MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP HCM vẫn chưa thể di dời chợ hóa chất Kim Biên

16-07-2017 - 17:32 PM | Bất động sản

Ngoài tìm nhà đầu tư mới cho trung tâm kinh doanh hóa chất, TP HCM sẽ quyết liệt hơn trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Sở Công Thương TP HCM cho biết phương án xây dựng trung tâm kinh doanh hương liệu, hóa chất trên khu đất gần 20 ha ở quận 8 và huyện Bình Chánh do Tập đoàn Tuần Châu đề xuất đã dừng triển khai do một số vướng mắc về mặt pháp lý và vị trí này cũng nằm trong khu dân cư, không phù hợp với quy hoạch của thành phố.

Hóa chất, phụ gia, chất bảo quản bán ở chợ Kim Biên (TPHCM). Ảnh tư liệu

Hóa chất, phụ gia, chất bảo quản bán ở chợ Kim Biên (TPHCM). Ảnh tư liệu

Trước đó, UBND TP HCM đã đề nghị các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho tập đoàn này hoàn tất thủ tục pháp lý nhằm sớm triển khai và bố trí cho các cơ sở kinh doanh hương liệu vào hoạt động tại trung tâm từ cuối năm 2017. Tuy nhiên, sau khi khảo sát thực tế, do những vướng mắc nêu trên, tập đoàn này đã xin rút, không triển khai dự án.

Sau khi tập đoàn Tuần Châu rút, TP HCM tiếp tục triển khai dự án trung tâm kinh doanh hương liệu, hóa chất tại phường 7, quận 8 đã được phê duyệt trước đó. Hiện Sở Công Thương đang tổ chức song song việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý cần thiết, đấu thầu để chọn nhà đầu tư xây dựng trung tâm kinh doanh hương liệu, hóa chất và bồi thường, giải phóng mặt bằng khu đất 11,2ha này. Dự kiến, việc lựa chọn chủ đầu tư sẽ hoàn tất trong năm nay, đến năm 2018 khởi công xây dựng.

Sở Công Thương cũng đã có công văn gửi UBND 24 quận huyện, chi cục quản lý thị trường về tăng cường công tác quản lý hoạt động hóa chất nguy hiểm trên địa bàn cũng như phối hợp rà soát, lập phương án di dời các cơ sở kinh doanh, kho chứa hóa chất nguy hiểm hoạt động xen cài trong khu dân cư. Trước mắt, chuẩn bị phương án di dời các cơ sở hóa chất, hương liệu ở quận 5, 10, 11…

Liên quan đến tiến độ thực hiện đề án Quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại TP HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương, cho biết Sở đang tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP cùng các tỉnh thành, các đơn vị liên quan rốt ráo triển khai các giải pháp để đảm bảo đến ngày 31-7, toàn bộ thịt heo đưa vào kinh doanh tại 2 chợ đầu mối Thủ Đức và Hóc Môn được truy xuất nguồn gốc.

Theo đó, từ ngày 20-7, ban quản lý đề án sẽ khóa tài khoản (mã code) đã cấp tạm cho các thương lái đăng ký tham gia đề án; việc kích hoạt thông tin cho vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt heo phải do các trang trại, cơ sở chăn nuôi thực hiện.

Theo ông Phương, đến nay, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ heo đăng ký tham gia chương trình còn giới hạn. Thời gian đầu triển khai chương trình, lượng heo vào chợ đầu mối có đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc khá cao nhưng ngày càng giảm dần và có tình trạng heo đeo vòng không được kích hoạt thông tin; các trang trại không thực hiện việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho heo khi xuất chuồng mà giao cho thương lái đeo…

Trong thời gian thí điểm, ban quản lý đề án biết nhưng tạm chấp nhận những tồn tại đó nhưng nay điều kiện đã chín muồi, lãnh đạo TP đã quyết định đến ngày 31-7 tất cả lượng heo vào chợ đầu mối phải được nhận diện truy xuất nguồn gốc.

Để thực hiện đúng kế hoạch, tổ công tác đang tích cực làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chi cục thú y các tỉnh để tuyên truyền vận động và tập huấn cho bà con nông dân. Song song đó, lên kế hoạch làm việc với ban an toàn thực phẩm, lực lượng công an TP để phối hợp triển khai giám sát thịt heo về 2 chợ đầu mối trong những ngày đầu chính thức áp dụng chương trình.

Theo Sở Công Thương, lượng heo bán vào TP HCM thông qua cửa ngõ là 2 chợ đầu mối chiếm khoảng 80% lượng tiêu thụ trên địa bàn, lượng heo bán tại kênh mua sắm hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi) chiếm 15% nữa. Nếu kiểm soát tốt việc truy xuất nguồn gốc thịt heo ở 2 kênh này, TP HCM sẽ kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng 95% thịt heo bán trên thị trường.

Theo T.Nhân

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên