MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP HCM kiến nghị "cởi trói" gần 700 ha đất

19-07-2021 - 09:21 AM | Bất động sản

Kiến nghị Chính phủ xóa "treo" cho 3 dự án khu công nghiệp của UBND TP HCM không chỉ được người dân ủng hộ mà còn được các chuyên gia đánh giá là kịp thời, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất.

Theo UBND TP HCM, do thời gian "treo" quá lâu, việc thực hiện quy hoạch tại 3 khu công nghiệp (KCN) với diện tích lên đến 675 ha trên địa bàn 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi không còn khả thi. Vì thế, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xóa "treo" nhằm quy hoạch nơi khác khả thi hơn.

Ưu tiên quy hoạch khả thi

Trong 3 KCN được UBND TP HCM kiến nghị xóa khỏi quy hoạch, KCN Bàu Ðưng (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) có diện tích 175 ha, được giao cho một chủ đầu tư từ năm 2008 nhưng 1 năm sau thì công ty này không tham gia đầu tư. Hiện dự án này vẫn chưa có chủ đầu tư và chưa triển khai.

Kế đến là KCN Phước Hiệp (xã Phước Hiệp và xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi), có diện tích 200 ha. Đây là dự án mà năm 2012, UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một công ty nhưng sau đó không triển khai. Hiện khu đất này có 235 căn nhà, còn lại là đất nông nghiệp.

KCN thứ 3 là Xuân Thới Thượng (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), diện tích 380 ha, sau hàng chục năm vẫn chưa có chủ đầu tư. Khu vực này hiện có hơn 2.200 hộ dân, cá nhân, doanh nghiệp với gần 900 căn nhà.

UBND TP HCM nhận định việc chậm triển khai các dự án trên đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân khi hạ tầng xuống cấp không được đầu tư; gây khó khăn trong việc xây dựng, sửa chữa nhà, chuyển mục đích sử dụng đất cũng như bất cập về an ninh, vệ sinh môi trường…, cho nên TP kiến nghị "cởi trói".

Nhận xét về việc này, một lãnh đạo Công ty CP Sản xuất Kinh doanh XNK Dịch vụ & Ðầu tư Tân Bình (Tanimex) - đơn vị quản lý KCN Tân Bình (quận Tân Phú và Bình Tân) - cho rằng 3 KCN trên đã "treo" hơn 10 năm nên bây giờ có triển khai cũng sẽ khó thành công. Bởi lẽ, tổng mức đầu tư dự kiến tại thời điểm 10 năm trước khoảng 3.000 tỉ đồng thì đến nay, số tiền đã tăng gấp 10 lần.

"Ðể có thể thu hồi số tiền này, theo nhẩm tính giá tiền thuê đất sẽ cao tương đương giá thuê văn phòng ở các tòa nhà tại nội thành. Ðiều này đồng nghĩa với khả năng sinh lời gần như không còn. Hơn nữa, việc giải tỏa đền bù rất gian nan và khó khăn. Như vậy thì không nhà đầu tư nào dám "nhảy" vào" - vị lãnh đạo Công ty Tanimex phân tích, đồng thời nhận xét việc UBND TP HCM kiến nghị đưa ra khỏi quy hoạch đối với 3 KCN trên là hoàn toàn hợp lý.

Ðồng quan điểm nhưng ông Nguyễn Thắm, Giám đốc Công ty Sơn Nhật Bản Joco, lại cho biết hiện nay, tất cả các KCN cho phép hoạt động lĩnh vực sản xuất tại TP HCM gần như không còn đất cho thuê. Riêng KCN Tân Bình, KCN Lê Minh Xuân đã "đặt gạch" hồ sơ hơn 5 năm vẫn chưa thuê được đất. Buộc lòng, công ty phải di dời sang tận KCN Ðức Hòa III (huyện Ðức Hòa, tỉnh Long An) dù tất cả kho, trụ sở nằm tại khu vực phía Ðông TP HCM.

"Ðiều này cho thấy nhu cầu thuê đất hoạt động sản xuất tại TP HCM rất cao. Nhiều năm qua, các KCN ở TP HCM đã quy hoạch nhưng chưa triển khai làm mất đi cơ hội phát triển cho doanh nghiệp và TP" - ông Thắm nói và mong muốn TP HCM sớm có hướng giải quyết.

Nắm bắt được thực tế trên, trong kiến nghị gửi Thủ tướng, UBND TP HCM cũng đề xuất bổ sung KCN Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) vào quy hoạch. Với KCN này, trước đây thành phố đề xuất quy mô 380 ha nhưng đến nay điều chỉnh thành 668 ha.

Vị lãnh đạo Công ty Tanimex nêu trên cho rằng việc này rất đúng đắn, bởi đất ở KCN Phạm Văn Hai phần lớn là đất nông nghiệp và bỏ hoang nhiều năm. Ngoài ra, gần KCN Phạm Văn Hai còn có các KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), Tân Tạo (quận Bình Tân) và Tân Ðô, Tân Ðức, Hạnh Phúc (huyện Ðức Hòa, tỉnh Long An), sẽ giúp các công ty dễ dàng liên kết nhau trong quy trình chuỗi cung ứng sản phẩm. Ðặc biệt, tuyến đường Vành đai 3 và các đường cao tốc kết nối hướng Tây TP HCM sẽ giúp việc vận chuyển thuận lợi.

TP HCM kiến nghị cởi trói gần 700 ha đất - Ảnh 1.

Một khu đất rộng lớn nằm trong quy hoạch KCN Xuân Thới Thượng bị bỏ hoang. Ảnh: THU HỒNG


Mong ngóng từng ngày

Những ngày này, đi dọc địa bàn 4 ấp 1, 2, 4, 5 ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (nằm trong dự án KCN Xuân Thới Thượng), chúng tôi ghi nhận hầu như đất nằm trong quy hoạch là những cánh đồng hoang, đầy cỏ dại hoặc được chủ đất cho người dân thuê trồng rau, cỏ với giá trị kinh tế thấp. Ông Nguyễn Văn Tân (sống trên đường XTT4, ấp 4) cho hay quy hoạch treo lâu quá, đến nỗi người dân cũng không nhớ thời gian có quy hoạch. Chỉ biết rằng từ năm 2001, người dân được xã thông báo, từ đó đến nay việc xây cất nhà cửa, tách thửa cũng bị "treo".

Theo ông Tân, gia đình ông có mảnh đất hơn 2.000 m2 nằm trên đường XTT4, tính theo giá thị trường có giá trị gần 16 tỉ đồng. Thế nhưng, hơn 10 năm nay, khu đất này bỏ trống, cỏ hoang mọc đầy vì không thể xây cất hay chuyển mục đích sử dụng đất.

"Do cần tiền trang trải cuộc sống tuổi già, tôi nhiều lần lên xã xin phép được chuyển một phần đất này sang đất ở, xây nhà xưởng cho thuê nhưng cán bộ xã lắc đầu vì quy hoạch "treo". Ðất thì để hoang, người dân phải chạy vạy mỗi tháng để trang trải cuộc sống. Thật vô lý" - ông Tân bức xúc.

TP HCM kiến nghị cởi trói gần 700 ha đất - Ảnh 2.

Ðất mặt tiền nhưng chỉ có thể cho thuê trồng cỏ với giá rẻ. Ảnh: THU HỒNG


Bức xúc không kém ông Tân, khi vừa nhắc đến dự án KCN Xuân Thới Thượng, bà Nguyễn Thị Thơm (sống trên đường Dương Công Khi, ấp 1, xã Xuân Thới Thượng) - người có 1.000 m2 đất nằm trong khu quy hoạch, nói bà "đang sống khổ sở trên đống tiền". "Gia đình tôi có 5 người con, muốn chia đất cho con cái để ra riêng nhưng không được, nhiều đứa phải đi ở trọ tốn kém trong khi đất thì cho người ta thuê trồng rau với giá rẻ bèo, cuộc sống theo đó thiếu thốn trăm bề" - bà cho biết.

Theo ông Tân và bà Thơm, thực trạng trên không chỉ khiến hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh khó khăn, bức xúc mà còn khiến nhà nước mất đi không ít lợi thế có thể khai thác được từ nguồn lực đất đai. "Tôi đang mong từng ngày kiến nghị lần này của UBND TP HCM được Thủ tướng chấp thuận" - ông Tân bày tỏ. Còn bà Thơm thì nói bà đang đếm từng ngày để có thể đường đường chính chính đi chuyển đổi mục đích sử dụng đất rồi chia cho các con cất nhà. "Nhìn mấy đứa nhỏ phải chạy ngược, chạy xuôi lo cuộc sống và trả tiền thuê mướn nhà, thật xót xa" - bà Thơm tâm sự.

Đi dọc đường Nguyễn Thị Rành (ấp Bàu Ðưng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi - nơi có dự án KCN Bàu Ðưng), chúng tôi cũng ghi nhận hàng loạt khu đất bỏ không, cỏ mọc um tùm. Bà Nguyễn Thị Gái, người có 3.000 m2 đất nằm trong khu quy hoạch KCN Bàu Ðưng, bức xúc nói quy hoạch "treo" quá lâu không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân mà còn đến đời sống kinh tế vì nhiều người lớn tuổi, không có khả năng trồng trọt nên đành phải bỏ đất hoang hóa. "Mong Thủ tướng đồng ý xóa "treo" để người dân nơi đây sớm chuyển đổi mô hình chăn nuôi, xây nhà xưởng, từng bước cải thiện cuộc sống" - bài Gái thổ lộ.

Ao ước của người dân có đất bị "treo" bởi dự án KCN Phước Hiệp, huyện Củ Chi cũng không khác người dân ở 2 dự án trên. Ðó là cần sớm chấm dứt tình trạng lãng phí đất đai; chấm dứt nghịch cảnh có đất mà con cái ra riêng phải đi thuê nhà trọ…

Theo UBND TP HCM, tổng quỹ đất công nghiệp của TP được duyệt là 7.000 ha. Hiện nay, 4/23 KCN chưa được thành lập, trong đó có các KCN Bàu Ðưng, Hiệp Phước, Xuân Thới Thượng. Riêng KCN Phạm Văn Hai, trước đây TP đề xuất quy mô 380 ha nhưng đến nay điều chỉnh thành 668 ha, đồng thời với việc xóa bỏ 3 KCN nêu trên.

Vì sao UBND TP HCM chọn KCN Phạm Văn Hai?

Trong tờ trình gửi Chính phủ, UBND TP HCM nêu rõ năm 2018, Chính phủ đã đồng ý cho TP được chuyển đổi khu đất 668 ha tại xã Phạm Văn Hai sang đất công nghiệp.

Theo UBND TP HCM, khu đất này hiện nay là đất nông nghiệp, do Công ty TNHH MTV Cây trồng TP quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế thấp do đất bị nhiễm phèn nặng, luôn bị xâm nhập mặn và ô nhiễm bởi nguồn nước thải từ khu dân cư xung quanh. Do đó, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ phát triển nông nghiệp không hiệu quả sang phát triển công nghiệp tập trung là phù hợp với điều kiện tự nhiên, sử dụng hiệu quả quỹ đất của TP HCM.

UBND TP HCM cũng kỳ vọng KCN Phạm Văn Hai sẽ là KCN có khả năng triển khai nhanh, thu hút đầu tư tốt, có nhiều đặc điểm thuận lợi để phát triển thành một KCN mới có chất lượng và tính cạnh tranh cao.

Theo Lê Phong - Thu Hồng

Người lao động

Trở lên trên