Top đầu thế giới về xuất khẩu, thuỷ sản Việt Nam vẫn đối mặt hàng loạt hạn chế
Cơ cấu ngành thuỷ sản được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận xét là chưa hợp lý, hệ thống hạ tầng thuỷ sản còn lạc hậu, thiếu đồng bộ…
Ngày 6/11 đã diễn ra phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề về nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham gia trả lời làm rõ các nội dung có liên quan.
Liên quan đến giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, những năm qua ngành thủy sản Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. 10 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu đạt 7,1 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành nhóm nước có giá trị xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, ngành thủy sản còn nhiều tồn tại, hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn thách thức: Quy mô sản xuất còn chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ cấu ngành thủy sản chưa hợp lý, hệ thống hạ tầng thủy sản còn lạc hậu, thiếu đồng bộ. Vốn đầu tư cho hạ tầng thủy sản còn khó khăn. Tổ chức sản xuất của ngành thủy sản chưa hiệu quả, chất lượng và giá trị gia tăng của ngành thủy sản còn thấp. Việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa được chú trọng. Chính sách cho phát triển thủy sản (Nghị định 67) chưa hiệu quả. Đặc biệt là tình trạng đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài vẫn chưa được dứt điểm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, yêu cầu đặt ra là phải phát triển ngành thủy sản Việt Nam thành một ngành sản xuất hàng hóa có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới trên cơ sở khai thác những tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương; khắc phục những tồn tại, khó khăn, thách thức để phát triển bền vững ngành thủy sản, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của người lao động.
Theo Thủ tướng, nhiệm vụ đột phá trong tái cơ cấu ngành thủy sản trong giai đoạn tới chính là tái cơ cấu ngành thủy sản, chuyển mạnh sang nuôi trồng biển nhằm thúc đẩy tăng trưởng thủy sản, chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.
Bên cạnh đó, cần tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch theo Luật Quy hoạch xác định rõ các quy hoạch cần tích hợp vào Quy hoạch vùng và Quy hoạch tỉnh như Quy hoạch hạ tầng thủy sản, giao thông, thủy lợi, điện, thông tin truyền thông, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền…
Ưu tiên vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho các dự án hạ tầng cấp thiết như: cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, các dự án hạ tầng nuôi trồng thủy sản, trong đó tập trung cho khu vực duyên hải và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, điều chỉnh những nội dung còn hạn chế, chưa phù hợp như cơ chế về tín dụng cho ngành thủy sản. Xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển các đội tàu Viễn Dương, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, các chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển nuôi trồng thủy sản.
Trong phần chất vấn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề cập việc giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về khai thác hải sản. Đặc biệt là việc đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài. Theo Phó Thủ tướng, sau khi Uỷ ban châu Âu EC cảnh báo “thẻ vàng” với Việt Nam, dù đã có nhiều chỉ đạo từ Chính phủ nhưng tình trạng đánh bắt cá trái phép vẫn chưa chấm dứt.
“Hiện tại, còn 7 địa phương có tàu cá của ngư dân vi phạm, bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Tuần sau, đoàn công tác của Uỷ ban Châu Âu EC sẽ trở lại Việt Nam để kiểm tra, xem xét có gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam hoặc nâng mức cảnh báo “thẻ đỏ”. Nếu không được gỡ thẻ vàng, thậm chí bị nâng mức cảnh báo “thẻ đỏ” sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu của thủy sản Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển của ngành thủy sản và nền kinh tế của Việt Nam và đời sống người dân”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
BizLive