Top 20 giàu nhất sàn chứng khoán: 4 người có tài sản giảm cả chục nghìn tỷ đồng, nhiều doanh nhân ngành hóa chất, thủy sản, bán lẻ ngược dòng thăng hạng
Top 20 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến ngày 24/6/2022 sở hữu 505 nghìn tỷ đồng, chỉ trong nửa năm, giảm khoảng 20%, tương ứng 126.000 tỷ so với khối tài sản 631.000 tỷ của những người này cuối năm 2021.
- 20-06-2022Vì sao tỷ phú Trần Đình Long tự tin khẳng định Hoà Phát sẽ "là người chịu thiệt hại cuối cùng" nếu ngành thép đi xuống?
- 08-06-2022Cú làm giàu chớp nhoáng của ông chủ các hãng giao đồ ăn: Thành tỷ phú nhờ đại dịch, sau 2 năm chỉ còn là triệu phú, nguy cơ sụp đổ đã hiện hữu
- 31-05-2022So sánh khả năng sinh lời giữa Vinhomes và Novaland của 2 tỷ phú bất động sản giàu nhất Việt Nam
Thị trường chứng khoán Việt Nam nửa đầu năm 2022 biến động liên tục khi các chỉ số thị trường lần lượt giảm mạnh và mất các mốc điểm quan trọng.
Cú lao dốc của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua cũng khiến bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam có sự thay đổi lớn so với năm 2021. Tính đến ngày 21/6/2022, có gương mặt đã mất thứ hạng cao như tỷ phú Trần Đình Long không còn đứng vị trí thứ 3 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán, tuy nhiên có người lại tăng tốc mạnh mẽ như Chủ tịch Hóa chất Đức Giang (DGC) hay Chủ tịch Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC).
Cụ thể, người có tài sản lớn dẫn đầu thị trường chứng khoán là ông Phạm Nhật Vượng với tổng tài sản 165,7 nghìn tỷ đồng, suy giảm 21% so với mức 210,1 nghìn tỷ đồng năm 2021.Tỷ phú giàu nhất Việt Nam hiện trực tiếp sở hữu gần 986 triệu cổ phiếu Vingroup và đồng thời sở hữu phần lớn cổ phần của Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, pháp nhân nắm giữ hơn 1,1 tỷ cổ phiếu và là cổ đông lớn nhất của Vingroup.
Với việc ông Bùi Thành Nhơn liên tục có những giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu Novaland sang CTCP Novagroup và Forbes cũng đã tính tài sản ông Nhơn ở mức 2,7 tỷ USD, chúng tôi đã tính chung lượng cổ phiếu mà Novagroup đang nắm giữ vào tài sản của doanh nhân này.
Theo đó, ông Nhơn và Novagroup đang sở hữu 59.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong danh sách và bỏ khá xa so với những người còn lại.
Đứng ở vị trí thứ 3-4-5 lần lượt chủ tịch Sunshine Đỗ Anh Tuấn, chủ tịch TCB Hồ Hùng Anh và chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang với khối tài sản tương đương, ở mức 34-35 nghìn tỷ đồng.
Gương mặt có tài sản suy giảm đáng kể nhất trong danh sách này là tỷ phú Trần Đình Long khi mất đến 55% tài sản và thay đổi khá nhiều về thứ hạng, cụ thể là từ top 3 xuống top 7 do cổ phiếu HPG thời gian qua biến động mạnh. Thời điểm năm 2021, Chủ tịch Hòa Phát còn sở hữu đến 54,1 nghìn tỷ đồng và hiện chỉ còn 25,4 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Đạt lùi từ vị trí thứ 7 xuống thứ 8, tài sản giảm 28% còn 20,5 nghìn tỷ đồng.
Từ top 13 tiến sâu lên top 9 là Chủ tịch Thế giới di động - ông Nguyễn Đức Tài với khối tài sản 13,5 nghìn tỷ đồng. Ông Tài cũng là gương mặt duy nhất trong Top10 có tài sản tăng so với đầu năm.
Nếu như năm 2021 vị trí này còn thuộc về ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) - Phó Chủ tịch LienViet PostBank với tài sản 25 nghìn tỷ đồng thì hiện tại thứ hạng của ông đã rơi sâu ở vị trí 192. Ngày 13/6 vừa qua, ông cũng đã thoái toàn bộ 87,4 triệu cổ phiếu THD tại Công ty cổ phần Thaiholdings, chính thức không còn là cổ đông.
Vẫn bảo toàn vị trí top 10 là phu nhân Chủ tịch Vingroup - bà Phạm Thu Hương với tài sản 12,7 nghìn tỷ, giảm 21% so với năm 2021.
Các vị trí ở ngoài Top10 hiện đều có tài sản dưới 10.000 tỷ đồng.
Nhóm vị trí từ 11-20 có sự thăng hạng mạnh mẽ của nhiều người như chủ tịch Hóa chất Đức Giang (DGC) tăng từ vị trí 40 lên 12 với tài sản tăng từ 82% lên 8,8 nghìn tỷ đồng.
Chủ tịch Vĩnh Hoàn Trương Thị Lệ Khanh từ vị trí 37 lên 17 hay chủ tịch FPT Trương Gia Bình từ vị trí 33 lên 19.
Nhìn chung theo theo thống kê, chỉ một số ít các doanh nhân trong lĩnh vực sản xuất như hóa chất, chế biến thủy sản hay bán lẻ là đi ngược xu hướng giảm của thị trường chung.
Top 20 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến ngày 24/6/2022 sở hữu 505 nghìn tỷ đồng, chỉ trong nửa năm, giảm khoảng 20%, tương ứng 126.000 tỷ so với khối tài sản 631.000 tỷ của những người này cuối năm 2021.
Gần 1/3 mức giảm này đến từ tài sản của chủ tịch Vingroup với 45.000 tỷ đồng. Chủ tịch Hòa Phát mất gần 29.000 tỷ còn bộ đôi tỷ phú Hồ Hùng Anh - Nguyễn Đăng Quang cũng mất hơn 10.000 tỷ đồng mỗi người. Tính theo phần trăm tài sản, chủ tịch Hòa Phát là người suy giảm mạnh nhất khi mất tới 53% trong khi 3 người còn lại chỉ giảm khoảng 23%.