Tonga "thiệt hại diện rộng" sau trận núi lửa phun kèm động đất, sóng thần
Vụ núi lửa phun trào ở Tonga gây thiệt hại đáng kể cho thủ đô quốc đảo này nhưng hiện chưa rõ mức độ do thông tin liên lạc vẫn bị hạn chế hôm 17-1.
- 17-01-2022Cụ bà 'bị choáng' sau khi nhặt được tờ ngân phiếu 24 triệu USD trên đường
- 30-08-2020Đưa hơn 690 công dân Việt Nam từ Australia, New Zealand, Tonga và Nhật Bản về nước an toàn
- 13-01-2020Núi lửa Taal ở Philippines phun cột tro bụi cao 15 km, nguy cơ động đất và sóng thần cận kề
Vụ phun trào diễn ra hôm 15-1 mạnh đến mức được cảm nhận trên khắp thế giới và thậm chí còn được nghe thấy ở tận Alaska. Nó còn gây ra sóng thần tại các bờ biển Thái Bình Dương từ Nhật Bản đến Mỹ.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết thủ đô Nuku'alofa của Tonga bị thiệt hại nặng nề nhưng chưa có báo cáo về thương vong.
Sau khi liên lạc với Đại sứ quán New Zealand tại Tonga, bà Ardern cho biết: "Sóng thần đã gây ảnh hưởng đáng kể đến vùng bờ biển phía Bắc Nuku'alofa với các tàu thuyền và những tảng đá lớn dạt vào bờ. Nuku'alofa bị bao phủ trong một lớp bụi núi lửa dày đặc".
Vụ núi lửa phun trào ở Tonga gây thiệt hại đáng kể cho thủ đô quốc đảo này. Ảnh: Twitter
Theo bà Ardern, Tonga đang cần nước vì tro núi lửa gây ô nhiễm nguồn nước trên đảo. Hiện chưa có thông tin gì về thiệt hại ở các đảo phía ngoài nhưng New Zealand đã điều một máy bay trinh sát của lực lượng không quân ngày 17-1 để hỗ trợ đánh giá tác động ban đầu đối với khu vực.
Thủ tướng Úc Scott Morrison cam kết hỗ trợ Tonga sớm nhất có thể nhưng cho biết tro bụi núi lửa đã cản trở các nỗ lực cứu trợ.
Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Thái Bình Dương của Úc Zed Seselja cho hay các báo cáo ban đầu cho thấy không có thương vong hàng loạt và sân bay "dường như trong tình trạng tương đối tốt" nhưng có thiệt hại đáng kể đối với hệ thống cầu đường.
Tonga đang cần nước vì tro núi lửa gây ô nhiễm nguồn nước trên đảo. Ảnh: Twitter
Ông Seselja cho biết Úc đang liên lạc với Mỹ, New Zealand, Pháp và các quốc gia khác để phối hợp đối phó thảm hoạ.
Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã cam kết hỗ trợ trong khi Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc cho biết họ đang chuẩn bị nguồn cung hàng thiết yếu đến hiện trường.
Hình ảnh núi lửa phun trào ở Tonga. Ảnh: Twitter
Vụ việc đã khiến nhiều nơi ở Thái Bình Dương ban bố cảnh báo sóng thần.
Tại Chanaral, Chile - cách đó hơn 10.000 km - ghi nhận những con sóng cao 1,74 m trong khi những cơn sóng nhỏ hơn cũng được ghi nhận dọc bờ biển Thái Bình Dương từ Alaska-Mỹ đến Mexico.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ghi nhận vụ phun trào hôm 15-1 tương đương với một trận động đất mạnh 5,8 độ Richter.
Cảnh sát Peru thông báo trên Twitter rằng các nhân viên ở sở cảnh sát bãi biển Naylamp đã phát hiện hai nạn nhân tử vong do đuối nước ở khu vực Lambayeque. Giới chức Peru cũng đưa ra cảnh báo về sóng cao bất thường trong khu vực và không thích hợp để tắm biển.
Một số ngôi nhà và cơ sở kinh doanh tại các khu vực bờ biển ở miền Bắc và miền Trung Peru bị ngập trong nước biển. Hơn 20 cảng tại Peru tạm thời đóng cửa như một biện pháp phòng ngừa.
Người Lao Động