Toyota chứng minh đẳng cấp 'vua xe hơi' gần 100 năm tuổi: Tìm ra cách sản xuất thân xe điện trong vài phút, sẽ bứt tốc khiến loạt startup EV choáng váng
Thực tế những gì Toyota đang làm đã được Tesla ứng dụng từ lâu. Tuy nhiên với tiềm lực, kinh nghiệm lâu năm trong ngành xe hơi, tập đoàn Nhật Bản có thể tiếp cận vấn đề với tâm thái hoàn toàn khác.
- 19-09-2023Ảnh thực tế 2 chiếc MG HS 2023 đang làm thủ tục càng củng cố thông tin xe sắp bán tại Việt Nam
- 19-09-2023Học một ‘bí kíp’ của người Nhật, BYD vừa ra tay đã chiếm ngay 1/4 thị phần xe điện Đông Nam Á
- 19-09-2023Biển số xe "siêu đẹp" trúng đấu giá có được bán lại không?
Theo tờ Nikkei Asian Review, hãng Toyota Motor mới đây đã cho ra mắt kỹ thuật mới nhằm trang bị cho các siêu nhà máy sản xuất xe điện của mình.
Cụ thể, khoảng 1/3 thân xe sẽ được sản xuất chỉ trong 3 phút thay vì vài giờ như trước đây, qua đó tiết kiệm chi phí cũng như nâng cao sản lượng của mảng xe điện và đem về lợi nhuận cho Toyota.
Nguyên bản thử nghiệm của chiếc máy sản xuất mới do Toyota phát triển nằm ở nhà máy Myochi trong cuộc trình diễn cho các nhà báo.
Nhôm và nguyên liệu sẽ được làm nóng chảy và đổ vào khuôn, sau đó làm lạnh nhanh chóng từ 700 độ C xuống còn 250 độ C, đông đặc thành một khối đúc duy nhất dưới hình dạng một phần 3 phía sau của ô tô điện.
Trước đây, phần đuôi xe thường được sản xuất với 86 bộ phận riêng biệt trong quy trình 33 bước và mất rất nhiều tiếng để hoàn thành. Thế nhưng kỹ thuật mới này sẽ giúp Toyota tăng nhanh được sản lượng cũng như tiết kiệm chi phí sản xuất.
Theo Nikkei, hãng Toyota dự kiến sẽ nhân rộng kỹ thuật này và đầu tư mở rộng tại các khu nhà máy để cố gắng hoàn thành mục tiêu đạt doanh số 3,5 triệu chiếc xe điện mỗi năm tính đến năm 2030.
Ngoài ra đến năm 2026, Toyota cũng phấn đấu sử dụng kỹ thuật đúc mới này để sản xuất phần khung đầu và đuôi cho xe điện, qua đó đẩy nhanh sản lượng cạnh tranh trên thị trường.
Tăng tốc
Hãng Toyota đã bắt đầu xây dựng các nguyên mẫu đúc thân xe kỹ thuật mới kể từ tháng 9/2022.
Với nền tảng công nghệ phát triển của mình, các kỹ sư Toyota đã giảm thời gian từ nguyên 1 ngày cho kỹ thuật đúc cũ xuống chỉ còn 20 phút thông qua việc giảm thiểu số bộ phận cần tháo rời.
Hiện Toyota đang cố gắng nâng cao 20% sản lượng so với các đổi thủ bằng việc nghiên cứu từ những chương trình phần mềm điều hành cho đến phân tích các khâu của quá trình đúc nhằm cải tiến kỹ thuật.
Tờ Nikkei cho hay áp lực tăng tốc phát triển xe điện đã buộc Toyota phải có những bước tiến chuyển mình nhảy vọt khi đã chậm chân trong mảng mới.
Chính nguyên nhân này đã khiến hãng phải tìm cách tận dụng không gian sản xuất hiệu quả hơn, nâng cao năng suất cho việc hoàn thành những thiết bị xe điện để có thể cạnh tranh trên thị trường.
Tại nhà máy Motomachi của Toyota, một chiếc ô tô có lốp và ắc quy nhưng chưa được hoàn thiện phần thân xe sau khi lắp ráp xong sẽ lái tự động đến một cánh tay robot để lắp ghế.
Những chiếc xe hoàn thiện sẽ tự động di chuyển nhờ chế độ tự lái đến khu vực khác để kiểm tra.
Tất cả các khâu sản xuất trên đều được hoàn thiện tự động nhằm cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả lên mức cao nhất.
Quy trình sản xuất mới này của Toyota không cần băng tải, qua đó thay đổi hoàn toàn cách bố trí nhà máy sản xuất ô tô cũ khiến tốc độ sản xuất nhanh hơn, giảm chi phí đầu tư lẫn nhân công.
Mục tiêu của Toyota hiện đang là giảm một nửa thời gian lắp ráp từ 10 tiếng hiện nay xuống còn 5 tiếng, nhằm tăng tốc sản lượng xe điện ngay khi các nhà máy đi vào hoạt động.
Học tập Tesla
Trên thực tế, việc áp dụng khuôn đúc vào quy trình sản xuất ô tô không phải là mới khi chính Tesla là hãng đi tiên phong thúc đẩy kỹ thuật này.
Giá thành ắc quy cao khiến việc sản xuất xe điện theo quy trình truyền thống không còn đem lại đủ lợi nhuận cho các nhà máy và Elon Musk đã buộc phải áp dụng kỹ thuật đúc khuôn khung xe nhằm giảm chi phí.
Ngoài ra Tesla cũng giới hạn số mẫu xe tung ra để có thể duy trì khả năng sản xuất tự động hàng loạt với số lượng lớn, thay vì liên tục thay đổi quy trình, khuôn mẫu với các dòng ô tô điện mới.
Phía Toyota cho biết với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất ô tô cũng như nền tảng công nghệ, thiết bị hiện có, họ hoàn toàn có thể tiếp cận ngành sản xuất xe điện theo một tâm thái khác so với các startup như Tesla.
“Chúng tôi học hỏi được những cái mới từ các nhà sản xuất xe điện trước để có thể cạnh tranh trên thị trường”, giám đốc sản xuất Kazuaki Shingo của Toyota tự tin nói.
Hiện hãng xe hàng đầu Nhật Bản này đang đặt mục tiêu bán được 1,5 triệu xe điện vào năm 2026, gấp 60 lần doanh số bán của năm ngoái.
Viện nghiên cứu Nakanishi nhận định khoảng 40% số khung xe điện của Toyota sẽ được sản xuất dựa trên nền tảng thiết kế cũ, trong khi số còn lại sẽ được thiết kế mới để phù hợp hơn với thị trường.
Thông thường các thiết kế khung của Toyota có sự cân bằng giữa hiệu quả với độ thoải mái cho người dùng. Thế nhưng những thiết kế và quy trình sản xuất này không còn đem lại hiệu quả và lợi nhuận cho hãng như với xe xăng nữa.
Bởi vậy theo ước tính, Toyota sẽ dùng thiết kế khung mới cũng như quy trình sản xuất mới để sản xuất 1,7 triệu chiếc xe điện trong tổng số 3,5 triệu ô tô điện được bán vào năm 2030.
*Nguồn: Nikkei Asian Review
Nhịp sống thị trường