TP.HCM: 3.480 tỉ đồng mở đường ven kênh Tham Lương
Sở GTVT TP.HCM đề nghị mở mặt đường ven kênh tối thiểu rộng 14 m. Với chiều dài mỗi bên hơn 31 km, chạy qua địa bàn bảy quận, huyện.
Nếu thực hiện đúng theo tiến độ đề xuất, đến năm 2019, dọc tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ hình thành hai trục đường lớn. Với chiều dài mỗi bên hơn 31 km, chạy qua địa bàn bảy quận, huyện. Khi đó, đây sẽ là một trong những vành đai giao thông quan trọng của TP.HCM.
Mỗi trục đường bốn làn xe
Sở KH&ĐT vừa kiến nghị UBND TP xem xét, phê duyệt dự án xây dựng đường và các công trình hạ tầng kỹ thuật hai bên bờ kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (gọi tắt là dự án xây đường dọc kênh Tham Lương). Dự án được thực hiện thông qua hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Nhà đầu tư lập đề xuất dự án là liên danh Công ty Cổ phần Phương Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư Pacific.
Theo Sở KH&ĐT, tháng 7-2016, UBND TP đã chấp thuận chủ trương thực hiện dự án xây đường dọc kênh Tham Lương theo hình thức hợp đồng BT. Liên danh Công ty Phương Nam và Công ty Pacific được giao lập đề xuất dự án bằng nguồn của doanh nghiệp. Đến nay, qua nhiều lần tổ chức lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành liên quan, phương án thực hiện dự án cơ bản đã hoàn tất. Theo đó, nhà đầu tư sẽ tự thu xếp và huy động vốn để thực hiện dự án và được UBND TP thanh toán bằng quỹ đất. Dự kiến dự án được thực hiện trong giai đoạn 2017-2019.
Cụ thể, theo đề xuất của nhà đầu tư, tuyến đường này sẽ chạy qua địa bàn huyện Bình Chánh, quận 8, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, quận 12 và Bình Thạnh. Mỗi trục đường đều có bốn làn xe, hai làn dành cho xe cơ giới rộng 7 m, hai làn dành cho xe thô sơ rộng 5 m, lề đường rộng đến 8 m.
Tạo diện mạo mới, giảm nạn kẹt xe
Sở Xây dựng nhận định về tầm ảnh hưởng của dự án mở đường dọc kênh Tham Lương: “Dự án sẽ tạo trục giao thông kết nối với các tuyến đường hiện hữu, góp phần giảm áp lực cho các tuyến đường nội đô. Dự án tạo điều kiện khai thác quỹ đất trong khu vực để thúc đẩy phát triển đô thị, đem lại diện mạo đô thị mới. Đồng thời cũng góp phần đẩy mạnh việc kết hợp giao thông thủy với giao thông đường bộ”.
Tương tự, theo Sở GTVT TP, dự án mở đường dọc kênh Tham Lương là rất cần thiết và có tính khả thi, phù hợp với các chương trình chỉnh trang đô thị và giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, mặt đường được thiết kế 12 m chưa hợp lý, cần phải tăng lên, tối thiểu phải rộng 14 m để đảm bảo lưu thông tốt hơn.
Là đơn vị được UBND TP giao trách nhiệm thẩm định dự án, Sở KH&ĐT nhìn nhận dự án sẽ đem lại diện mạo mới cho khu vực ven tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên và nâng cao đời sống kinh tế-xã hội cho người dân nhiều quận, huyện. Dự án này cũng tạo ra sự đồng bộ với dự án cải tạo xây kè và nạo vét tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên do Ngân hàng Thế giới tài trợ, đang triển khai thực hiện.
Nhà đầu tư tự bỏ tiền nghiên cứu
Theo tìm hiểu của PV Pháp Luật TP.HCM, UBND các quận, huyện có dự án đi qua đều ủng hộ dự án mở đường dọc kênh Tham Lương. Hiện công tác giải phóng mặt bằng ở một số quận, huyện đã thực hiện xong. Riêng quận Tân Bình, do chưa xác định được ranh thực hiện nên quận chưa có cơ sở để thực hiện việc giải phóng mặt bằng.
Theo kiến nghị của Sở KH&ĐT, chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi do nhà đầu tư tự huy động. Trường hợp UBND không phê duyệt báo cáo này hoặc nhà đầu tư không tìm được quỹ đất thanh toán khả thi thì TP.HCM sẽ không hoàn trả các chi phí cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn có quyền sử dụng báo cáo nghiên cứu khả thi này để kêu gọi các nhà đầu tư khác tham gia.
_______________________________
3.480 tỉ đồng (làm tròn) là chi phí thực hiện dự án mở đường dọc kênh Tham Lương. Tuyến đường dài hơn 63 km (mỗi bên dài hơn 31 km), trong đó điểm đầu tuyến đường là rạch Nước Lên (sông Chợ Đệm), điểm cuối là cửa sông Vàm Thuật - Sài Gòn.
Pháp luật TPHCM