MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP Hồ Chí Minh: Kinh tế khởi sắc nhưng muốn "về đích" phải làm ngay

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đánh giá mục tiêu tăng trưởng 7,5% đồng nghĩa với nhiều thách thức mà các sở ngành phải làm thật quyết liệt, sát sao

Nhiều tín hiệu tích cực

TP Hồ Chí Minh: Kinh tế khởi sắc nhưng muốn "về đích" phải làm ngay- Ảnh 1.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, kinh tế TP Hồ Chí Minh đã có khởi sắc

Trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước của TP Hồ Chí Minh ước thực hiện 308.724 tỷ đồng, đạt 63,9% dự toán và tăng 14% so với cùng kỳ. Cụ thể, nguồn thu nội địa ước thực hiện 226.927 tỷ đồng, đạt 68% dự toán, tăng 23,9% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ doanh nghiệp nhà ước ước thực hiện 20.704 tỷ đồng, đạt 69,2% dự toán, tăng 15,5%; thu từ khu vực ngoài nhà nước ước thực hiện 67.546 tỷ đồng, đạt 73,7% dự toán, tăng 19,5%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 51.522 tỷ đồng, đạt 73,7% dự toán, tăng 14,4%.

Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) 7 tháng năm 2024 ước thực hiện 40.823 tỷ đồng, đạt 27,2% dự toán và giảm 10,5% so với cùng kỳ.

Cũng trong 7 tháng đầu năm, TP cấp phép thành lập mới cho 29.991 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 245.096 tỷ đồng, tăng 8,4% về giấy phép. Trong đó, gần một nửa số công ty thuộc lĩnh vực thương nghiệp (buôn bán, hàng hóa dịch vụ), ước tăng 20% so với cùng kỳ 2023.

Tháng 7 năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục duy trì đà hồi phục ở cả 3 chỉ số (sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 9,6%, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 13,4% và chỉ số tồn kho giảm 17,8%). Qua đó, góp phần đưa chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 7 tháng năm 2024 tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Nhờ chính sách đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và du lịch, TP đã thu hút người dân tham gia mua sắm. Nhờ vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 10,6% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,3% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu du lịch lữ hành tăng 65,7%.

Tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP Hồ Chí Minh đến năm 2025

Chiều nay, tại phiên họp kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 7/2024, các đại biểu đã thảo luận góp ý dự thảo Chỉ thị của UBND TP Hồ Chí Minh về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP Hồ Chí Minh đến năm 2025.

TP Hồ Chí Minh: Kinh tế khởi sắc nhưng muốn "về đích" phải làm ngay- Ảnh 2.

Ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh chia sẻ Dự thảo Chỉ thị gồm 7 nhóm giải pháp phát triển để giúp thành phố đạt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 7,5% trong năm 2024.

Theo ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, Dự thảo Chỉ thị nhằm tập trung điều hành đạt tăng trưởng GRDP năm 2024 theo kịch bản ít nhất 7,5% và năm 2025 là 8 - 8,5%; Tập trung nâng chỉ số PCI, Par-Index, phấn đấu đạt Top 5 địa phương đi đầu cả nước; Phấn đấu đạt tỷ lệ rác sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ mới hoặc tái chế là 80%; Phấn đấu đạt tổng diện tích nhà ở đạt từ 40 triệu m2 (chỉ tiêu Đại hội là 50 triệu mét vuông) và xây dựng ít nhất 26.200 căn nhà ở xã hội (theo chỉ tiêu Chính phủ giao); Tăng tỷ trọng kinh tế số, phấn đấu đạt chỉ tiêu theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông (năm 2024 phấn đấu đạt 22% và năm 2025 là 25%); Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 tăng 6,5%; trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm tiếp tục là động lực tăng trưởng, với mức tăng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành; Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp TP qua cửa khẩu TP tăng 10% so với năm 2023.

Trình bày dự thảo Chỉ thị, ông Trương Minh Huy Vũ cho hay, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động, kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với những thách thức nhất định, giai đoạn 2024-2025 sẽ là giai đoạn then chốt, đóng vai trò thiết yếu trong việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là sau khi phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.

Do đó, đòi hỏi phải có những giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm 2024 và năm 2025, tập trung vào 7 nhóm giải pháp:

- Tăng cường gIải ngân đầu tư công và khả năng hấp thụ vốn đầu tư.

- Giải pháp cải cách hành chính; triển khai thực hiện vào thực tế các quyền hạn đã được phân cấp, ủy quyền cho chính quyền thành phố theo Nghị quyết 98; Hoàn thiện đề án ngành công vụ, thí điểm đưa vào thực tiễn trong năm nay và năm sau

- Thúc đẩy chi tiêu công hiệu quả, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và bình ổn thị trường

- Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu

- Thúc đẩy các dự án phục vụ an sinh xã hội, nhà xã hội, tái định cư cho các hộ dân nhà ven kênh rạch; mở rộng quỹ đất công nghiệp phục vụ cho phát triển

- Tập trung thúc đẩy động lực tăng trưởng mới song song với bảo vệ môi trường, Net Zero…

- Thúc đẩy ngoại giao kinh tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua các chuyến đi của lãnh đạo thành phố

Muốn "về đích" phải là thật, làm sát sao

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho hay, để đạt mục tiêu tăng trưởng 2024 ít nhất 7,5% và thu ngân sách đạt chỉ tiêu được giao, đề nghị các cơ quan liên quan phải tập trung vào điều hành, phải đi sâu vào cụ thể, tháo gỡ từng bước. Làm sao để hôm trước vừa báo cáo vướng mắc ở đâu, hôm sau họp ngay tìm giải pháp tháo gỡ.

TP Hồ Chí Minh: Kinh tế khởi sắc nhưng muốn "về đích" phải làm ngay- Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp thường kỳ về kinh tế - xã hội trong 7 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2024 chiều 1/8

Chủ tịch Phan Văn Mãi đánh giá 3 nhóm trọng lực tăng trưởng là đầu tư công cùng với tiêu dùng và xuất nhập khẩu.

Riêng về vấn đề đầu tư công, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các sở ngành, quận huyện, chủ đầu tư theo dõi tiến độ hằng ngày, thống kê hàng tuần để đôn đốc, tháo gỡ. "Vừa rồi có 2 dự án nguy cơ chậm tiến độ là rạch Xuyên Tâm và bờ bắc Kênh Đôi. Tôi trực tiếp tháo gỡ, đến nay cơ bản có thể giải ngân được trong năm 2024. Khi áp dụng Luật Đất đai 2024, chi phí bồi thường tăng lên trên 10.000 tỉ đồng" - ông Phan Văn Mãi chia sẻ - "Đối với các chủ đầu tư, cam kết số lượng giải ngân hàng tháng. Tính tới tháng 1 là còn 6 tháng, mỗi tháng phải giải ngân 10.000 tỷ. Sẽ có điểm rơi của giải ngân nhưng phải rà soát kỹ. Phải tính sát sao hàng ngày, nếu không không thể giải ngân đạt được 95%. Các chủ đầu tư tập trung, đẩy nhanh đầu tư để giải ngân và cam kết giải ngân hàng tháng".

Về vấn đề vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khu công nghệ cao và một số dự án lớn. Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng, các dự án mở rộng được ưu tiên tháo gỡ để dòng vốn "có thể chạy vào ngay". Những dự án mới, vướng chỗ nào phải lập tức báo cáo, hôm nay tiếp nhận khúc mắc, mai ngồi vào bàn tháo gỡ luôn. Các dự án chiến lược phải tập trung vào để cấp phép trong năm nay và năm sau.

Theo Hải Minh

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên