TP. HCM hướng đến dẫn đầu cả nước về thanh toán không tiền mặt
Theo thông tin từ báo cáo UBND TP. HCM gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về kết quả triển khai Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trong năm 2023, việc thanh toán không tiền mặt tại TP HCM đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, về hoạt động thanh toán thẻ trên địa bàn, đến cuối năm 2023 lượng thẻ đang hoạt động trên địa bàn TP tăng khoảng 10% so với năm 2022. Sản phẩm thẻ nội địa trong nước chiếm 49%, thẻ quốc tế chiếm 51%, tỷ lệ này năm 2022 lần lượt là 56% và 44%; số máy POS đang hoạt động tăng 25% so với năm 2022. Đến cuối năm 2023 tổng số đơn vị chấp nhận thẻ tăng 17% so với năm 2022.
Về hoạt động thanh toán qua ngân hàng điện tử: Việc phát triển đa dạng các kênh thanh toán hiện đại cùng với các tiện ích mang lại đã góp phần gia tăng cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch thanh toán điện tử. Đến cuối năm 2023, số món thanh toán điện tử tăng 52% so với năm 2022.
Theo UBND TP. HCM, với sự ứng dụng công nghệ trong thanh toán, ngành ngân hàng và các công ty trung gian thanh toán ở Việt Nam đã cung ứng đầy đủ các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt bằng các ứng dụng ngân hàng số, ứng dụng thanh toán, mobile money trên các thiết bị di động, rất tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp, không thua kém các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thông tin từ Hội thảo “Thúc đẩy dịch vụ công và thanh toán không dùng tiền mặt tại TPHCM”. cho thấy, trong lĩnh vực y tế, 100% các bệnh viện công của TP. HCM đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; trong lĩnh vực thương mại, 3 chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 48 trung tâm thương mại tại TP. HCM đều tham gia TTKDTM; Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại TP. HCM đã đạt trên 30%...
Chị Đồng Quỳnh Anh, một bà nội trợ ở TP. HCM cho biết, việc các gian hàng trong chợ truyền thống có dán mã thanh toán QR, số tài khoản, ví điện tử… đã giúp vấn đề thanh toán trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn: "Chợ dân sinh giờ cũng có quét mã QR rồi, nên tiện lắm, đi chợ mình thường thanh toán qua Viettel Money, không cần phải mang theo nhiều tiền mặt, đảm bảo an toàn hơn rất nhiều khi mua sắm, di chuyển trên đường".
Ông Lương Tiến, tiểu thương kinh doanh tại chợ Bến Thành cho biết, sau đại dịch, khách đi mua hàng thanh toán bằng cách chuyển khoản rất nhiều. Việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến do thao tác đơn giản, lại tránh được rủi ro tính tiền sai, hay tiền giả.
Hiện, TP. HCM đang hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về TTKDTM. Trong thời gian tới, thành phố rất cần sự đồng hành của 3 bên: Ngân hàng - Chính quyền - Người dân; có như vậy việc phát triển không dùng tiền mặt mới được đẩy nhanh và lan tỏa hơn so với hiện nay.