Top 5 thế giới pickleball, Quang Dương 18 tuổi: Sống ở Mỹ nhưng mê Việt Nam, chất Việt Nam đậm đặc
Năm 2024, người ta dành nhiều từ ngữ để ca tụng, thán phục mỗi khi nhắc đến Quang Dương vì tuổi trẻ tài cao. Công chúng cũng không khỏi trầm trồ, tự hào khi thành tích của Quang Dương đã đưa hình ảnh lá cờ Việt Nam nằm chễm chệ trong bảng xếp hạng của Hiệp hội pickleball chuyên nghiệp (PPA).
- 03-01-2025Hương Giang lại gây choáng với body khẳng khiu, đi tập pickleball dân tình thấy lo lắng
- 30-12-2024Ngôi sao pickleball Quang Dương làm ngay một việc bất ngờ khi đến TP.HCM: “Cơn đau của tôi đã hết hoàn toàn”
- 24-12-2024Gái xinh kể 8 giai đoạn chơi pickleball, từ chơi 6 tiếng 1 ngày đến vỡ mộng vì chấn thương
18 tuổi, nắm trong tay vị trí top 5 tay vợt pickleball thế giới, giành nhiều chiếc cúp danh giá, thậm chí còn có kỳ tích đánh bại những tay vợt hàng đầu.
18 tuổi, trở thành người nổi tiếng, thần tượng với những cú đánh bóng đặc trưng, được người hâm mộ đủ mọi lứa tuổi yêu mến.
Và đó là tuổi 18 của Quang Dương, “thần đồng pickleball” người Mỹ gốc Việt.
“Mình có tên Mỹ, hồi đi học hay thi đấu tennis, mọi người vẫn hay gọi mình là Avatar. Nhưng khi chuyển sang pickleball, bố đăng ký cho mình bằng tên Quang Dương, quốc tịch Việt Nam. Ban đầu cũng không ai quan tâm đến mình cả vì là một gương mặt quá mới. Rồi dần dần qua những trận đấu, mọi người nhớ đến nhiều hơn và gọi mình là Quang Dương luôn. Cảm xúc tự hào lắm, như một nét đặc trưng, thương hiệu riêng nên mình quyết định để tên Quang Dương trong mọi trận đấu”, đó là cách tay vợt pickleball trẻ giới thiệu cùng với niềm tự hào về nguồn gốc Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên tại Mỹ nhưng Quang Dương có ba là người Cần Thơ, mẹ là người gốc TP.HCM nên anh chàng vẫn sở hữu nét Việt Nam không thể lẫn đi đâu được. Các cụ ngày xưa vẫn hay nói: "Quả táo không bao giờ rơi quá xa gốc cây", thành thử ra, Quang Dương có lớn lên trong môi trường như nào thì có ba mẹ người Việt Nam, Quang Dương cũng dần dần hướng mình về Việt Nam.
Hồi nhỏ, Quang Dương chỉ thích ăn đồ Tây nhưng càng lớn, dòng máu Việt Nam trong cậu bạn ngày càng thể hiện rõ ràng. Đặc biệt là sau những lần được cùng gia đình về Việt Nam chơi, Quang Dương nhận ra tình yêu với quê hương, thôi thúc bản thân tìm hiểu thêm về văn hoá, về mọi thứ của Việt Nam. "Không sinh ra ở Việt Nam, nhưng càng lớn, tính cách và mọi thứ ở Quang Dương đều hướng hướng về Việt Nam", ba của Quang Dương nói.
Trong đó, điều khiến ông bất ngờ nhất về con trai của mình chính là hành động bán vợt pickleball để quyên góp số tiền 250 triệu đồng gửi về Việt Nam, hỗ trợ các nạn nhân chịu ảnh hưởng do bão Yagi vào tháng 9 vừa qua. Với một chàng trai 18 tuổi, sống tại Mỹ thì quyết định này càng đặc biệt hơn cả.
"Ý định bắt đầu vào một buổi tối, sau khi trở về nhà và xem được một đoạn clip trên mạng quay cảnh tượng Hà Nội đang phải đối mặt với cơn bão lớn, gió thổi mạnh và mưa lớn. Trong clip đó, họ dùng nhạc nền bài Hello Việt Nam và có thể thấy rác trôi nổi, xe bus hay ô tô Mercedes đều ngập trong nước. Mình cảm nhận dù là ai, lúc đó cũng đều đang phải đối mặt với thiên tai. Đoạn clip đó rất cảm động, đặc biệt là hình ảnh ô tô che chắn cho những chiếc xe máy di chuyển qua cầu. Sau khoảnh khắc xem được đoạn video, mình đã quyết định mình phải làm gì đó để giúp đỡ mọi người, đặc biệt là khi những cô chú anh chị tại Việt Nam luôn chào đón và coi mình như thành viên gia đình họ", tay vợt trẻ nói.
Nói thêm về quyết định này của con trai, chú Đức bất chợt rơi nước mắt, giọng nghẹn lại vì xúc động, xen lẫn với tự hào: "Tôi không nghĩ con lại có những cảm nhận sâu sắc và suy nghĩ lớn như vậy. Tôi thấy điều này còn hãnh diện cả khi nhìn thấy con chiến thắng. Vì thấy con còn nhỏ nhưng đã biết giúp đỡ mọi người còn việc chiến thắng thì là con được huấn luyện nên buộc phải cố gắng là đương nhiên.
Ban đầu con cũng có hỏi tôi về việc mở tài khoản quyên góp nhưng tôi có hướng dẫn con rằng mình tự tìm cách làm, còn lại chỉ kêu gọi và lan tỏa những hành động tích cực đến mọi người. Mới đây nhất, con cũng đã đấu giá được 2 chiếc vợt với giá 510 triệu đồng để ủng hộ vào quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam. Tôi thật sự tự hào vì những điều này".
Có ba mẹ là người Việt nên trong cuộc sống thường ngày, Quang Dương được dạy theo những quan niệm vô cùng thuần Việt. Có một khoảng thời gian, gia đình Quang Dương 6 tháng ở Mỹ, 6 tháng về Việt Nam để đi chơi, thăm thú như một thói quen. Ba của Quang Dương cũng cho hay, dù ông sang Mỹ từ thời niên thiếu, khi trở lại quê hương cũng không còn họ hàng thân thích nhưng ông luôn biết đó là "cái nôi", "cái gốc" của mình và muốn các con cũng phải biết, phải nhớ và tôn trọng điều đó.
"Việt Nam là quê hương của tôi. Với con cũng vậy, tôi luôn muốn con về Việt Nam. Ở nhà, lúc nào tôi cũng nói về Việt Nam với các con. Để các con hiểu và tự do quyết định, bày tỏ tình yêu. Như Quang Dương hiện tại, phải tới 90% con tự tìm hiểu và hướng về Việt Nam. Các cụ nói rồi, cha mẹ giống nào con giống đó, không thay đổi được đâu. Nên dù về Việt Nam không còn ai thân thích nhưng tôi luôn cảm nhận được đây là gốc gác của mình.
Ở bên Mỹ, nếu cha mẹ hướng dẫn đúng, người nước ngoài họ cũng phải nể phục. Mình người Việt nói tiếng Anh như gió chưa chắc họ đã nể phục mà phải nói được tiếng Việt, giữ được nguồn gốc là họ nể. Nhưng tôi không có thời gian để luyện mà tiếng Việt là thứ tiếng nói căn bản ở nhà. Quang Dương thì nhờ pickleball, chat với nhiều người Việt trên mạng nên con đã bắt đầu viết, đánh máy được tiếng Việt. Ngoài ra, việc gặp gỡ, giao lưu với người Việt khiến con tự nhận thức ra được, thay đổi ngày càng rõ rệt hơn và tự muốn trở về Việt Nam để cống hiến".
Quang Dương ở tuổi 18, khi bước ra sân thi đấu, cậu bạn vẫn phải thể hiện mọi sự gan lì khi đối đầu với những tay vợt "sừng sỏ", nơi không có chỗ cho những sai lầm.
Đó cũng chính là câu trả lời cho những thắc mắc tại sao là một "newbie" nhưng Quang Dương có thể đánh bại tay vợt số 1 thế giới Benjamin Johns (Mỹ) đến 2 lần. Thậm chí, chàng trai 18 tuổi đã từng nhận không ít những lời bàn tán, xì xào vì "dám" lật đổ thần tượng của một ai đó, nhưng cuối cùng, cũng phải khiến cho người ta tâm phục khẩu phục.
Để làm được điều này, Quang Dương trải qua không ít những lần huấn luyện cùng ba. Anh chàng kể: "Ba đã huấn luyện mình rất kỹ càng trong việc đối mặt với áp lực khi thi đấu. Do vậy, mình cảm thấy bản thân còn thi đấu tốt hơn khi gặp áp lực. Việc mắc lỗi khi thi đấu, mình nghĩ không ai là không mắc lỗi. Chúng ta chỉ cố gắng mắc ít lỗi nhất có thể. Ba mình luôn muốn như vậy nên nếu mắc sai lầm, kể cả nghiêm trọng, mình cũng cố gắng rũ bỏ, thậm chí nở nụ cười thật tươi và tập trung vào những cú đánh tiếp theo. Mình sẽ tự nhủ rằng hãy tiếp tục cố gắng. Dù cho thua ngay từ séc đầu hay điểm số cách xa đối thủ thì mình vẫn luôn biết phải tiếp tục chiến đấu dù có chuyện gì xảy ra.
Mình luôn giữ tâm thế rằng, mình chơi để thắng chứ không phải chơi để "không - thua" nên sai lầm của đối phương cũng là cơ hội để mình tận dụng và giành chiến thắng. Nhưng không có nghĩa mình thi đấu theo kiểu "máu lạnh". Mình chỉ thể hiện cho đối thủ thấy rằng mình sẽ giành chiến thắng bằng bất cứ giá nào".
Với hàng loạt những thành tích đến liên tục trong vòng chưa đầy 1 năm, Quang Dương được gọi bằng nhiều danh xưng mỹ miều như "ngôi sao đang lên", "thần đồng pickleball',... Tuy nhiên, Quang Dương thừa nhận, anh chàng cảm thấy ngại khi nghe mọi người gọi như vậy bởi bản thân là người sở hữu ít tài năng thiên bẩm về thể thao nhất trong nhà.
"Mình không dám nhận là thần đồng đâu. Hay những mô tả đại loại như tài năng trẻ vụt sáng, ngôi sao,... cũng không dành cho mình. Nhưng mình biết có một người hợp với từ 'thần đồng' hơn chính là Bảo - em trai của mình, em ấy tài năng hơn mình rất nhiều. Còn sự kỷ luật là thứ mà mình nghĩ giúp mình đạt được những gì ở hiện tại. Mỗi ngày mình đều luyện tập chăm chỉ, kể cả trước khi mình trở nên nổi tiếng như hiện tại. Đương nhiên, ba luôn là người giúp mình duy trì sự kỷ luật ấy trong luyện tập, thi đấu".
Khi thi đấu là vậy, còn khi bước ra khỏi sân bóng, Quang Dương vẫn như một đứa con nít được ba mẹ bao bọc. Tay vợt trẻ pickleball top 5 thế giới thì ở nhà vẫn nhõng nhẽo, thương mẹ, yêu em trai và tin tưởng ba số 1.
Ra sân ngạo nghễ, ở nhà Quang Dương cũng nghe nhạc Việt Nam, xem TikTok, đọc truyện,... Bên cạnh đó, anh chàng này còn rất thích nấu ăn, đặc biệt là món phở dù tự đánh giá khả năng chế biến của mình vẫn còn thua mẹ vài bậc. Tuy nhiên vì lịch trình dày đặc nên không phải lúc nào Quang Dương cũng có thời gian riêng cho bản thân. Phần lớn vẫn đều ưu tiên cho việc di chuyển, tham dự các sự kiện liên quan và tập trung luyện tập khi có giải thi đấu.
Quang Dương không nghĩ bản thân là "thần đồng", càng không nghĩ mình là người được chọn để nổi tiếng. Hỏi Quang Dương về hai chữ "sự nghiệp" ở thời điểm này, chàng trai Gen Z vẫn đầy rẫy những mơ hồ. Quang Dương nói, bản thân không nghĩ quá nhiều hay sâu xa chuyện gì mà vẫn tập trung đi theo lộ trình đã có sẵn. Mỗi ngày vẫn là ăn uống, ngủ nghỉ, tập luyện, thi đấu và thỉnh thoảng sẽ đi giao lưu, quảng bá pickleball.
"Mình không nghĩ mình là ai, cũng không nghĩ bản thân là tuýp người được chọn để nổi tiếng. Mình thấy mình vẫn còn trẻ con, cũng không hơn kém với bạn bè hay anh chị em của mình. Mình chỉ rèn luyện chăm chỉ, nỗ lực mỗi ngày. Ở nhà thì mình cũng vẫn phải đi đổ rác như người bình thường thôi, cuộc sống không thay đổi quá nhiều".
Có lẽ vì vậy mà Quang Dương không sợ hào quang "sớm nở tối tàn". Trong suy nghĩ của cậu trai 18, mọi thứ đều đơn giản: "Một cánh cửa đóng lại, sẽ có rất nhiều cánh cửa khác mở ra và lại có thêm cả những cơ hội mới đến với mình. Miễn rằng bản thân không dừng lại, mọi thứ vẫn sẽ vận động tuần tự theo quy luật và những gì mình muốn".
Quang Dương cũng bày tỏ rằng những người hùng không nhất thiết phải làm gì quá mức to tát. Đôi khi, cuộc sống của họ cũng hết sức bình thường nhưng điểm khác biệt chính là biết nắm bắt cơ hội khi có thể.
Trước khi trở thành tay vợt pickleball nổi tiếng, Quang Dương có nhiều năm theo đuổi tennis. Tuy nhiên trong một lần bị chấn thương, cậu bạn chuyển sang chơi pickleball để duy trì thể lực và giải trí cùng em trai thì bỗng "ghiền" và quyết định rẽ hướng.
"Mình bắt đầu với tennis nên từ nhỏ, thần tượng của mình là Novak Djokovic. Mình luôn cố gắng để giống như anh ấy nhưng nếu chỉ được 1% thôi đã đủ vui rồi. Còn với pickleball, thú thật mình chưa từng nghĩ sẽ trở thành vận động viên chuyên nghiệp. Ban đầu chỉ chơi vì sở thích nhưng khi chứng kiến cơ hội phát triển của bộ môn ở cả Mỹ và Việt Nam, mình nghĩ có lẽ đây là thời điểm thích hợp để chuyển hướng. Nếu nói về may mắn, thì may mắn lớn nhất của mình là có bố luôn đồng hành, chỉ hướng trong mọi quyết định từ trước đến nay", Quang Dương chia sẻ.
Đúng thật, "thần may mắn" của chàng trai 18 tuổi, người luôn đứng sau những thành công vang dội ấy, chính là ba của Quang Dương.
Ba của Quang Dương - chú Dương Duy Đức cũng từng có thời niên thiếu "oanh tạc" các giải đấu bóng bàn thanh thiếu niên tại Cần Thơ. Thời điểm đó, chú Đức cũng chỉ khoảng 14, 15 tuổi nhưng cũng giành không ít giải thưởng bóng bàn tại địa phương. Sự nghiệp chưa kịp nở rộ, chú theo gia đình sang Mỹ định cư và bén duyên với các bộ môn khác như tennis, cầu lông,... tất cả đều chơi ở mức chuyên nghiệp nhưng không trở thành vận động viên.
Thể thao mà, dù có thế nào cũng không tắt được ngọn lửa đam mê mà chỉ truyền từ thế hệ này, sang thế hệ khác. Hơn nữa, sống tại Mỹ, việc biết chơi hay chơi giỏi một môn thể thao có thể mở ra cơ hội rất lớn trong học tập. Chú Đức cũng mong muốn con trai sẽ nhận được học bổng từ các trường đại học danh giá nên từ nhỏ đã hướng con ngoài học tập, cần phải biết chơi thể thao. Tất cả mọi môn từ bơi lội, võ thuật, tennis hay hiện tại là pickleball, Quang Dương đều được một tay ba hướng dẫn.
Nói về con đường sự nghiệp của cậu con trai 18 tuổi, chú Đức bày tỏ: "Tôi không định hướng con thành vận động viên pickleball chuyên nghiệp từ đầu. Nhưng ngay khi còn nhỏ, tôi đã dạy con rất nhiều về thể thao vì cuộc sống tại Mỹ, những vận động viên ưu tú sẽ được chọn thẳng vào các trường ĐH nổi tiếng. Khi đánh tennis, con nhận được học bổng của 3 trường ĐH lớn, sau đó mọi thứ diễn ra tự nhiên như một dòng chảy, con đam mê với pickleball, đi đánh giải PPA được nhận hợp đồng lớn, sử dụng những đồng tiền đó để đi học và cứ thế, các cơ hội ngày càng rộng mở với Quang Dương".
Đối với chú Đức, mọi thứ Quang Dương có ở hiện tại là nhờ những nỗ lực cố gắng, chăm chỉ luyện tập mỗi ngày và thêm một chút may mắn. "Thật sự, tôi rất ngại khi nghe mọi người nói con là 'thần đồng'. Không phải đâu, Quang Dương không phải 'thần đồng', cũng không có bất kỳ tố chất sẵn có nào. Mà thứ con trai có là sự chăm chỉ, cần cù mỗi ngày. Và điểm mạnh của con là rất nghe lời ba. Mọi chuyện lớn nhỏ đều hỏi ý kiến của ba, ba nói gì cũng nghe nên rất ít khi con bị lung lay, xoay chuyển mà luôn kiên định", chú Đức nói.
Quang Dương không chỉ nghe lời mà còn tin tưởng ba tuyệt đối. Trong từng câu nói, cử chỉ thường ngày, anh chàng đều không bao giờ quên nhắc đến ba. Thậm chí, những ai xem Quang Dương thi đấu cũng đều dễ dàng nhận thấy sau một pha bóng, cậu bạn sẽ luôn hướng mắt nhìn về phía ba. "Hai ba con gần như giao tiếp bằng ánh mắt, đã quá thấu hiểu nhau đến mức chỉ cần tôi nhìn, Quang Dương sẽ biết phải thay đổi như thế nào, nên làm gì và không nên làm gì", ba của tay vợt bày tỏ.
Ba của Quang Dương cho hay ông huấn luyện con trai giống như một "chiến binh", vào trận xác định là "sống còn" nhưng không bao giờ đặt kỳ vọng bắt buộc con phải top 1 thế giới hay vô địch thiên hạ. "Ngay cả thua, con có thể về và ăn 2 hột vịt lộn tôi vẫn cảm thấy bình thường vì nếu đối phương đánh quá hay thì mình phải chịu. Miễn rằng trận đó Quang Dương đã bỏ hết sức lực, chiến đấu hết mình, còn thắng thua là chuyện… của trời. Tôi luôn dạy con đánh để thắng, không vào sân để cầu hòa hay nghĩ rằng chỉ cần "không - thua". Thực tế, các trận Quang Dương tham gia từ tennis đến pickleball, con đều đánh với trình độ vượt cấp của mình để lúc nào cũng phải nỗ lực, cố gắng. Điều này cũng giúp con hình thành nên sự kiên cường và ít khi bỏ cuộc".
"Quang Dương chơi gì cũng hết sức, không cần phải vô địch thiên hạ hay gì hết. Mọi thứ đều may mắn và cứ tự nhiên tới với Quang Dương. Tôi cũng không sợ rằng con trai nổi tiếng sớm sẽ mất đi ánh hào quang. Vì hào quang hay không cũng vẫn vậy, ở nhà vẫn phải dạ thưa. Tôi cũng dạy con sống bình dị, sống khiêm tốn nên không bao giờ "trèo cao té đau". Còn tôi cũng không sợ con lụi tàn sự nghiệp vì tuổi thi đấu của vận động viên cũng có giới hạn. Sau này con có thể phát triển tiếp theo hướng huấn luyện, mở học viện đào tạo, kinh doanh,... rất nhiều cơ hội miễn rằng không bỏ cuộc", ba của Quang Dương nói thêm.
Trong suốt buổi trò chuyện, khi được hỏi Quang Dương về một câu ca dao tục ngữ mà cậu bạn thuộc, cậu bạn nói: "Hồi nhỏ ba dạy mình nhiều câu lắm, có cả những bài thơ nhưng giờ nhớ nhất vẫn là: Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư".
Còn khi hỏi chú Đức về câu ca dao nằm lòng này của con trai, chú cười và nói: "Thực ra câu này không hẳn tôi dạy nhưng đó là câu nói để đời của Quang Dương. Hồi xưa, con cũng hay cãi lắm nhưng mỗi khi như vậy, đều thất bại. Thành ra từ đó đến giờ không những không bao giờ phản đối lại ý kiến mà còn quá nghe lời. Từ thi đấu đến những vấn đề trong cuộc sống, cái gì cũng sẽ hỏi ba trước tiên".
Có thể nói, ba của Quang Dương là hình mẫu điển hình của một ông bố Việt Nam. Quang Dương cũng nói bố có lúc nghiêm khắc nhưng có lúc lại rất tâm lý. Khi bước vào sân, lúc đó không phải cha - con mà chỉ còn huấn luyện viên - vận động viên. Tuy nhiên sau khi bước ra khỏi cánh cửa, Quang Dương cũng có thể thoải mái nhõng nhẽo, vòi vĩnh ba những sở thích đơn giản của mình.
Dẫu vậy, chú Đức tiết lộ: "Quang Dương là một người rất hướng nội, ít nói và hay giữ trong lòng. Nhưng tôi cũng rất cảm ơn con vì khi cần gì cũng đều tìm đến ba để nói. Mọi chuyện đều là ba, tin ba quá mức. Nên nhiều khi tôi cũng hay đùa con rằng lớn rồi, đi ra ngoài đi, đi chơi đi, kiếm bạn gái đi,... Nhưng đôi khi nghĩ lại, việc nghe lời ba mẹ chính là tính cách rất Việt Nam của Quang Dương".
Phụ nữ số