MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm Midcap hút dòng tiền

Dòng tiền có sự dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa, nhiều mã có mức tăng trên 20%.DAS của Máy - Thiết bị Dầu khí Đà Nẵng tăng mạnh nhất với 56,2%.

Tuần giao dịch 13-17/7, VN-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm điểm. VHM, VNM và HPG là 3 mã đóng góp nhiều nhất có chỉ số khi lần lượt tăng 1,39%, 1,3% và 2,88%. Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngân hàng VCB, BID, TCB, VPB, MBB… đều tăng giá. Ngoài ra, dòng tiền có sự dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa, nhiều mã có mức tăng trên 20%. VN-Index đóng cửa tuần ở mức 872,02 điểm, tăng 0,81 điểm (0,09%) so với cuối tuần trước. HNX-Index tăng 1,15 điểm (0,99%) lên 116,81 điểm.

Tăng giá

Trên HoSE, DAT của Đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy sản ( HoSE: DAT ) tăng mạnh nhất với 39,5%. DAT đã có trọn vẹn 5 phiên tăng trần tuần này. Tính rộng ra, cổ phiếu này đã tăng trần 21 phiên liên tiếp với mức thanh khoản trung bình đạt 100 cổ phiếu/phiên. Trên thị trường không có nhiều thông tin hỗ trợ cho đợt tăng giá mạnh này của DAT. Quý I, công ty ghi nhận doanh thu đạt 408 tỷ đồng, giảm 18,81% s với thực hiện năm 2019. Lợi nhuận sau thuế giảm 71,72%, xuống mức 4 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 20,4% kế hoạch doanh thu và 10% kế hoạch lợi nhuận.

ACL của Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang ( HoSE: ACL ) tăng 28,3% lên 24.950 đồng/cp. Cổ phiếu này đã có 9 phiên tăng liên tiếp, từ mức giá 22.100 đồng/cp (6/7) lên 32.000 đồng/cp (17/7). Công ty sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 6/8 để trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 120%.

Các cổ phiếu khác như MCP của In và Bao bì Mỹ Châu ( HoSE: MCP ), UDC của Xây dựng và Phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ( HoSE: UDC )… có mức tăng khác tốt với 28,4% và 18,8%...

Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm Midcap hút dòng tiền - Ảnh 1.

Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.

Đối với HNX, SCI của SCI E&C ( HNX: SCI ) tăng 36,4%. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, cổ phiếu này đã tăng 11 trên 13 phiên, từ mức 14.500 đồng/cp lên 23.600 đồng/cp. Mới đây, công ty bị phạt 1,4 triệu đồng do chậm nộp hồ sơ khai thuế so với thời gian quy định.

Theo sau là MDC của Than Mông Dương – Vinacomin ( HNX: MDC ) tăng 33,3%. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã mua 18.000 cổ phiếu trong tổng số đăng ký mua hơn 1,1 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, công ty sẽ chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền tỷ lệ 6%. Thời gian thanh toán 23/7.

Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm Midcap hút dòng tiền - Ảnh 2.

Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX.

Tại UPCoM, DAS của Máy - Thiết bị Dầu khí Đà Nẵng ( UPCoM: DAS ) tăng mạnh nhất với 56,2%. DAS đã có 3 trên 5 phiên tăng trần trong tuần này. Ngày 8/7, nhiều lãnh đạo công ty đều đăng ký bán cổ phiếu DAS, trong đó, Nguyễn Đình Phúc, Ủy viên HĐQT đăng ký bán hơn 165.708 cổ phiếu, Nguyễn Văn Trung, Ủy viên HĐQT đăng ký bán 11.400 đơn vị… hay cổ đông lớn Thân Hà Nhất Thống đã bán  255.150 cổ phiếu và không nắm giữ cổ phiếu nào sau giao dịch.

DTP của Dược phẩm CPC1 Hà Nội ( UPCoM: DTP ) tăng 49,5%. Cổ phiếu này mới xuất hiện giao dịch gần đây kể từ khi niêm yết trên UPCoM ngày 18/6. Quý I, công ty ghi nhận doanh thu 136,4 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 15,7% lên 34,5 tỷ đồng.

Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm Midcap hút dòng tiền - Ảnh 3.

Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM.

Giảm giá

Ở chiều ngược lại, L10 của Lilama 10 ( HoSE: L10 ) giảm mạnh nhất trên HoSE với 12,8%. Giữa tháng 6, công ty bị phạt hơn 465 triệu đồng do kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Bên cạnh đó, Lilama 10 cũng bị truy thu gần 2.500 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền chậm nộp.

CEE của Xây dựng Hạ tầng CII ( HoSE: CII ) giảm 11,4%. Cổ phiếu CEE bị đưa vào diện cảnh báo từ 22/4 do công ty có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2019 là âm 63,76 tỷ đồng.

Tiếp theo trong danh sách là SJF của Đầu tư Sao Thái Dương ( HoSE: SJF ) giảm 10,8%. Đầu tư HAFA thông báo, trong các ngày từ 29/6 đến 2/7 HAFA đã liên tục bán ra tổng cộng gần 6,5 triệu cổ phiếu SJF, giảm lượng sở hữu từ hơn 9,72 triệu cổ phiếu (12,27% vốn) xuống còn hơn 3,22 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,08% vốn) và không còn là cổ đông lớn của Sao Thái Dương.

Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm Midcap hút dòng tiền - Ảnh 4.

Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE.

Trên HNX, LO5 của Lilama 5 ( HNX: LO5 ) giảm mạnh nhất với 33,4%. LO5 liên tục giảm sàn trong 7 phiên gần đây, từ mức 3.300 đồng/cp xuống 1.800 đồng/cp. Quý I, Lilama 5 ghi nhận doanh thu 7,8 tỷ đồng, giảm 80,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế âm gần 26,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 38,3 triệu đồng. Năm 2020, công ty đặt doanh thu dự kiến 160 tỷ đồng và lợi nhuận trước thế bằng 0.

Các cổ phiếu khác như NHP của Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP ( HNX: NHP ) giảm 28,6%, HEV của Sách Đại học - Dạy nghề ( HNX: HEV ) hay TKU của Tung Kuang ( HNX: TKU ) đều giảm hơn 18% dù không có nhiều thông tin tác động trong thời gian qua.

Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm Midcap hút dòng tiền - Ảnh 5.

Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX.

Đối với UPCoM, SPB của Sợi Phú Bài ( UPCoM: SPB ) giảm 53,8%. Mới đây, Bông Việt Nam ( UPCoM: BVN ) thông qua Nghị quyết HĐQT về việc bán toàn bộ gần 2 triệu cổ phần của công ty tại Sợi Phú Bài, chiếm 20,39% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Sợi Phú Bài.

DNB của Công ty TNHH MTV Sách và Thiết bị trường học tỉnh Đắk Nông ( UPCoM: DNB ) giảm 40% sau 1 phiên (16/7) với khối lượng khớp lệnh 40.000 cổ phiếu. Nguyên nhân do cổ phiếu DNB đã không xuất hiện giao dịch trong 25 phiên liên tiếp. Ông Ngô Xuân Hà, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc của công ty đăng ký mua 40.000 cổ phiếu DNB theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Thời gian dự kiến từ 2/7 đến 23/7.

Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm Midcap hút dòng tiền - Ảnh 6.

Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM.

Theo Hải Triệu

Người đồng hành

Trở lên trên