỏi.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin, tại nhiệm kỳ này có thực hiện miễn nhiệm đối với một số ĐBQH với 2 lý do là vì kỷ luật Đảng và do sức khỏe.
"Trong Luật có quy định, nếu ĐBQH có vấn đề về sức khỏe xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH thì Ủy ban TVQH được quyền cho chấp thuận việc này.
Đối với ông Hồ Văn Năm, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai vừa rồi đã bị kỷ luật về Đảng trong thời gian giữ chức vụ Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai trước khi làm ĐBQH và trong quá trình kiểm tra đã phát hiện, xử lý.
Chắc do suy nghĩ nhiều, sức khỏe suy yếu nên ông làm đơn xin nghỉ do không đảm bảo sức khỏe và Thường vụ chấp thuận cho nghỉ.
Về việc thực hiện quyền bãi nhiệm ĐBQH của cử tri trong Hiến pháp, luật có nhưng chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể quy trình cử tri miễn nhiệm như thế nào. Vừa qua, Thường vụ Quốc hội đã giao cho Ban Công tác đại biểu nghiên cứu quy trình này", ông Phúc nói thêm.
Phóng viên tiếp tục đặt vấn đề về tình trạng nhiều ĐBQH sau khi bị kỷ luật về Đảng lại có đơn xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH vì lý do sức khỏe và được UB Thường vụ QH chấp thuận như trường hợp của ông Võ Kim Cự, bà Phan Thị Mỹ Thanh, ông Hồ Văn Năm.
"Điều này khiến nhiền cử tri băn khoăn vì nếu cứ như vậy thì bị kỷ luật cũng làm đơn xin thôi và được chấp thuận. Vậy QH có cơ chế nào để việc xử lý đối với các ĐBQH bị kỷ luật một cách nghiêm minh và thuyết phục được cử tri hơn?".
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, cả 3 ĐBQH trên đều bị kỷ luật về mặt Đảng, còn kỷ luật về hình chính, Nhà nước chưa có. Trong suốt quá trình đó, các ĐB cũng đã nhận thức, suy nghĩ rất nhiều nên có đơn xin thôi.
"Đương nhiên xin thôi thì Quốc hội cho thôi theo đúng quy định", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Trí Thức Trẻ