Tour du lịch nhặt rác từng khiến khách Tây “mê tít” giờ ra sao?
Du khách rất sẵn lòng bỏ ra 5-7 triệu đồng để vừa đi du lịch ngắm cảnh, vừa gom rác bảo vệ môi trường.
- 19-10-2022Ngắm TP.HCM từ trên cao bằng trực thăng, thám hiểm Sơn Đoòng vào top 50 tour du lịch độc đáo
- 23-06-2022Thực hư thông tin cây bàng có tác dụng chữa bệnh, cứu sống hàng trăm chiến sỹ tại Nhà tù Hỏa Lò đang được các tour du lịch quảng bá?
- 27-04-2021Du lịch dịp lễ 30/4 - 1/5: 5 tour du lịch văn hóa không nên bỏ qua cho các gia đình yêu thích tìm hiểu lịch sử đất nước
Tour du lịch nhặt rác
Rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, là vấn đề nan giải ở những địa phương phát triển du lịch. Theo thống kê từ Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Việt Nam là một trong 5 quốc gia châu Á xả rác thải nhựa nhiều nhất ra biển với khối lượng rác thải nhựa dao động trong khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm.
Từ năm 2014, nhiều doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam đã sáng tạo và lồng ghép các hoạt động thu gom rác thải nhựa vào chương trình tour như: Vietravel, Oxalis Adventure Tours, Tiên Phong Travel, Hoi An Kayak Tours, Vietmarks…
Mở đầu cho phong trào du lịch nhặt rác là Công ty lữ hành Vietravel với chùm tour mùa hè “Du lịch môi trường" bao gồm hoạt động thu gom rác thải trên bãi biển Nha Trang. Tiếp đó là Oxalis Adventure Tours với tour Sơn Đoòng, Tiên Phong Travel cùng chiến dịch vớt rác tại suối Yến, chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội)…
Song đơn vị lữ hành đầu tiên biến thu gom rác thành một hình thức du lịch trải nghiệm tính phí lại là Hoi An Kayak Tours. Vào năm 2016, công ty này đã tổ chức tour trải nghiệm chèo thuyền kayak vớt rác trên sông Hoài, Hội An. Mỗi du khách trả mức phí 10 USD để tham gia hoạt động này.
Du khách chèo kayak nhặt rác trên sông Thu Bồn (Ảnh: Hoi An Kayak Tours)
Bên cạnh đó, không ít các địa phương hoặc cơ sở du lịch đã lồng ghép thu gom rác thải vào hoạt động trải nghiệm, ví dụ như đạp xe dọn rác tại bản Lác (Mai Châu) hay gom rác trên các hòn đảo nhỏ ở Cô Tô.
Hiện tại, loại hình tour này đã trở nên phổ biến ở nhiều địa phương. Người dân ở Hội An đã quen với hình ảnh đoàn thuyền kayak vớt rác trên sông mỗi ngày thứ 7, hay một số khách sạn, homestay tại Cô Tô cũng xuất hiện loại hình tour thăm đảo dọn vệ sinh.
Triển vọng tương lai
Đa phần khách nước ngoài tỏ ra hứng thú với loại hình du lịch này. Anh Nguyễn Văn Long, đại diện công ty Hoi An Kayak Tours cho biết, 70% khách hàng đăng ký tour thu gom rác trên sông Hoài, thậm chí, 20 khách đầu tiên “mở hàng” cho tour nhặt rác của Hoi An Kayak Tour vào năm 2017 đều là người ngoại quốc.
Đặc biệt, từ sau khi triển khai mô hình tour dưới hình thức trả phí, rất nhiều cơ quan báo đài, công ty du lịch khắp nơi trên thế giới đã đến phỏng vấn cũng như xin kinh nghiệm để phổ biến cho các doanh nghiệp địa phương.
“Chúng tôi xây dựng một mô hình du lịch trách nhiệm, mang lại lợi ích cho cộng đồng, và môi trường xung quanh, đồng thời có doanh thu nhất định từ một số các nhóm khách du lịch hoặc các tổ chức giáo dục hướng tới những hoạt động bảo vệ môi trường.” - Anh Nguyễn Văn Long chia sẻ.
Khách du lịch tham gia nhặt rác cùng Hoi An Kayak Tours (Ảnh: Nguyễn Long)
Tại đảo Cô Tô, mô hình du lịch thu gom rác thải đã có từ những năm 2018 đến nay vẫn hoạt động. Du khách sẵn sàng chi mạnh tay cho những trải nghiệm du lịch trách nhiệm như tour nhặt rác. Nhiều người sẵn lòng trả từ 5 - 7 triệu/người cho một chuyến khám phá đảo nhỏ kết hợp dọn vệ sinh.
“Đây là một trong những tour du lịch ý nghĩa và thú vị nhất mà gia đình tôi từng trải nghiệm. Con gái tôi đã có được những bài học hay về môi trường. Đặc biệt, sau tour du lịch, chúng tôi cũng tham gia một workshop nho nhỏ để tái chế chai lọ thành các bình hoa.” - Richard Anderson (du khách Anh) hào hứng chia sẻ sau tour nhặt rác tại Cô Tô.
Du khách trải nghiệm tham quan đảo và thu gom rác thải đại dương (ảnh: CoTo Eco Lodge)
Sự thành công của các tour nhặt rác mở ra một lối đi sáng sủa cho bài toán về sự hài hòa giữa bảo vệ môi trường và làm kinh tế du lịch. Việc lồng ghép hoạt động tình nguyện vào mô hình du lịch không chỉ giúp các doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm du lịch mà còn nâng cao nhận thức trách nhiệm của du khách đối với môi trường tự nhiên.
Tổ quốc