TOP 5 ngành có thu nhập bình quân cao nhất cả nước
Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2021 của Tổng cục Thống kê, ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức thu nhập bình quân lao động đạt cao nhất trong các ngành kinh tế với 24,5 triệu đồng, xếp thứ 2 là ngành sản xuất và phân phối điện với 18,3 triệu đồng.
- 09-06-2022Top 10 địa phương được đánh giá có cán bộ nhà nước thân thiện và giải quyết công việc hiệu quả nhất
- 08-06-2022Địa phương có thu nhập bình quân đứng thứ 47/63 tỉnh, thành lọt top 10 về sở hữu ô tô có gì đặc biệt?
Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2021 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng một lao động của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2019 đạt 9,3 triệu đồng, tăng 5,8% so với năm 2018.
Xét theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân tháng một lao động năm 2019 cao nhất với 10,8 triệu đồng, tăng 5,4% so với năm 2018; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 8,6 triệu đồng, tăng 5,8%. Xếp sau là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức thấp nhất trong các khu vực kinh tế với 5,6 triệu đồng, tăng 4,7% so với năm 2018.
Đáng chú ý, theo báo cáo, ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức thu nhập bình quân lao động đạt cao nhất trong các ngành kinh tế với 24,5 triệu đồng, xếp thứ 2 là ngành sản xuất và phân phối điện với 18,3 triệu đồng. Top 5 ngành có mức thu nhập cao nhất còn ngành thông tin và truyền thông (17,7 triệu đồng), khai khoáng (14 triệu đồng) và ngành kinh doanh bất động sản (12,3 triệu đồng).
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Báo cáo cũng cho thấy, so với năm 2018, khu vực doanh nghiệp nhà nước có mức thu nhập bình quân tháng một lao động trong năm 2019 đạt cao nhất với 14,2 triệu đồng, tăng 14,2% (trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đạt 13,8 triệu đồng, tăng 16,7%); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 8,3 triệu đồng, tăng 5,6%; khu vực doanh nghiệp FDI 10,1 triệu đồng, tăng 3,8%.
Còn theo quy mô doanh nghiệp, thu nhập bình quân tháng của một lao động năm 2019 tăng dần theo quy mô doanh nghiệp từ siêu nhỏ đến lớn, cụ thể khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ có mức thu nhập thấp nhất với 6,9 triệu đồng/tháng và giảm 55 nhẹ so với năm 2018 (giảm 0,8%); khu vực doanh nghiệp quy mô nhỏ có mức thu nhập 8,1 triệu đồng, tăng 5,7%.
Ngoài ra khu vực doanh nghiệp quy mô vừa với 8,9 triệu đồng, tăng 7,9%; khu vực doanh nghiệp quy mô lớn có mức thu nhập cao nhất đạt 10,2 triệu đồng, tăng 6,2%.
Xét theo địa phương, có 8/63 địa phương có thu nhập bình quân tháng của người lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2019 cao hơn mức thu nhập trung bình cả nước (9,3 triệu đồng/người/tháng).
Chủ yếu các địa phương này có quy mô doanh nghiệp lớn, thuộc các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có 5/63 địa phương có mức thu nhập bình quân tháng của người lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2019 trên 10,0 triệu đồng một tháng, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu 11,5 triệu đồng; TP. Hồ Chí Minh 10,8 triệu đồng; Hà Nội 10,5 triệu đồng; Quảng Ninh 10,1 triệu đồng; Đồng Nai 10,0 triệu đồng.
(Đơn vị: Triệu đồng) Nguồn: Tổng cục Thống kê
55/63 địa phương có thu nhập bình quân tháng của người lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2019 thấp hơn mức thu nhập trung bình cả nước
Trong đó có 3/63 địa phương có mức thu nhập bình quân tháng một lao động dưới 5,0 triệu đồng: Điện Biên 4,7 triệu đồng; Đắk Lắk 4,9 triệu đồng; Sơn La gần 5,0 triệu đồng. Có 52/63 địa phương có mức thu nhập bình quân tháng một lao động trong khoảng từ 5,0 triệu đồng đến 9,3 triệu đồng.
Trong giai đoạn 2016 – 2019, 6/63 địa phương có thu nhập bình quân tháng của người lao động trong doanh nghiệp giai đoạn 2016-2019 trên 9,0 triệu đồng. Những địa phương này bao gồm Bà Rịa - Vũng Tàu 10,3 triệu đồng; TP. Hồ Chí Minh 9,9 triệu đồng; Hà Nội 9,4 triệu đồng; Bắc Ninh 9,2 triệu đồng; Đồng Nai 9,2 triệu đồng; Thái Nguyên 9,1 triệu đồng.
Ngoài ra, theo báo cáo, 4/63 địa phương có thu nhập bình quân tháng của người lao động bình quân giai đoạn 2016-2019 dưới 5,0 triệu đồng gồm: Điện Biên 4,5 triệu đồng; Sơn La 4,7 triệu đồng; Đắk Lắk 4,7 triệu đồng; Bạc Liêu gần 5,0 triệu đồng.
53 địa phương còn lại có thu nhập bình quân tháng của người lao động bình quân giai đoạn 2016-2019 trong khoảng từ 5,0 triệu đồng đến 9,0 triệu đồng