TP thông minh, dân sẽ bớt “giật mình”
Một ngày sau công bố của TP HCM về đề án “Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh”, ngày 27-11, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo về “Đề án TP thông minh - Bình Dương” được phê duyệt tại Quyết định số 3206/QĐ-UBND ngày 21-11-2016 của UBND tỉnh này.
- 26-11-2017Người dân được lợi gì từ thành phố thông minh?
- 27-09-2017Tháng 10 thí điểm thành phố thông minh tại TP HCM
- 04-08-2017Vì sao còn nhiều khó khăn trong xây dựng thành phố thông minh?
Vậy là sau quyết tâm xây dựng TP đáng sống (Đà Nẵng), TP nghĩa tình (TP HCM)…, lần này người dân lại được biết quyết tâm mới của lãnh đạo các đô thị, có thể dễ dàng nhìn thấy qua những động thái từ TP HCM hay Bình Dương vừa nêu.
Là tỉnh dẫn đầu cả nước nhiều năm về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhưng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm thì tỉnh này đang đối mặt với nhiều thách thức, như kinh tế dựa nhiều vào sản xuất truyền thống, ô nhiễm môi trường và thâm dụng lao động kéo theo bùng nổ dân số cơ học. Đặc biệt, giá trị gia tăng và hàm lượng tri thức của nhiều sản phẩm được làm ra còn thấp… đòi hỏi Bình Dương phải chuyển sang giai đoạn phát triển mới, mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp.
TP HCM lâu nay là địa phương năng động hàng đầu của cả nước nhưng lâu nay chịu sức ép nhiều phía từ "chiếc áo quá chật" của cơ chế cũ, nay vừa được Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 trao cho cơ chế đặc thù. Có cơ chế đặc thù thì phải có những thay đổi mạnh mẽ về nhiều mặt, không thể loay hoay mãi với cách vận hành hay quản lý vốn đã quá cũ, quá nặng nề.
TP HCM đang ngày càng hiện đại
Cả Bình Dương và TP HCM đều đã đưa ra những mục tiêu mà đề án phải hướng tới. Với Bình Dương là ứng dụng mô hình 3 nhà (nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp), nhằm tạo những nền tảng cơ bản cho một nền dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, quy hoạch xây dựng theo hướng thông minh, làm tiền đề cho nền kinh tế tri thức. Với TP HCM là 4 mục tiêu nhằm phục vụ 4 chủ thể của đô thị (chính quyền - người dân - doanh nghiệp - các tổ chức xã hội) gồm: Bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.
Mục tiêu đã rõ, quyết tâm cũng đã rõ, vấn đề còn lại là làm sao để quyết tâm không chỉ dừng lại ở khái niệm hoa mỹ mà là hiện thực trong tương lai gần? Hiện thực không dừng ở mức độ định lượng mà còn phải được định tính.
Nói nôm na nhưng đầy thực tiễn như Ủy viên Bộ Chính trị , Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân là "bản chất làm đô thị thông minh là bớt giật mình vì mọi thứ dự báo được". Đô thị thông minh nếu chỉ hiện đại thôi thì chưa đủ mà dân chúng phải được thụ hưởng những chỉ số hạnh phúc, chính quyền không thể thụ động trước mọi diễn biến để rồi cứ mãi "giật mình". Muốn vậy thì không chỉ chính quyền phải thông minh mà tất cả các thành tố khác của đô thị, đặc biệt là tổ chức, doanh nghiệp và cả chính người dân cũng phải thông minh bằng việc phát huy tối đa năng lực để trở thành chủ thể sáng tạo; hoạt động của chính quyền phải được giám sát hiệu quả.
Người lao động