Top 5 phát minh kinh điển của Khổng Minh Gia Cát Lượng vẫn còn dùng tới ngày nay
Nhiều thứ mà hậu thế ngày nay vẫn dùng nhưng ít ai biết rằng đó là phát minh của Khổng Minh Gia Cát Lượng.
- 09-01-2024Top 5 quân sư kiệt xuất của Tam Quốc diễn nghĩa: Chu Du đứng thứ 3, Gia Cát Lượng ngang tài với một người
- 04-01-2024Hỏi: “Mẹ của Gia Cát Lượng mang họ gì?” Ứng viên 9X trả lời được nhà tuyển dụng khen EQ cao, lập tức có việc
- 27-11-2023HỌ đáng thương nhất Trung Quốc: Từng có 15 Hoàng đế nhưng nay lại hiếm hoi, "địch thủ" của Gia Cát Lượng mang họ này
Gia Cát Lượng (181 – 234), biểu tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long, là Thừa tướng, công thần khai quốc, nhà chính trị, nhà ngoại giao, chỉ huy quân sự, nhà giáo dục, và cũng là một nhà phát minh kỹ thuật nổi tiếng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc.
Hình tượng của ông nổi tiếng nhất là qua cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Tam Quốc diễn nghĩa" của nhà văn La Quán Trung. Đặc biệt, trong tác phẩm này, Gia Cát Lượng được khắc họa là một người túc trí đa mưu, liệu sự như thần. Không chỉ là nhà quân sự kiệt xuất, Gia Cát Lượng còn có nhiều phát minh vô cùng thú vị vẫn còn được dùng tới ngày nay. Chúng là gì?
5 phát minh kinh điển của Khổng Minh Gia Cát Lượng vẫn còn dùng tới ngày nay
1. Bánh màn thầu
Sau chuỗi sự kiện "thất cầm thất thả" Nam Man Vương Mạnh Hoạch, Gia Cát Lượng đã hoàn toàn thu phục được vị Man Vương này. Thế nhưng, trên đường về Thành Đô, bất ngờ có chuyện xảy ra. Đó là quân Thục không thể vượt qua sông Lô Thủy, một con sông lớn có nước chảy xiết.
Khi vừa tới sông Lô (tức là Lô Thủy), bỗng thấy mây đen mù mịt kéo đến, cuồng phong nổi lên dữ dội, binh mã không thể nào sang đò được. Khổng Minh bèn dừng lại hỏi, Mạnh Hoạch thưa: "Sông này xưa nay thường bị "Xướng thần" tác oai gây họa, ai qua lại trên sông phải cúng tế mới yên.
Khổng Minh hỏi:
– Tế bằng vật gì?
Mạnh Hoạch đáp:
Trước kia, mỗi khi Xướng thần nổi giận, dân trong nước dùng bảy bảy 49 cái đầu người, với trâu đen dê trắng đem cúng tế, thì tự nhiên sóng sẽ lặng êm."
Khổng Minh không đồng ý, ông cho rằng chiến tranh mới chấm dứt, tang tóc vô số, sao còn giết hại thêm người. Cuối cùng, Gia Cát Lượng đã nghĩ ra kế, ông truyền lệnh mổ trâu đen, dê trắng, sai nhào bột nặn thành 49 cái đầu người, nhét thịt trâu, thịt dê vào bên trong, gọi là "man đầu", để thay thế cho đầu thật.
Canh ba đêm ấy, Gia Cát Lượng sai bày hương án nơi bờ sông Lô, đốt 49 ngọn đèn cầy, dựng cờ trắng chiêu hồn, bày lễ vật trên án, đặt 49 cái "man đầu" dưới đất, rồi đọc bài văn tế chiêu hồn các tướng sĩ chết trận. Lời văn thống thiết, bi ai, mọi người có mặt đều xúc động, lệ sa ròng ròng. Khổng Minh ngước mắt nhìn lên, thấy trong đám mây đen phảng phất có bóng hàng ngàn hồn ma, ông bèn truyền đem tất cả lễ vật đổ xuống sông.
Hôm sau, Khổng Minh dẫn đại quân ra bờ sông Lô, thì thấy trời quang mây tạnh, sóng lặng gió êm, quân binh qua sông yên ổn, người người vui mừng. Món bánh màn thầu ra đời từ đó, rồi được biến chế cải cách qua nhiều triều đại, sau này xuất hiện với nhiều dạng khác nhau.
2. Nỏ liên châu
Nỏ liên châu là một trong những phát minh kinh điển của Gia Cát Lượng. Ông đã chế ra nó khi chuẩn bị đi phạt Ngụy. Vào thời Tam Quốc, quân Thục được đánh giá là yếu nhất trong 3 nước Ngụy, Thục, Ngô, khi số lượng binh lính chỉ bằng 1/10 so với số lượng quân của Tào Tháo, và bằng 1/5 quân của Tôn Quyền. Chính vì thế, Gia Cát Lượng đã sáng chế ra nỏ liên châu để đối phó với quân lính số lượng nhiều. Loại nỏ này tên được làm bằng sắt, dài 8 tấc, mỗi nỏ bắn liên tiếp ra 10 mũi tên, uy lực mạnh tới mức được xem là binh khí hàng đầu lúc bấy giờ. Sau này, nỏ này còn được gọi là nỏ Thôi Sơn hay nỏ Gia Cát.
Vào năm 1964, các nhà khảo cổ đã khai quật được một máy nỏ bằng đồng ở xã Thái Bình, gần Thành Đô, Trung Quốc. Chiếc nỏ được ghi làm vào ngày 30 tháng 2 năm Cảnh Diệu thứ 4 thời hậu chủ Lưu Thiện (tức 27 năm sau ngày Gia Cát Lượng mất). Loại nỏ này chính là loại nỏ mà Gia Cát Lượng đã cải tiến.
3. Bàn cờ Khổng Minh
Gia Cát Lượng cho rằng, nếu quân lính chỉ có luyện binh đao, trận pháp hay cung kiếm thì quá nhàm chán. Vì thế ông đã phát minh ra một loại cờ giúp quân sĩ giải trí, ngày nay gọi là bàn cờ Khổng Minh.
Luật chơi trò này khá đơn giản, bộ bàn cờ được xếp gồm 32 quân cờ vào ô, trừ ô ở giữa. Các quân cờ chỉ được phép đi ngang hoặc đi dọc, các quân cờ chỉ được phép nhảy 1 bước (không được đi mà bắt buộc phải nhảy qua 1 ô), sau đó bỏ đi quân cờ bị nhảy qua. Nhiệm vụ cuối cùng của người chơi là đi cho đến khi trên bàn cờ chỉ có 1 quân cờ và quân cờ đó nằm ở ô trung tâm.
4. Đèn Khổng Minh
Gia Cát Lượng phát minh ra loại đèn này nhằm truyền tín hiệu quân sự khi bị vây hãm bởi quân đội nhà Ngụy của Tư Mã Ý ở Bình Dương. Sau khi nhận được mật báo trên bọc giấy của cái đèn, quân tiếp viện đã nhanh chóng tới giải cứu Khổng Minh và binh lính. Nhiều người nói rằng, hình dáng của chiếc đèn giống với chiếc mũ mà Gia Cát Lượng thường đội nên nó được đặt là đèn Khổng Minh.
Đây là một kiểu sơ khai của khinh khí cầu mà chúng ta đã biết bởi đèn Khổng Minh bay được là nhờ sử dụng khí nóng. Ngày nay người ta vẫn sử dụng Đèn Khổng Minh vào dịp lễ Tết để cầu nguyện. Khí nhẹ làm cho đèn từ từ bay lên, gặp gió nhẹ đèn sẽ bay cao, bay xa, đèn có thể bay cao 1 km và bay xa 5–10 km.
5. Khóa Khổng Minh
Khóa Khổng Minh hay còn được biết đến với tên gọi là khóa bát quái hay khóa Lỗ Ban, vốn là trò chơi dân gian cực kỳ phổ biến của người Trung Quốc. Trong thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng được cho là người đã phát minh ra nó. Thực chất, khóa Khổng Minh là một trò chơi trí tuệ, sử dụng các thanh gỗ được cài vào nhau và thách thức người chơi phải tháo ra.
Cách các miếng gỗ được kết hợp rất tinh tế, khiến việc cài vào khó khăn mà việc tháo ra càng thách thức hơn nữa. Trước đây, khóa Khổng Minh được dùng nhiều trong xây dựng, ngày nay nó ít phổ biến hơn trong việc ứng dụng tương tự nhưng nó đã trở thành một trò chơi thử thách trí tuệ nổi tiếng ở nhiều quốc gia châu Á.
*Nguồn: Sohu, Sina
Đời sống & pháp luật