Top 10 Techfest 2021 không có tên Hanagold, "tiệm kim hoàn 4.0" vừa lên Shark Tank
Trước các ý kiến của dư luận, Hana Ngô vẫn bảo vệ quan điểm "Nước trong quá thì không có cá", và nếu cơ hội rõ ràng quá thì không đến lượt mình. Bất kì một hình thức kinh doanh nào cũng cần thời gian để chứng minh mô hình.
Ban Tổ chức Techfest 2021 đã rất ngạc nhiên trước thông tin trên truyền thông về việc Hanagold, mô hình "tiệm kim hoàn 4.0" vừa lên sóng Shark Tank tập 1 đoạt giải 3 Techfest 2021.
Tháng 11/2021, một số tờ báo tại Việt Nam đăng tải thông tin dưới dạng bài thương mại về việc Hanagold đoạt giải ba cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp Techfest 2021 nhờ giải pháp số hóa kinh doanh vàng bạc đá quý.
Chúng tôi đã tìm hiểu với Ban tổ chức của Techfest thì được biết top 10 của Techfest 2021 hoàn toàn không có tên này. Top 10 Techfest 2021 bao gồm: Otrafy Inc, JoyTu.be, NanoNeem, AkaBot, Woay, ISOFHCARE, Save Money, Salework, OLLI, MyLeague.
Trong đó, 3 đội thi xuất sắc nhất của Techfest 2021 là Quán quân Otrafy Inc (nền tảng SaaS dành cho doanh nghiệp tự động hóa việc thu thập, lưu trữ và chuyển dữ liệu chứng nhận trên toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm).
Giải Á quân 1 thuộc về đội thi NanoNeem - thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc giúp giải quyết tất cả vấn đề liên quan tới sâu bệnh cho cây trồng, đặc biệt an toàn lành tính, thân thiện với môi trường.
Giải Á quân 2 thuộc về đội thi ISOFHCARE - nền tảng thương mại điện tử chuyên biệt cho lĩnh vực Medtech, giúp kết nối bệnh nhân với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe mọi lúc, mọi nơi.
Trao đổi với bà Ngô Thị Thảo (Hana Ngô), founder kiêm CEO của Hanagold, thực tế năm 2021, Hanagold lọt vào top 60 chung cuộc quốc gia và đạt Giải 3 Bảng có sản phẩm của Làng công nghệ tài chính - Techfest 2021. Thực tế, Techfest 2021 có 16 làng công nghệ, Ban tổ chức đã nhận được hơn 350 hồ sơ đạt tiêu chuẩn từ các đội thi (có người Việt là đồng sáng lập) từ trên 5 quốc gia được gửi về Cuộc thi.
Hanagold đạt giải Ba - Bảng có sản phẩm của Làng công nghệ tài chính Techfest 2021
Công ty cổ phần Vàng Bạc Đá Quý HanaGold thành lập vào năm 2020, là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vàng bạc đá quý.
Hana Ngô, founder kiêm CEO của công ty tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Ngôn ngữ Anh. Cô có 5 năm kinh nghiệm trong quản lý và điều hành dự án, tham gia và hiểu biết sâu về lĩnh vực vàng bạc đá quý tại thị trường Việt Nam. Trước đó, Hana Ngô từng có kinh nghiệm làm việc tại Vietcomabnk, giữ vai trò trợ lý Chủ tịch nhiều công ty tài chính công nghệ và chứng khoán.
Sau 2 năm Covid, Hana Ngô lên Shark Tank gọi vốn 200.000 USD cho 10% cổ phần, định giá công ty 1,8 triệu USD pre-money.
Hana Ngô cho biết Hanagold xây dựng nền tảng website đặc biệt là mobile app cung cấp công cụ cho khách hàng nạp tiền mua vàng tích luỹ từ 100.000 đồng và khi nào đủ 1 chỉ thì ra tiệm vàng để nhận vàng vật chất về. Hanagold còn muốn nhân rộng mô hình bằng các cửa hàng nhượng quyền với chi phí 500 triệu đồng để mở một tiệm kim hoàn.
Hana Gold thành lập năm 2020 hiện nay có 3 cửa hàng, đã có 15.000 khách hàng tải app, trong đó có 30% khách mua vàng. Tầm nhìn của startup này là trở thành thương hiệu vàng quốc dân vào năm 2025.
Hana Ngô cho biết vốn điều lệ công ty hiện nay là 10 tỷ, cô nắm giữ 60% cổ phần, công ty hiện có 3 cổ đông. Từ tháng 1 – tháng 3/2022 doanh thu công ty được 500 - 1 tỷ đồng, công ty đã đầu tư thêm 7 tỷ đồng. Shark Phú cho rằng doanh thu này không bằng "kinh doanh bán áo lót, đồ lót" và với chi phí như vậy thì công ty "đã ăn mòn gần hết vốn chủ sở hữu". Trong khi đó, Shark Bình cho rằng việc nhượng quyền 500 triệu đồng/cửa hàng thì sẽ "bán được mấy miếng vàng, 5 tỷ còn không đủ".
Trước ý kiến của Shark Phú, trả lời báo giới, Hana Ngô cho rằng so sánh như vậy là khập khiễng, "nếu nói thế thì khác nào bảo các startup Fintech (công nghệ tài chính) bỏ dự án về khởi nghiệp bán quần áo lót hết sao. Albert Einstein đã nói: "Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời (con cá đó) sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc". Bất kì một hình thức kinh doanh nào cũng cần thời gian để chứng minh mô hình cả".
Một số bình luận cho rằng Hana Ngô chưa trả lời thỏa đáng các câu hỏi trọng tâm của các Shark - nhất là câu hỏi của Shark Lê Hùng Anh về cơ chế xử lý rủi ro trong mảng vàng ly phải bắt nguồn từ việc xử lý biến động giá hàng ngày.
Trong khi đó, một độc giả cho rằng việc đầu tư vàng theo phương pháp "trả góp" qua app là quá mạo hiểm, rủi ro có thể đến 99%. Nếu lúc giá vàng tăng đột biến, người mua đồng loạt đòi rút vàng trong khi startup không có tiền để trả thì sẽ sụp đổ. Vốn điều lệ 10 tỷ là quá mỏng để kinh doanh vàng vật chất. Chưa kể về vấn đề pháp lý vì kinh doanh vàng vật chất là mảng kinh doanh có điều kiện.
Shark Hưng là người đã chất vấn Hana Ngô rất nhiều về việc mua tích luỹ online sẽ nảy sinh tại nhiều thời điểm, mà giá vàng tại mỗi thời điểm giao hàng biến động khác nhau.
"Trong đầu tư, đặc biệt là đầu tư tài chính, cơ chế rất quan trọng. Ví dụ với 1 quỹ đầu tư thì cơ chế về thu tiền thế nào; đánh giá, phân tích, lựa chọn và quản lý khoản đầu tư ra sao? ... Tất nhiên ở đây vẫn phải có niềm tin nhưng là tin vào điều khoản hay cơ chế, không phải tin vào cá nhân cụ thể." - Shark Phạm Thanh Hưng đưa ra quan điểm.
Trước các ý kiến của dư luận, Hana Ngô vẫn bảo vệ quan điểm "Nước trong quá thì không có cá", và nếu cơ hội rõ ràng quá thì không đến lượt mình.