Top 10 chứng khoán tăng/giảm mạnh nhất tuần 13-17/4: Có mã tăng gần 140%
Cổ phiếu WTC của Vận tải thủy - Vinacomin ghi nhận mức tăng mạnh nhất với 137,5% trong tuần giao dịch 13-17/4.Nhiều cổ phiếu có thanh khoản kém tăng giá mạnh với hơn 45%.
Tuần giao dịch 13-17/4, nhà đầu tư có tâm lý khá tích cực, dòng tiền đẩy mạnh vào thị trường đã giúp cho các chỉ số tiếp tục đà tăng điểm dù đôi lúc xuất hiện những nhịp rung lắc, điều chỉnh. Bên cạnh đó, trong phiên giao dịch cuối tuần chứng kiến sự bứt phá của nhiều cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ. Có thể kể đến các cổ phiếu nhóm bất động sản, thực phẩm... như DXG, LHG, LCG, MML, DBC, PSL, AFX… đều tăng trần.
Theo đó, VN-Index đóng cửa tuần ở mức 789,60 điểm, tăng 31,66 điểm so với phiên cuối tuần trước, tương đương với mức tăng 4,18%. HNX-Index tăng 3,08% so với tuần trước, lên 110,46 điểm.
Đứng đầu trong danh sách tăng giá mạnh nhất HoSE là HOT của Du lịch-Dịch vụ Hội An ( HoSE: HOT ) với gần 40%. HOT đã có trọn vẹn 5 phiên tăng trần của tuần này từ 27.700 đồng/cp lên 38.700 đồng/cp với mức thanh khoản trung bình chỉ đạt 100 cổ phiếu/phiên. Tiếp theo sau là cổ phiếu DTA của Đệ Tam ( HoSE: DTA ) với mức tăng 39%. Đệ Tam cũng có 5 phiên tăng trần trong tuần này. Tính rộng ra thì DTA đã có 7 phiên tăng trần liên tiếp. Cổ phiếu DTA tăng mạnh sau khi công ty công bố niêm yết bổ sung gần 860.000 cổ phiếu, nâng số lượng chứng khoán sau khi thay đổi niêm yết lên hơn 18 triệu cổ phiếu.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.
34,3% là mức tăng thuộc về DBC của Dabaco Việt Nam ( HoSE: DBC ). Dabaco có 10 phiên tăng giá liên tiếp từ 18.600 đồng/cp lên 28.000 đồng/cp. Trước đó, công ty công bố doanh thu quý I đạt 3.248 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt trên 340 tỷ đồng. So sánh với kết quả quý I/2019 là 1.769 tỷ doanh thu và 20 tỷ đồng lợi nhuận, Dabaco ghi nhận lợi nhuận gấp 17 lần so với cùng kỳ, hoàn thành 74% kế hoạch năm.
Trên HNX, MPT của Tập đoàn Trường Tiền ( HNX: MPT ) tăng mạnh nhất với 55,6%. Trong tuần này, MPT ghi nhận 5 phiên tăng trần liên tiếp. Trước đó 1 tuần, công ty công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2019 với doanh thu đạt 163,5 tỷ đồng, tăng 41,3% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế giảm đến 90,6%, đạt gần 2,5 tỷ đồng. Đứng ngay sau là cổ phiếu VC1 của Xây dựng số 1 ( HNX: VC1 ) với gần 41%. 2 cổ phiếu khác cũng có mức tăng khá ấn tượng là SAF của Lương thực Thực phẩm Safocoa ( HNX: SAF ) và HBS của Chứng khoán Hòa Bình ( HNX: HBS ) với giá trị lần lượt là 37% và 26,3%. Các cổ phiếu này thường xuyên trong tình trạng kém thanh khoản với trung bình mỗi phiên khớp lệnh khoảng 500 cổ phiếu.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX. |
Tại UPCoM, cổ phiếu WTC của Vận tải thủy - Vinacomin ( UPCoM: WTC ) ghi nhận mức tăng mạnh nhất với 137,5% nhưng thường không xuất hiện giao dịch. Mức tăng của WTC có thể mạnh như trên là nhờ vào việc biên độ của phiên 13/4 lên đến 40% do trước đó cổ phiếu này không xuất hiện giao dịch trong 25 phiên liên tiếp. Theo sau là cổ phiếu CCA của Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ ( UPCoM: CCA ) với gần 90% và PWS của Cấp thoát nước Phú Yên ( UPCoM: PWS ) tăng 74,5%. Đa số các cổ phiếu tăng mạnh trên sàn UPCoM thường xuyên trong tình trạng thanh khoản kém.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM. |
Ở chiều ngược lại, ABS của Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận ( HoSE: ABS ) giảm mạnh nhất HoSE với 30,1%. Cổ phiếu ABS đã có trọn vẹn 5 phiên giảm sàn trong tuần này. Tính rộng ra thì ABS đã có 6 phiên giảm sàn liên tiếp. Điều đáng chú ý là trước đó, ABS đã có chuỗi 14 phiên tăng trần liên tiếp từ 14.800 đồng/cp lên 35.200 đồng/cp sau khi chính thức niêm yết trên HoSE ngày 18/3. Đứng thứ 2 trong danh sách là cổ phiếu TCO của Vận tải Đa phương thức Duyên Hải ( HoSE: TCO ) với mức giảm 23,7%. Cổ phiếu này thường không có giao dịch và trung bình mỗi phiên khớp lệnh khoảng 10 cổ phiếu.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE. |
Đối với HNX, TTL của Tổng Công ty Thăng Long ( HNX: TTL ) là cổ phiếu giảm mạnh nhất với 32,5%. TTL có 4/5 phiên giảm sàn trong tuần này và đóng cửa tuần ở mức 7.900 đồng/cp. 2 cổ phiếu khác là KMT của Kim khí miền Trung ( HNX: KMT ) và L18 của Đầu tư và Xây dựng số 18 ( HNX: L18 ) với mức giảm lần lượt là 18,5% và 18,1%. Các cổ phiếu trên đều trong tình trạng kém thanh khoản với khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên khoảng 100 cổ phiếu.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX. |
Trên UPCoM, 39,4% là mức giảm mạnh nhất thuộc về cổ phiếu PCN của Hóa phẩm dầu khí DMC - miền Bắc ( UPCoM: PCN ). Trong tuần, công ty công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đồng thường niên năm 2020 với kế hoạch doanh thu dự kiến đạt 23,5 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với thực hiện năm 2019 và đặt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế bằng 0 so với mức âm 7,7 tỷ đồng của năm trước. Các cổ phiếu khác như PCF của Cà Phê Petec ( UPCoM: PCF ) hay L44 của Lilama 45.4 ( UPCoM: L44 ) có mức giảm khá mạnh với 38,3% và 37,5%. Đa số các cổ phiếu giảm mạnh trên UPCoM đều thường xuyên trong trạng thái đóng băng thanh khoản.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM. |
Người đồng hành