TP. Hồ Chí Minh: Các đơn hàng online bị ách tắc, nhà bán lẻ nói gì?
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/Pictures72021/dinhvancu-tbtc/Anh5.jpg
Trước nhiều ý kiến phàn nàn của người dân tại TP. Hồ Chí Minh về việc đặt mua thực phẩm qua hệ thống online của các trung tâm, siêu thị bị ách tắc, giao hàng chậm trễ, ngay lập tức đã có phản hồi từ các nhà bán lẻ.
- 15-07-2021Tăng gấp 3 số cửa hàng chỉ sau 2 năm với 4 đợt hoành hành của Covid-19, Bách Hoá Xanh đang toan tính gì ở thị trường 70 tỷ USD?
- 15-07-2021Giữa đại dịch Covid-19, nền tảng thực tập online - Virtual Internships vừa được rót thêm 2,5 triệu USD
- 14-07-2021Gần 500.000 công nhân mất việc, nghỉ luân phiên vì Covid-19
Quá tải đơn hàng online
Tại hệ thống siêu thị của MM Mega Market (chuỗi cung ứng, bán lẻ hàng hóa lớn tại TP. Hồ Chí Minh) đại diện đơn vị này cho biết, hiện đang cung cấp khoảng 7.000 sản phẩm thuộc đa dạng ngành hàng từ hàng tươi sống, đông lạnh, đồ khô cho đến các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu đều có sẵn và được bổ sung liên tục.
Theo đại diện của MM Mega Market, trước đây đơn vị giao hàng online trong vòng 4 tiếng áp dụng cho các đơn vị ở khu vực miền Trung, miền Bắc, miền Tây. Riêng TP. Hồ Chí Minh đang quá tải về đơn hàng online, các đơn vị bán lẻ đều gặp phải tình trạng này. Do đó, riêng đối với khu vực TP. Hồ Chí Minh, MM Mega Market bố trí bộ phận chăm sóc khách hàng gọi điện để xác nhận đơn hàng, ngày giao hàng. Trong trường hợp khách hàng đồng ý với ngày giao hàng, thì nhân viên tiến hành giao hàng theo đúng ngày đã cam kết với khách.
Tuy nhiên, đại diện MM Mega Market cũng thừa nhận đơn vị đang quá tải đơn hàng online. Có thời điểm tăng đến 7 - 8 lần. Bình thường hệ thống đặt hàng online này mở cửa lúc 9 giờ sáng, sau khi lượng đơn hàng đủ công suất và đạt ngưỡng thì hệ thống này tự động đóng lại để nhân viên bắt tay vào soạn hàng giao cho khách, đảm bảo đơn hàng được giao trong ngày hoặc trễ hơn là qua hôm sau sẽ giao. Ngày hôm sau hệ thống đặt hàng online tiếp tục được mở lại. Do đó có tình trạng người dân đặt online mà hệ thống không tiếp nhận được là vì lý do này.
Để đáp ứng nhu cầu đặt hàng online tăng mạnh hiện nay, đơn vị này cũng đã ký kết với đội giao hàng của công ty vận tải Phương Trang, tăng cường hỗ trợ giao hàng, giải quyết tình trạng đơn hàng đang quá tải ở thời điểm hiện tại.
Đại diện đơn vị cũng nhìn nhận, do đặc thù của MM Mega Market diện tích sàn quá lớn, nên khi soạn đơn hàng cho khách, có đơn mua quá nhiều mặt hàng, có đơn hàng nhân viên phải mất từ 2 - 3 tiếng đồng hồ mới soạn xong một đơn hàng.
“Chúng tôi đang triển khai hình thức bán hàng trên trang web, khách hàng có thể đặt mua, sau đó sẽ có bộ phận soạn hàng giao hàng đến cho khách hàng. Mặc dù chưa tốt lắm, nhưng đơn vị cũng cố gắng hoàn thiện hệ thống này. Thứ hai là bán hàng qua điện thoại, MM Mega Maket cung cấp một số số điện thoại cho khách hàng thân thiết, họ gọi đến đặt hàng, nhân viên soạn rồi họ tự đến lấy hàng thanh toán đi về liền” - ông Đinh Quang Khôi - Giám đốc Maketing của MM Mega Maket Việt Nam, cho biết thêm.
Rau xanh, thực phẩm tươi sống luôn chất đầy trên kệ hàng. Ảnh: Gia Cư
Về việc hình thành cửa hàng lưu động hỗ trợ người dân mua sắm, hiện B’s Mart thuộc MM Mega Market quản lý cũng đã hỗ trợ 1 địa điểm tại Khu phố 3, đường Mai Chí Thọ, phường An Phú, TP. Thủ Đức. Đơn vị mở từ ngày 12/7 và kéo dài đến hết giãn cách theo chỉ thị 16.
Nền tảng kỹ thuật có giới hạn
Tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op, người đặt trực tuyến thông qua website Cooponline, app Saigon Co.op, hotline, zalo … tăng từ 4 – 5 lần so với ngày bình thường. Để đáp ứng lượng đơn hàng rất lớn này, đơn vị này đã huy động hàng ngàn nhân viên từ văn phòng, từ các cửa hàng Co.op Smile, Cheers... đến xử lý đơn hàng cho siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food.
“Cũng xin khẳng định, nền tảng về mặt kỹ thuật của mình, do quá trình chuẩn bị quá ngắn có những lúc bị gây tắc nghẽn. Như hiện nay, người mua tập trung vào một vài mặt hàng, hoặc lên các app nhiều quá, có thời điểm 1 tuần tăng gấp 10 lần thì nền tảng kỹ thuật sức chịu đựng có hạn không đáp ứng kịp thời” - ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op, nhìn nhận.
Đối với Satra, có 188 cửa hàng và 3 siêu thị, doanh số bán hàng online của đơn vị thời điểm này đã chiếm trên 50%. Thành phố cũng đã chỉ đạo kịp thời hỗ trợ đơn vị tem xanh để các đơn vị bán lẻ lưu thông vận chuyển hàng hóa được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, ông Lâm Quốc Thanh - Tổng giám đốc Satra, nêu một số khó khăn hiện nay của doanh nghiệp bán lẻ:
“Bây giờ giao thông khó ở chỗ là các xe tải vào khu phong tỏa để nhận hàng, như vào kho của Bình Điền, lúc trước là 50 - 60 xe, nhưng giờ chỉ cho 5 xe thôi; quản lý tài xế, kiểm tra âm tính mới được vào lấy hàng ra vô tại kho. Do đó, những hàng đông lạnh, rau củ quả tại kho Bình Điền chậm là do chỗ ra vào tại điểm này. Khu vực đó hiện nay quận 8 vẫn còn yêu cầu rất nghiêm ngặt về công tác phòng chống dịch bệnh” - ông Lâm Quốc Thanh nói.
Ông Lâm Quốc Thanh nhấn manh, trong tình hình thực hiện giãn cách, việc đi lại khó khăn, các đơn hàng online bị ách tắc vì quá tải, vì vậy, mong người dân cùng đồng lòng, chia sẻ, cảm thông với các hệ thống bán lẻ vì tình trạng quá tải. Mỗi người dân hãy mua vừa đủ thực phẩm để nhường phần cho người khác, đó cũng là nghĩa cử đẹp cùng thành phố nỗ lực chống dịch, vượt khó khăn.
Thời báo Tài chính