MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Tốt bụng” không phải là một lời khen: Cố làm người khác hài lòng không phải cách để người ta chấp nhận bạn

01-09-2019 - 20:29 PM | Sống

Tôi luôn nói năng nhẹ nhàng và quả quyết giọng mình không đủ to để lại được những lời quát tháo. Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ được giải quyết dễ dàng nếu các bên liên quan cư xử mềm mỏng và tôi là điển hình cho lối sống “dĩ hòa vi quý”.

“Dám đặt ra những giới hạn là khi bạn có đủ dũng khí để yêu lấy chính mình dù có phải làm người khác thất vọng.” – Brene Brown

Năm lớp 7, gia đình tôi chuyển đến sống tại một thành phố khác nên tôi cũng chuyển trường. Tôi vừa hồi hộp vừa lo vì phải làm quen với môi trường mới, tôi không có bất kỳ người bạn nào. “Nhỡ không ai thích mình thì sao?”, tôi từng nghĩ.

Tuần đi học đầu tiên, lúc nào tôi cũng một mình. Một lần khi đang trên đường tới canteen, có hai cô bạn đã ngoắc tôi lại. Tôi thở phào thầm nghĩ cuối cùng cũng làm quen được bạn mới. Tôi tiến lại gần họ với một nụ cười. Một cô bạn nhướn mày và hỏi: “Bọn này thắc mắc là sao đằng ấy đi lại cứ vênh mặt lên thế? Đằng ấy nghĩ mình giỏi hơn ai hay gì?”. Họ quay ra cười cợt và nói thêm vài câu đáng ghét mà giờ tôi cũng không nhớ rõ nữa. Lòng tôi tan nát. Tôi chưa từng bị bắt nạt bao giờ và cũng không biết cách đối phó với những tình huống như vậy. Tôi ước tôi có thể kể với các bạn tôi đã lấy hết dũng khí để hét vào mặt đám con gái lấc cấc đó rằng chúng thật bất lịch sự. Nhưng tôi đã không làm thế.

Tôi thấy mặt nóng ran và ngực nhói lên một sự khó chịu. Rồi tôi nói xin lỗi. Xin lỗi vì điều gì tôi cũng không biết, nhưng tôi vẫn cất lên lời xin lỗi ngượng nghịu, hy vọng họ nhận ra mình đã sai và quay sang chấp nhận tôi. Thế nhưng họ chỉ im lặng nhìn tôi như thể tôi ở trên trời rơi xuống.

Ngày đó in đậm trong trí nhớ tôi và từ đó về sau tôi luôn nhắc mình rằng để được chấp nhận, mình phải được yêu thích. Tôi cần cẩn trọng với mọi lời nói và hành động để không bị người khác ghét.

Hàng chục năm trôi qua tôi vẫn không bỏ được thói quen làm hài lòng người khác. Nếu ví cuộc sống của mình với một con thuyền, tôi luôn chèo thuyền với nhịp độ ổn định, cẩn trọng không làm gợn sóng mặt hồ đang yên ả.

“Tốt bụng” không phải là một lời khen: Cố làm người khác hài lòng không phải cách để người ta chấp nhận bạn - Ảnh 1.

Ngay từ khi còn bé tôi đã bộc lộ mình là kiểu người không ưa tranh cãi và những tình huống khó xử. Tình yêu sự yên ổn đã ngấm vào máu. Tôi luôn nói năng nhẹ nhàng và quả quyết giọng mình không đủ to để lại được những lời quát tháo. Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ được giải quyết dễ dàng nếu các bên liên quan cư xử mềm mỏng và tôi là kiểu người điển hình với lối sống “dĩ hòa vi quý”. Tôi dễ hòa mình vào phông nền của mọi sự việc, quan sát nhiều và thích đóng vai người ngoài cuộc. Đó là vùng an toàn của tôi. Nhiều năm trời tôi sống ẩn dật kệ đời sự sinh sinh sự, không gây bất kỳ rắc rối nào và cũng không làm ai phải buồn lòng.

Tôi nhìn đời với lăng kính màu hồng. Bản năng tự nhiên là xoa dịu sự bức bối của những người xung quanh và khi không thể giải quyết êm thấm rắc rối nào đó, tôi chọn cách trốn chạy vì ý nghĩ phải nhảy vào giữa những tranh luận cãi vã khiến tôi mệt mỏi. Tóm lại, tôi theo chủ nghĩa “bài-trừ-tranh-cãi”.

Phương châm sống này từng giúp ích cho tôi trong khá nhiều tình huống. Nó giúp tôi khách quan, bình tĩnh và đưa ra quyết định sáng suốt. Tôi luôn nhạy cảm với tâm trạng của những người xung quanh. Tôi dễ dàng nhận ra những điều phức tạp đang ẩn chứa trong các mối quan hệ. Với bản chất hướng nội, tôi đề cao sự im lặng hơn một tá những câu từ.

Tôi biết ơn tính cách này của mình và cũng chỉ giữ ý nghĩ đó cho riêng mình. Tôi ý thức được rằng phần lớn mọi người xung quanh đều đánh giá tôi là “người tốt”. Thế nhưng khi càng ngày càng nhiều người nói về sự “tốt bụng” ấy, tôi nhận ra đó không hẳn là một lời khen.

“Tốt bụng” tức là bạn rất ngọt ngào và hợp tác. Bạn cũng nhã nhặn lịch thiệp nữa nhưng “tốt bụng” không phản ánh niềm tin của chúng ta. Nó cũng không bật mí cho đối phương biết giới hạn của chúng ta là gì.

“Tốt bụng” không phải là một lời khen: Cố làm người khác hài lòng không phải cách để người ta chấp nhận bạn - Ảnh 2.

Khi nghĩ đến những người tôi ngưỡng mộ nhất, tôi nhận ra họ là những người sống thật nhất. Thẳng thắn mà nói thì không phải ai trong số họ cũng là “người tốt bụng”. Họ có cá tính và chính trực. Họ nhiệt huyết và tử tế. Nhưng đó không hẳn là “tốt”. Nhiệt huyết và sự tử tế đòi hỏi bạn có dũng khí và giới hạn. “Tốt” thì không.

Tôi rút ra bài học là để trở nên tử tế và nhiệt huyết thực sự, chúng ta phải đặt ra những giới hạn rõ ràng cho bản thân. Nếu không thì sự “tốt bụng” cuối cùng cũng đẩy bạn đến sự oán giận, điều này hoàn toàn đi ngược lại mục tiêu tốt đẹp ban đầu.

Vậy làm cách nào để thay đổi thói quen này khi chúng ta đã quá quen với việc cố làm vừa lòng người khác?  Đó là một quá trình lâu dài mà ở đó đôi khi chúng ta phải từ bỏ những quy tắc trước nay chúng ta vẫn nghĩ là chuẩn mực của sự lịch thiệp. Chúng ta chân thật và thừa nhận với thế giới về con người thật của mình.

Brené Brown, giáo sư Đại học Houston, Mỹ và cũng là thần tượng của tôi, định nghĩa chân thật là “quá trình luyện tập hằng ngày khi chúng ta thôi cố trở thành mẫu người chúng ta nghĩ mình nên trở thành và chấp nhận con người thật của mình”. Chúng ta phải tìm cách từ bỏ nhu cầu làm hài lòng người khác và dũng cảm thể hiện bản thân.

Bước đầu tiên để sống thật với chính mình là xem xem liệu mình có đang oán giận điều gì không? Đối với tôi, sự oán giận là một dấu hiệu cảnh báo. Nó có nghĩa là tôi chưa rõ ràng về những giới hạn của bản thân. Nó là dấu hiệu cho thấy tôi đang tốn sức lo lắng về việc mình có thể làm phật lòng ai đó.

Bước tiếp theo, hãy tìm hiểu xem nỗi oán giận đó bắt nguồn từ đâu. Đâu là giới hạn bạn vẫn chưa rõ ràng? Có điều gì đó bạn chưa bày tỏ với người khác đang làm bạn buồn lòng không? Bạn có đang kìm nén những cảm xúc của bản thân để tránh làm người khác tổn thương không?

“Tốt bụng” không phải là một lời khen: Cố làm người khác hài lòng không phải cách để người ta chấp nhận bạn - Ảnh 3.

Chúng ta cần làm rõ đâu là những điều chúng ta thấy ổn và không ổn để việc giao tiếp với mọi người cũng được rõ ràng. Chỉ chúng ta mới có thể quyết định những điều mình kỳ vọng trong cuộc sống. Các bạn có thể tham khảo công thức sau để áp dụng cho trường hợp của mình:

1. Mình thấy oán giận vì…

2. Điều đó có nghĩa mình chưa rõ ràng về điều làm mình thấy khó chịu. Đây là giới hạn mình chưa làm rõ…

3. Đây là điều mình thấy ổn…

4. Đây là điều mình không thấy ổn…

Đặt câu hỏi cho bản thân, tôi nhận ra thường thì cảm giác oán giận hay tức tối của mình không nhắm đến người khác mà hướng đến chính bản thân mình. Tôi thấy thất vọng vì mình không thể trung thành với những giá trị mình vẫn đề cao hay mình không dành cho bản thân đủ sự tôn trọng như cách mình vẫn làm với người khác.

Tôi cũng nhận ra rằng việc bạn tôn trọng bản thân, những giới hạn và sự đồng cảm luôn song hành. Khó để một nhân tố tồn tại mà thiếu vắng những điều còn lại. Tránh né, trốn chạy khỏi những tình huống khó xử không tạo nên những giới hạn vững chắc. Mặc dù đó là con đường an toàn, nó thường là ngọn nguồn của mọi sự oán giận và thất vọng.

Sống thật với chính mình cần dũng khí. Học cách đặt ra những giới hạn cũng phải đối mặt với rủi ro. Rủi ro không được ủng hộ, rủi ro bị ghét. Nhưng rủi ro đó rất đáng trải qua nếu cuối cùng chúng ta tìm được sự tôn trọng dành cho chính bản thân mình. Hãy dũng cảm để được sống thật và sống không hoàn hảo. Chẳng phải việc đó cho bạn nhiều tự do hơn là cứ ép mình phải “tốt” hay sao?

Theo Phương Thảo

Trí thức trẻ

Trở lên trên