MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPBank tuân thủ thông tư 13/TT-NHNN về quy định vốn nội bộ

07-01-2020 - 13:30 PM | Tài chính - ngân hàng

TPBank là ngân hàng triển khai tập trung và quyết liệt để tuân thủ Thông tư 13 về yêu cầu vốn nội bộ ICAAP. Chia sẻ của ông Phạm Đỗ Nhật Vinh – Giám đốc Dịch vụ tư vấn rủi ro tài chính – KPMG Việt Nam.

 Tuân thủ về mức đủ vốn và hiện đại hóa quản trị đang trở thành trọng tâm ở nhiều Tổ chức tín dụng (TCTD). Trong bối cảnh đó, một số tổ chức đã chủ động triển khai các yêu cầu quan trọng của Thông tư 13/2016/TT-NHNN (Thông tư 13). Là một công ty tư vấn kiểm toán Quốc tế hàng đầu tại Việt Nam, KPMG theo sát diễn biến này trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.

Theo đánh giá của KPMG, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) là ngân hàng triển khai tập trung và quyết liệt để tuân thủ Thông tư 13 về yêu cầu vốn nội bộ ICAAP, đồng thời đã đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe về ICAAP. Dưới đây là những chia sẻ của ông Phạm Đỗ Nhật Vinh – Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Rủi ro Tài chính – KPMG Việt Nam.

Trong bối cảnh nhiều ngân hàng đã sẵn sàng áp dụng yêu cầu an toàn vốn theo Thông tư 41/2014/TT-NHNN của NHNN (Thông tư 41), xu hướng sắp tới là triển khai các yêu cầu quản trị rủi ro, đặc biệt là yêu cầu năng lực vốn nội bộ theo quy định của Thông tư 13 (thường được gọi là ICAAP), là một công ty tư vấn cho nhiều TCTD, ông có chia sẻ và nhận định như thế nào về hệ thống ngân hàng Việt Nam liên quan đến nội dung này?

Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trải qua giai đoạn của những áp lực đổi mới liên tục để tồn tại và phát triển, trong đó có những đòi hỏi phải thay đổi đến từ các chuẩn mực mới được NHNN đưa ra. Đến thời điểm này, có khoảng 20 ngân hàng đáp ứng yêu cầu vốn theo yêu cầu của Thông tư 41 và có lẽ các TCTD này đã có sự đánh giá, chuẩn bị trước để chắc chắn ngân hàng mình vượt qua ngưỡng tối thiểu 8% của Cơ quan quản lý. Câu hỏi đặt ra rằng liệu các ngân hàng còn đảm bảo an toàn vốn nữa hay không khi còn một (01) năm nữa cần phải tuân thủ ICAAP, nhất là khi yêu cầu này sẽ làm tăng áp lực về vốn cho các ngân hàng. Dựa trên kinh nghiệm và phân tích thực tế ở Việt Nam và một số thị trường tương đồng, chúng tôi cho rằng yêu cầu vốn tăng thêm có thể dao động từ 50 – 200 điểm cơ bản, và thậm chí cao hơn ở một số ngân hàng.

TPBank tuân thủ thông tư 13/TT-NHNN về quy định vốn nội bộ - Ảnh 1.

ICAAP là gì và động lực nào để các ngân hàng triển khai ICAAP thưa ông?

Với những quy định mới, TCTD được yêu cầu phải dự báo tốt hơn nhu cầu về vốn của mình đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong 3-5 năm trong tương lai. Dự báo vốn không chỉ cho các rủi ro tài chính thường nói đến là tín dụng, thị trường, hoạt động mà còn cho các loại rủi ro trọng yếu khác, được từng ngân hàng nhận diện và đánh giá thông qua một quy trình nghiêm túc và phương pháp luận phù hợp với mô hình kinh doanh và đặc điểm vận hành của ngân hàng đó.

Như vậy, triển khai ICAAP sẽ giúp ngân hàng chuẩn bị đủ vốn trong trung và dài hạn, tăng mức độ an toàn, khiến ngân hàng trở nên tin cậy hơn trên thị trường và trong con mắt nhà đầu tư, qua đó việc huy động vốn cũng dễ dàng hơn.

Ở các quốc gia áp dụng BASEL, ICAAP sẽ là công cụ đặc biệt hữu ích giúp các Ngân hàng Trung ương phân loại được các ngân hàng chất lượng cao, sức khỏe tài chính lành mạnh trong hệ thống của họ, để đưa ra chính sách giám sát và quản lý thích hợp với từng nhóm đối tượng.

Ở Việt Nam, các ngân hàng áp dụng sớm việc tính vốn theo Thông tư 41 và Thông tư 13 được xem là những ngân hàng tiến bộ, có sự tự chủ tài chính và có tính sẵn sàng cao trong mọi điều kiện của môi trường kinh doanh.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về việc triển khai ICAAP này và cách thức áp dụng ở các ngân hàng mà KPMG đang phối hợp triển khai?

Thực tế việc triển khai ICAAP đòi hỏi năng lực cao về dự báo và phương pháp đánh giá các tác động vào trạng thái vốn, các chỉ tiêu kinh doanh từ các yếu tố kinh tế vĩ mô ở những hoàn cảnh khác nhau (thường gọi là Stress test), do đó mang đến những thách thức không nhỏ cho các ngân hàng thực hiện ICAAP.

Để thực hiện như vậy đòi hỏi cân nhắc những đặc điểm riêng biệt ở mỗi quốc gia cũng như mô hình kinh doanh của từng ngân hàng. Ví dụ khi hợp tác với TPBank, chúng tôi đã làm việc và trao đổi liên tục cùng đội ngũ dự án ICAAP nhằm xây dựng các bài tập kiểm tra sức chịu đựng đa dạng để đưa ra các dự báo về tình hình kinh doanh, trạng thái an toàn vốn của Ngân hàng trong các hoàn cảnh biến động các yếu tố vĩ mô như GDP, CPI, Tỷ lệ thất nghiệp, Tỷ giá, Lãi suất…, với mục tiêu đảm bảo ở các triển vọng kinh tế khác nhau Ngân hàng vẫn an toàn và luôn có các biện pháp ứng phó cần thiết.

Triển khai ICAAP đòi hỏi khối lượng công tác định lượng khá lớn. Việc lựa chọn phương pháp tiếp cận, mô hình tính toán và phương thức dự báo phù hợp sẽ là một thách thức, đồng thời phụ thuộc nhiều vào việc lưu trữ, đảm bảo và duy trì chất lượng dữ liệu, tính toàn diện cũng như năng lực khai thác, phân tích dữ liệu.

Lưu ý là nếu phương pháp và mô hình tính toán, dự báo không phù hợp, sẽ có thể dẫn đến tình huống nhu cầu vốn được đề xuất ở mức dư thừa, không cần thiết, dẫn đến lãng phí nguồn lực, đôi khi làm giảm năng lực cạnh tranh của ngân hàng đó. Ngược lại, nếu việc đánh giá, dự báo không đầy đủ có thể dẫn đến tình trạng bị động trong công tác lập kế hoạch kinh doanh và việc phân bổ vốn, tiềm ẩn rủi ro khi phải đối mặt với diễn biến xấu của môi trường kinh doanh.

Quan sát của tôi ở TPBank, họ đang làm tốt cả khâu chuẩn bị dữ liệu và khâu lựa chọn phương pháp luận.

TPBank tuân thủ thông tư 13/TT-NHNN về quy định vốn nội bộ - Ảnh 2.

Tôi được biết là việc triển khai ICAAP đối với các ngân hàng Việt Nam là không hề dễ dàng. Với kinh nghiệm của nhà tư vấn, ông chia sẻ yếu tố để thực hiện thành công ICAAP?

Như đề cập ở trên, đối với ICAAP, Cơ quan Quản lý chủ yếu đưa ra nguyên tắc thực hiện, các TCTD có quyền lựa chọn cách thức phù hợp để triển khai, điều này rất khác với việc thực hiện tính toán vốn theo Thông tư 41 bởi Cơ quan quản lý có quy định tính toán và lượng hóa rõ ràng. Chính vì vậy chỉ có sự tương tác, trao đổi liên tục về các kỳ vọng, định hướng chiến lược, các giá trị, tầm nhìn trong tương lai…của Lãnh đạo cao cấp ở ngân hàng cùng sự chia sẻ thẳng thắn những thông tin này từ phía ngân hàng đã giúp chúng tôi lựa chọn cách tiếp cận phù hợp để triển khai thành công, nhanh chóng ICAAP.

Tại TPBank, chúng tôi đã lựa chọn cách triển khai không chỉ đáp ứng yêu cầu của NHNN mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe khác nhằm đảm bảo năng lực mở rộng, phát triển trong tương lai của Ngân hàng. Công cụ ICAAP của Ngân hàng sẵn sàng tích hợp các kết quả trong tương lai khi TPBank triển khai chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS 9 (chuẩn mực kế toán quốc tế có ảnh hưởng rất lớn tới việc trích lập dự phòng các khoản phải đòi) và phương pháp tính vốn nội bộ IRB. Sẽ rất thú vị và hữu ích khi Ngân hàng nhìn thấy tác động kép và ứng dụng các tác động này trong công tác lập kế hoạch và điều hành kinh doanh. Có thể nói TPBank là một trong những ngân hàng đi đầu trong việc tuân thủ Thông tư 13 về yêu cầu vốn nội bộ ICAAP và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe về ICAAP. Việc TPBank áp dụng sớm ICAAP, đồng thời triển khai IFRS 9 cho thấy Ngân hàng rất tự tin và lạc quan trong kế hoạch vốn của mình.

Như chúng ta biết thì NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại phải thực hiện ICAAP hàng năm và cập nhật theo tình hình phát triển, mô hình kinh doanh của ngân hàng đó. Do vậy chúng tôi rất vui vì dự án đã thành công đến bước cuối cùng khi mà đội ngũ nhân sự tại TPBank đã sẵn sàng làm chủ và vận hành công cụ ICAAP trong các năm tới.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên