MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP HCM tiến tới đô thị thông minh

05-05-2020 - 09:31 AM | Xã hội

"Đô thị thông minh là một đề án quan trọng mà TP HCM dành nhiều nguồn lực thực hiện hơn 2 năm qua" - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết khi trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động

Phóng viên: Thưa ông, sau hơn 2 năm thực hiện "Đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025", những nền móng đầu tiên đã đạt được là gì?

- Chủ tịch UBND TP HCM NGUYỄN THÀNH PHONG: "Đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025" là một đề án rất quan trọng, xây dựng tập trung vào 4 trụ cột chủ yếu: Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội và Trung tâm an toàn thông tin TP.

Đến nay, diện mạo 4 trụ cột cơ bản được định hình. Cùng với đó là sự hình thành của những "đô thị thông minh thu nhỏ" tại quận 1 và 12. Từ những kết quả khả quan từ 2 đơn vị thí điểm trên, tháng 2-2020, TP triển khai xây dựng thêm 22 dự án đô thị thông minh tại 22 quận, huyện còn lại. Trung tâm điều hành y tế thông minh của Sở Y tế và Trung tâm điều hành giáo dục thông minh của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã được hình thành. Một số lĩnh vực như: giao thông, chống ngập, quy hoạch... cũng đang triển khai các mô hình, ứng dụng thông minh để phục vụ người dân.

 TP HCM tiến tới đô thị thông minh  - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong trao đổi với phóng viên báo chí Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bên cạnh đó, việc triển khai Kiến trúc chính quyền điện tử đã có bước phát triển về cung cấp dịch vụ công trực tuyến và triển khai hệ thống một cửa điện tử, ISO điện tử giúp lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện giám sát được tình trạng xử lý hồ sơ của đơn vị, biết được nguyên nhân trễ hạn thông qua báo cáo tổng hợp tự động. Các mô hình quận, huyện trực tuyến, Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp (1022) được triển khai rộng rãi cũng đã mang lại thuận lợi cho sự tương tác của người dân, tổ chức với các cơ quan nhà nước, cũng như tạo điều kiện tốt hơn để người dân, tổ chức tham gia giám sát, đóng góp ý kiến tham gia xây dựng chính quyền.

Như vậy là 4 trụ cột quan trọng sẽ trở thành bộ khung định hướng cho tất cả các hạ tầng và ứng dụng, ông có thể nói rõ hơn về 4 trụ cột này?

- Kho dữ liệu dùng chung của TP - giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động tại Công viên Phần mềm Quang Trung trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở, ngành. Kho dữ liệu đã tích hợp được cơ sở dữ liệu văn bản điện tử, một cửa điện tử, khiếu nại tố cáo, đường dây nóng, đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư công, địa chính, khám chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề y, cơ sở giáo dục, dịch vụ giáo dục…

Ngày 31-3-2020, UBND TP đã ban hành Danh mục dữ liệu không gian dùng chung của TP. Đây là một nội dung quan trọng, cần thiết, hỗ trợ tốt trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh. TP cũng đã triển khai thử nghiệm cổng dữ liệu tại địa chỉ https://data.hochiminhcity.gov.vn - là nơi khai thác tập trung Kho dữ liệu dùng chung, phục vụ cho nhu cầu kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu của các cơ quan nhà nước TP.

Trung tâm điều hành đô thị thông minh được đặt tại trụ sở UBND TP, chính thức vận hành từ ngày 15-4-2019. Đến nay đã kết nối, tích hợp dữ liệu hơn 1.500 camera từ hệ thống Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế, Sở GD-ĐT, Công an TP, hệ thống camera một số quận về trung tâm điều hành. Trong đó đã phân tích, khai thác dữ liệu cùng lúc 50 camera với các tính năng như nhận diện khuôn mặt, phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về an ninh, trật tự… Trung tâm điều hành đô thị thông minh chính là nơi tiếp nhận các vấn đề phát sinh từ mọi mặt của xã hội để tổng hợp và hỗ trợ lãnh đạo TP đưa ra quyết sách.

Ngoài ra, trung tâm còn kết nối thông tin tổng hợp từ Hệ thống tiếp nhận và phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị 1022, từng bước nâng cấp hệ thống đầu số 1022 thành Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân qua 6 kênh phản ánh (gọi điện thoại, nhắn tin sms, gửi email, web app, Mobile app và Facebook).

Trong thời gian cao điểm phòng chống dịch Covid-19, Trung tâm điều hành đô thị thông minh đã đảm nhiệm chức năng tiếp nhận thông tin của người dân để phục vụ công tác xử lý và chỉ đạo, điều hành kịp thời, hiệu quả cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP.

Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội chính thức vận hành vào đầu tháng 6-2019 thực hiện chức năng tổ chức điều tra, khảo sát và thu thập thông tin nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu xây dựng mô hình phân tích, dự báo và mô phỏng; xây dựng và từng bước hệ thống hóa các mô hình định lượng phục vụ phân tích, dự báo và mô phỏng đối với các vấn đề có liên quan đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, cùng với một số vấn đề trong nước và quốc tế phục vụ cho yêu cầu phát triển TP. Ngoài ra, trung tâm còn thực hiện cung ứng dịch vụ tư vấn và hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước... Giai đoạn từ năm 2021 trở đi, trung tâm sẽ mở rộng phạm vi mô phỏng xu hướng phát triển đối với tất cả lĩnh vực thuộc Đề án đô thị thông minh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, UBND TP và các cơ quan có liên quan.

Cuối cùng là Trung tâm an toàn thông tin. TP đã phê duyệt đề án thành lập Công ty CP Vận hành Trung tâm An toàn thông tin TP HCM, với vốn góp của nhà nước (chiếm từ 55% vốn góp trở lên) và các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh thông tin; hiện đang triển khai bước tiếp theo để cụ thể hóa đề án.

Với những tiện ích người dân đang thụ hưởng, vậy đã có thể khẳng định TP HCM đang đi đúng hướng trong xây dựng đô thị thông minh, thưa ông?

- Hoàn toàn khẳng định được ngay rằng TP đang đi đúng hướng xây dựng đô thị thông minh. Hãy nhìn vào sự tham gia của người dân và các tổ chức trong việc xây dựng đô thị thông minh sẽ thấy được sự đúng hướng của TP. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để đề án thành công. Không phải đợi đến lúc đề án chính thức ra đời mà ngay từ lúc bắt đầu triển khai xây dựng, đề án đã nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để cung cấp các giải pháp công nghệ hiện đại, tiên tiến. Còn người dân thì không chỉ sử dụng các công cụ, dịch vụ, công nghệ trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông… mà còn tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền thông qua các tiện ích thông minh.

Xét trên nhiều phương diện, so với các tỉnh, TP khác trong cả nước, TP HCM hội đủ những cơ sở, điều kiện vật chất, kỹ thuật cùng nhân tố con người để xây dựng một TP thông minh, đô thị sáng tạo của Việt Nam. Đây cũng là đòi hỏi khách quan của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và đáp ứng nhu cầu cộng hưởng, tương tác, chia sẻ từ người dân, nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các tầng lớp nhân dân TP.

TP HCM sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp nào trong thời gian tới để sớm trở thành đô thị thông minh, thưa ông?

- TP đang bước vào thực hiện giai đoạn 2 của đề án, các giải pháp thông minh chuyên ngành đã khởi động triển khai từ giai đoạn 1 sẽ tiếp tục được mở rộng; HĐND TP đã thông qua 5 dự án thuộc đề án với tổng mức đầu tư là 2.673 tỉ đồng và đã thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 29 dự án với tổng mức đầu tư 2.754 tỉ đồng. TP sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp thông minh trong các lĩnh vực chuyên ngành một cách đồng bộ, giúp giải quyết các vấn đề quan trọng của TP trong nhiều lĩnh vực. Tập trung hình thành bộ máy Trung tâm điều hành chỉ huy tích hợp TP và nâng cấp 2 mô hình thí điểm tại quận 1 và quận 12; phê duyệt Đề án đô thị thông minh tại 22 quận, huyện còn lại phù hợp với đặc thù và thế mạnh của từng địa phương.

Một nội dung cần đẩy mạnh là việc tích hợp đầy đủ các camera của 24 quận, huyện, hệ thống giao thông và Công an TP về trung tâm điều hành chỉ huy. Nâng cấp Trung tâm điều hành y tế thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đưa ra những dự báo, cảnh báo xu hướng bệnh tật trên thế giới cũng như tại Việt Nam; kết nối với các chuyên gia, bác sĩ trong nước và hơn 100 bệnh viện tại 12 quốc gia trên thế giới, từ đó thực hiện chuyển giao công nghệ giúp ngành y tế TP nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng khám chữa bệnh. Nâng cấp và triển khai hiệu quả Trung tâm điều hành giáo dục thông minh giúp hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành hệ thống giáo dục bằng các công cụ thông minh.

Song song đó, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân để hiểu một cách đầy đủ, cùng tham gia tương tác để xây dựng đề án thành công. Tầm nhìn về xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025 là phát triển kinh tế ngày càng bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị.

"Người dân làm trung tâm của đô thị" được hiểu là người dân sẽ có chất lượng sống tốt hơn, được phục vụ tốt hơn và có thể tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng TP.

Đòn bẩy tăng trưởng kinh tế

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết nếu Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP được xem như động lực trực tiếp thì việc xây dựng đô thị thông minh sẽ là đòn bẩy để TP tăng trưởng kinh tế vượt bậc so với phương pháp tăng trưởng truyền thống - chủ yếu dựa vào nguồn vốn và lao động. Việc xây dựng đô thị thông minh là một quá trình liên tục, mang tính chất "mở" và lâu dài, do đó TP sẽ thường xuyên cập nhật, bổ sung, hoàn thiện.

Theo Phan Anh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên