TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95%
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên giải ngân chậm do vướng mắc các thủ tục hành chính
UBND TP Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành để giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến hết năm 2022 phải đạt 95%.
- 30-10-2022Giải ngân vốn đầu tư công dồn dập cuối năm có thể khiến Kho bạc và mạng "nghẽn"
- 29-10-2022Quảng Nam: Gắn giải ngân đầu tư công với khôi phục nhanh hạ tầng
- 29-10-2022Thành phố trực thuộc TW duy nhất giải ngân vốn đầu tư công trên 50% trong 10 tháng đầu năm 2022
UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 và trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thiện hồ sơ gửi đến kho bạc để thanh toán trong 4 ngày làm việc, kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu; tiếp tục giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định cho chủ đầu tư; không xếp loại hoàn thành xuất sắc tổ chức, cá nhân không hoàn thành giải ngân năm 2022.
UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối theo dõi, hướng dẫn các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các chủ đầu tư thực hiện các quy trình, thủ tục về đầu tư công, đảm bảo các dự án được bố trí vốn theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, kịp thời báo cáo UBND Thành phố đối với các nội dung vượt thẩm quyền. Tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh các quy trình, quy định liên quan thủ tục đầu tư dự án, kiểm tra giám sát dự án đầu tư; phân cấp, ủy quyền trong thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án...
Đối với công tác giải ngân vốn, các sở, ngành phối hợp với UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các đơn vị liên quan giám sát việc triển khai của các dự án đầu tư công của các chủ đầu tư theo lĩnh vực được phân công phụ trách. Theo dõi tiến độ triển khai dự án theo Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công mà chủ đầu tư đã ban hành và chủ trì giải quyết các khó khăn vướng mắc của các dự án đầu tư công trong lĩnh vực do mình phụ trách; có ý kiến về việc tăng, giảm, điều chuyển vốn của các dự án theo đề nghị của các chủ đầu tư trên nguyên tắc đảm bảo giải ngân toàn bộ số vốn được giao trong lĩnh vực phụ trách...
Đối với công tác bố trí, điều chuyển vốn so kế hoạch năm 2022, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các chủ đầu tư phân công cụ thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc giải ngân từng dự án; tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập; lựa chọn chủ đầu tư, ban quản lý dự án có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án…
Mặt khác, yêu cầu ban quản lý dự án, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; kiên quyết cắt hợp đồng, có giải pháp chế tài đối với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng; tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công…
Đối với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các chủ đầu tư chủ động rà soát lập kế hoạch bố trí vốn và giải ngân cho các tháng còn lại của năm 2022 và các năm tiếp theo (theo từng năm 2023, 2024, 2025) cho toàn bộ các dự án phù hợp với mức vốn trung hạn đã bố trí của từng dự án và dự kiến thời gian hoàn thành dự án.
Đối với chủ đầu tư, nhà thầu, ban quản lý dự án, tổ chức cá nhân cố tình gây khó khăn cản trở làm chậm tiến độ giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công sẽ có chế tài xử lý nghiêm. Thay thế kịp thời những cán bộ công chức, viên chức, yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức cần xem xét, đề xuất đưa ra khỏi kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với các dự án hai năm liên tiếp không đăng ký nhu cầu bố trí vốn hằng năm để khởi công thực hiện dự án, hoặc dự án không có khả năng tiếp tục giải ngân vốn; đề xuất điều chuyển vốn cho các dự án cấp bách và có tính khả thi thực hiện cao hơn; rà soát nhu cầu vốn của các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, trường hợp nhu cầu vốn thực tế để hoàn thành dự án thấp hơn giá trị đã đăng ký hoặc dôi dư vốn sau khi hoàn thành quyết toán dự án thì đề xuất điều chỉnh giảm nhu cầu vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, bố trí cho các dự án khác...
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 30/9, tổng vốn đã giải ngân của Thành phố là 10.379 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 27% tổng kế hoạch vốn được giao (37.996 tỷ đồng). Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chậm, ngày 11/10, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X đã thông qua nghị quyết giảm vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 với số vốn là 635 tỷ đồng.
Báo tin tức