Tổng thư ký VNBA: Đề xuất sửa Bộ luật Dân sự nâng cao ý thức trả nợ của người vay tiền
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, sửa Bộ luật Dân sự là mấu chốt để nâng cao ý thức trả nợ của người vay tiền tại ngân hàng và các công ty tài chính. Đây cũng là vấn đề gốc rễ, tạo hành lang pháp lý cho các công ty tài chính thu hồi nợ.
- 19-04-2023Sáu ngân hàng, công ty tài chính liên quan vụ đòi nợ thuê 1.000 tỷ ở Tiền Giang
- 07-03-2023Nở rộ đòi nợ khủng bố
- 23-02-2023Chân dung nhóm đòi nợ thuê cho nhiều ngân hàng: Nhận tới 241.000 hợp đồng mỗi tháng, được trả 25 - 35% số tiền thu được
Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang đứng trước cơ hội tăng trưởng lớn trong tương lai khi hoạt động giao dịch thương mại không dùng tiền mặt liên tục tăng trưởng 2 con số, thậm chí là 3 con số trong một vài năm trở lại đây, dư nợ cho vay tiêu dùng cũng tăng trưởng không ngừng.
Theo thống kê của NHNN, tính đến ngày 30/9/2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng thì dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,42 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với cuối năm 2021, chiếm gần 21% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế với 84 tổ chức tín dụng tham gia cho vay. Trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145 nghìn tỷ, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm gần 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, hoạt động cho vay tiêu dùng đã có bước nhảy vọt cả về số lượng tổ chức tham gia, mức độ đa dạng về sản phẩm tài chính tiêu dùng và quy mô dư nợ. Tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân 10 năm 2010-2020 (33,7%) luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế (17,3%).
Thị trường tín dụng tiêu dùng được phân khúc bởi hai nhóm nhà cung cấp chính là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng không phải ngân hàng như: Công ty tài chính tiêu dùng, các tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức cho vay khác… Gần đây, thị trường tài chính tiêu dùng còn được đa dạng hóa hơn với sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính và các hoạt động cấp tín dụng thông qua bán hàng trả chậm của các công ty bán lẻ.
Nhóm khách hàng chủ yếu là những người lao động có thu nhập trung bình thấp, nhu cầu vay vốn cao nhưng không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Đặc biệt, việc vay qua các công ty tài chính là giải pháp tài chính mà không đòi hỏi người dân về tài sản thế chấp hay bắt buộc phải chứng minh thu nhập thì mới được vay.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên thực tế hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng đang gặp nhiều vướng mắc trong hoạt động do các quy định pháp luật chưa chặt chẽ, còn nhiều bất cập, đặc biệt là trong hoạt động thu hồi nợ. Đặc biệt trong bối cảnh thu nhập của người dân giảm sút do tình trạng thiếu việc làm, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, việc thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng lại càng trở nên khó khăn hơn. Để làm rõ hơn những vấn đề mà các công ty tài chính tiêu dùng đang gặp phải và giải pháp, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).
Trước tiên, xin ông đánh giá thực trạng hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng hiện nay ở Việt Nam?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Cần xác định rõ Công ty tài chính do ngân hàng cấp phép hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, khác công ty tài chính cho vay cầm đồ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Bộ luật Dân sự. Hiện có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động chịu sự thanh tra, giám sát của NHNN.
Hai loại hình này khác nhau vì cho vay cầm đồ thì phải có đồ để cầm mới vay được còn công ty tài chính tiêu dùng là cho vay tín chấp. Tuy nhiên, hiện nay cả 2 nhóm này đang gặp không ít khó khăn.
Thực tiễn cho thấy các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động rất hiệu quả, giúp hạn chế tín dụng đen, giảm nạn cho vay nặng lãi, hỗ trợ được người lao động, tháo gỡ khó khăn cho công nhân ở các khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa, nhu cầu tiêu dùng cá nhân, phục vụ ốm đau, thai sản... Có thể khẳng định tài chính tiêu dùng là rất cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên thời gian gần đây xuất hiện nhiều hơn tình trạng, một số phần trăm (%) các đối tượng vay nhưng không muốn trả hoặc sử dụng sai mục đích khiến các công ty tài chính không thể đòi được nợ. Vì vậy đã nảy sinh một số trường hợp có vi phạm trong quá trình thu hồi nợ.
Trước tiên, cần khẳng định, nếu công ty tài chính tiêu dùng cho vay mà dùng hình thức thu nợ theo kiểu xã hội đen là không chấp nhận được. Trường hợp nào vi phạm phải xử lỷ theo luật. Nhưng ngược lại, những công ty nào hoạt động theo đúng Luật Doanh nghiệp và Luật Các tổ chức tín dụngthì phải để họ hoạt động bình thường, việc thanh kiểm tra, kiểm soát cần có sự phối hợp của cơ quan công an với thanh tra giám sát của NHNN (với các công ty do NHNN cấp phép).
Cần lưu ý rằng, thực tế, các công ty tài chính tiêu dùng, ngân hàng có những khoản nợ khó đòi, đã bán nợ cho các công ty khác với giá vốn rất thấp. Khi công ty đó kế thừa khoản nợ, dùng các biện pháp manh động để đòi nợ, thì phải tách bạch giữa công ty tài chính, ngân hàng đã bán nợ và công ty sai phạm trong thu hồi nợ. Nếu có sự thông đồng thì phải xử lý, còn nếu là quan hệ mua đứt bán đoạn thì công ty tài chính, ngân hàng ở đây đã không còn vai trò và trách nhiệm.
Trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng vào cuộc phát hiện ra các sai phạm tại các công ty cho vay tiêu dùng cũng như cho vay cầm đồ, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Nếu doanh nghiệp làm sai, vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm và chúng tôi đồng tình, ủng hộ với các biện pháp của cơ quan chức năng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy rằng tại một số địa phương khi cơ quan chức năng kiểm tra hành chính có sự ra quân nhiều lực lượng có thể gây ra những hậu quả không như mong muốn. Hiện nay đã có tình trạng những người vay tạo nhóm bùng nợ trên mạng xã hội, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia. Hậu quả là các công ty tài chính tiêu dùng không đòi được nợ, các nhân viên thu hồi nợ xin nghỉn việc hàng loạt, "con nợ" trở thành "ông chủ", gây cả áp lực với chủ nợ.
Cần phải thống nhất một nguyên tắc rằng, vay là phải trả và hành động cố tình gây khó khăn khi thu hồi nợ là không thể chấp nhận. Thực tế khi ra toà tranh chấp, người đi vay không có gì vì những người vay công ty tài chính tiêu dùng là người yếu thế, không tiếp cận được vốn ngân hàng, không có tài sản bảo đảm, nay còn mỗi ý thức trả nợ mà họ cũng không có thì làm sao thu hồi được nợ?
Với nhìn nhận của ông, phải chăng hành lang pháp lý trong hoạt động cho vay tiêu dùng, cụ thể là thu hồi nợ hiện còn bất cập và cần phải được nhìn nhận, đánh giá lại?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Đúng là hiện nay đang có khoảng trống trong quy định pháp luật để các công ty tài chính thu hồi nợ khi người vay không có ý thức trả nợ.
Gốc ở đây là Bộ luật Dân sự và một số văn bản quy định pháp luật liên quan quy định về quyền lợi, nghĩa vụ giữa người vay và người cho vay chưa chặt chẽ, bình đẳng. Hiện nay nhiều người dân không có ý thức trách nhiệm về nghĩa vụ trả nợ dẫn tới tình trạng nợ xấu công ty tài chính tăng cao. Giải pháp là làm sao cho người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trả nợ. Nếu thấy lãi suất quá cao, có thể đàm phán với các công ty tài chính để giảm bớt lãi. Nhưng cần xác định nếu một người không trả được nợ, có thể cả gia đình sẽ không thể vay được vốn. Quan hệ giữa người cho vay và người vay là bình đẳng, không thể vì không trả được nợ mà quan hệ trở nên bất bình đẳng (chỉ bảo vệ quyền lợi của con nợ). Việc nhanh chóng tích hợp thông tin dữ liệu trong căn cước công dân là một yêu cầu rất cấp thiết để các công ty tài chính, ngân hàng có dữ liệu khi cấp vốn.
Về việc quản lý đối với các công ty tài chính. Họ được phép cho vay, cũng được phép thu hồi nợ theo đúng quy định pháp luật. Nếu có sai phạm, cơ quan quản lý có thể hoặc là rút giấy phép hoặc là xử lý hình sự.
Cần lưu ý rằng, trong thời gian tới sẽ xảy ra tình huống nhiều người không tiếp cận được vốn vì một nhóm chây ỳ không chịu trả nợ khiến nợ xấu tăng cao, tiền không trở lại ngân hàng và các công ty tài chính buộc phải siết chặt lại điều kiện cấp vốn. Điều này đi ngược lại với mục tiêu tài chính toàn diện mà Đảng và Chính phủ đang hướng tới.
Việc xem xét sửa Bộ luật Dân sự để có sự đồng bộ với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết 42 cần đặt trách nhiệm của người vay lên hàng đầu. Trách nhiệm của người vay vốn là phải trả nợ, nếu không trả thì phải xử lý như thế nào với những chế tài thực sự khả thi, có hiệu quả đảm bảo quyền lợi cho các quan hệ dân sự. Cũng cần đặt lại vấn đề tại sao khi ngân hàng thu nợ thì người vay chây ỳ không trả nợ, tới khi công ty mua nợ thu nợ theo hình thức "manh động", thậm chí vi phạm pháp luật lại đòi được nợ?
Xin cảm ơn Ông!
Nhà đầu tư